Xuất khẩu năm 2018 vượt xa chỉ tiêu do Quốc hội và Chính phủ giao

Đó là một trong những thành tựu nổi bật của ngành Công Thương được nêu tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ Công Thương diễn ra sáng 17/1 tại Hà Nội.

Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 244,7 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm 2017, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu do Quốc hội và Chính phủ đặt ra (chỉ tiêu Quốc hội giao tăng 7 - 8%; chỉ tiêu Chính phủ giao tăng 8 - 10%).

Chú thích ảnh
Dệt may là một trong các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Hoạt động xuất nhập khẩu năm 2018 của Việt Nam tiếp tục đạt được những kết quả ấn tượng, đóng góp tích cực vào bức tranh tăng trưởng chung của nền kinh tế cả nước, qua đó góp phần quan trọng vào tăng trưởng GDP, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá, kiểm soát lạm phát và cải thiện cán cân thanh toán.

Quy mô xuất nhập khẩu tăng trưởng ở mức cao. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 482,236 tỷ USD, tăng 12,64% so với năm 2017.

Bên cạnh việc xuất khẩu tăng mạnh thì nhập khẩu đã được kiểm soát tốt, cán cân thương mại duy trì thặng dư năm thứ 3 liên tiếp, đạt khoảng 7,2 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Con số xuất siêu của Việt Nam trong năm nay đã gấp hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất siêu giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và ổn định kinh tế vĩ mô. Trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực diễn biến phức tạp và khó đoán định, đặc biệt là những diễn biến từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, xu thế bảo hộ mậu dịch gia tăng thì mức tăng trưởng xuất khẩu của năm 2018 là rất tích cực và cho thấy nỗ lực của các doanh nghiệp cũng như trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ.

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, phù hợp với lộ trình thực hiện Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Quy mô các mặt hàng xuất khẩu tiếp tục được mở rộng. Số mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên đã tăng qua các năm, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Năm 2011 có 21 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 81% tổng kim ngạch xuất khẩu; năm 2015 tăng lên thành 23 mặt hàng với tỷ trọng chiếm khoảng 87%. Và đến năm 2018 là 29 mặt hàng (trong đó có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD và 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD), chiếm 91,67% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Thị trường xuất khẩu được mở rộng, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã vươn tới hầu hết các thị trường trên thế giới, nhiều sản phẩm đã dần có chỗ đứng vững chắc và nâng cao khả năng cạnh tranh trên nhiều thị trường có yêu cầu cao về chất lượng như EU, Nhật Bản, Mỹ, Úc... Đánh giá chung cho thấy tất cả các thị trường có FTA của Việt Nam đều ghi nhận tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao so với thời điểm trước khi có FTA.

Đáng chú ý, xuất khẩu của khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục tăng trưởng tốt: Nếu như những năm trước đây, xuất khẩu của khối doanh nghiệp FDI luôn đạt mức tăng trưởng cao hơn so với khối doanh nghiệp trong nước thì thời gian gần đây, tốc độ tăng trưởng của khối trong nước đã cao hơn khối FDI. Năm 2018, khối doanh nghiệp trong nước xuất khẩu khoảng 69,2 tỷ USD, tăng 15,9%, cao hơn mức tăng trưởng xuất khẩu chung và cao hơn mức tăng trưởng của khối doanh nghiệp FDI (kể cả dầu thô) là 12,9%.

Bên cạnh kết quả đạt được, năm 2018, ngành công thương cũng còn một số hạn chế trong công tác xuất nhập khẩu. Các mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu còn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận những thị trường có yêu cầu cao về chất lượng và an toàn thực phẩm. Phần lớn các mặt hàng xuất khẩu đều chưa xây dựng được thương hiệu riêng và vững chắc.

Tỷ lệ nhập khẩu lớn về nguyên, nhiên liệu, nhất là nguyên liệu gia công sản xuất thể hiện tính gia công trong ngành còn lớn, phụ thuộc nhiều vào thị trường cung cấp ở bên ngoài, khiến cho nền kinh tế gặp bất lợi mỗi khi giá cả thế giới biến động, làm tăng chi phí sản xuất trong nước, giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.

Đây là những vấn đề mà Bộ Công Thương sẽ tập trung xử lý trong năm 2019 để duy trì đà tăng xuất khẩu và thặng dư thương mại.

Hoàng Dương/Báo Tin tức
91% cá tra Việt Nam xuất khẩu là sang Mỹ
91% cá tra Việt Nam xuất khẩu là sang Mỹ

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Việt Nam hiện là nước xuất khẩu cá tra lớn nhất thế giới, tập trung tại thị trường Mỹ (chiếm 91% thị phần) và Trung Quốc (chiếm 9% thị phần).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN