Nghệ sỹ Hãng Phim truyện Việt Nam: Mệt mỏi, hoang mang về tương lai

Việc cắt lương, không đóng các loại bảo hiểm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi và tâm lý của tập thể nghệ sỹ ở Hãng Phim truyện Việt Nam.
Nghệ sỹ Hãng Phim truyện Việt Nam: Mệt mỏi, hoang mang về tương lai ảnh 1Khung cảnh Hãng Phim truyện Việt Nam ngày 17/1. (Ảnh: PV/Vietnam+)

30 cán bộ, nhân viên của Hãng Phim truyện Việt Nam bị cắt lương, không được đóng các loại bảo hiểm trong tháng 10, 11/2018 nhưng đến ngày 15/1 vừa qua mới nhận được thông báo.

“Ngày 15/1 vừa qua, chúng tôi đột ngột được thông báo về danh sách 30 người không được trả lương và đóng các loại bảo hiểm trong Hãng Phim truyện Việt Nam. Hơn nữa, thông báo ấy lại được dán trên bảng tin ở trụ sở của Hãng Phim truyện Việt Nam (số 4 Thụy Khuê, Hà Nội). Thông báo chỉ nêu danh sách 30 cán bộ, nhân viên và không đề cập lý do của sự việc. Đó là cách làm rất qua loa, thiếu trách nhiệm và thiếu thiện chí! Trước đó, chúng tôi không được thông báo, không được biết nguyên nhân của việc này,” đạo diễn-nghệ sỹ nhân dân Thanh Vân bức xúc nói.

Có cùng quan điểm trên, đạo diễn Nguyễn Đức Việt cho rằng, việc làm này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi và tâm lý của tập thể nghệ sỹ ở Hãng Phim truyện Việt Nam.

Danh sách 30 cán bộ, nhân viên bị cắt lương, không được đóng các loại bảo hiểm có rất nhiều các nghệ sỹ gạo cội như đạo diễn Nguyễn Thanh Vân, đạo diễn Nguyễn Quốc Tuấn, quay phim Lê Minh Hà, biên kịch Nguyễn Xuân Thành…

Phản ứng với quyết định trên của Tổng công ty vận tải thủy (VIVASO), đơn vị đang trong lộ trình thoái vốn ra khỏi Hãng phim truyện Việt Nam, ngày 17/1, các nghệ sỹ đã căng biểu ngữ, băng-rôn tại trụ sở hãng phim với nội dung: “Tại sao cắt lương, bảo hiểm của chúng tôi,” “Trả lại VFS cho người làm điện ảnh”…

Đạo diễn Thanh Vân cho biết, tập thể nghệ sỹ cũng đã phản ánh sự việc, gửi kiến nghị tới Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. “Câu trả lời chúng tôi nhận được vẫn là… phải chờ! Thế nhưng, cụ thể thời gian chờ đợi là bao lâu thì chúng tôi cũng chưa được giải đáp cụ thể. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý các nghệ sỹ,” nghệ sỹ chia sẻ.

Ngoài ra, ngày 16/1 vừa qua, tập thể cán bộ, nghệ sỹ Hãng Phim truyện Việt Nam cũng đã có đơn kiến nghị gửi Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam, đề nghị trả lời bằng văn bản về lý do không được công ty đóng các loại bảo hiểm trong tháng 10, 11/2018.

[Công bố kết luận thanh tra cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam]

Đạo diễn Thanh Vân cho hay, từ khi xảy ra những chuyện “lùm xùm” liên quan đến quá trình cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam, nhiều nghệ sỹ cảm thấy chán nản, đã rời bỏ hãng phim.

“Chúng tôi cố gắng bám trụ, đấu tranh vì muốn giữ lại hãng phim. Chúng tôi không cam tâm để một thương hiệu như vậy của điện ảnh Việt do bao thế hệ dày công gây dựng bị hủy hoại. Tuy nhiên, hiện giờ, chúng tôi cũng cảm thấy rất mệt mỏi, hoang mang, chưa biết tương lai sẽ thế nào,” nghệ sỹ nhân dân Thanh Vân cho biết.

Nghệ sỹ Hãng Phim truyện Việt Nam: Mệt mỏi, hoang mang về tương lai ảnh 2Băng-rôn, biểu ngữ được gắn tại trụ sở Hãng Phim truyện Việt Nam ngày 17/1. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trước đó, ngày 29/6/2010, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định phê duyệt phương án chuyển đổi Hãng Phim truyện Việt Nam thành Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Phim truyện Việt Nam.

Đến 31/3/2014, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký quyết định về việc cổ phần hóa và thành lập ban chỉ đạo cổ phần hóa Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Phim truyện Việt Nam.

Vào tháng 4/2016, khi thông tin Tổng công ty Vận tải thủy (VIVASO) là đơn vị duy nhất đăng ký mua Hãng Phim truyện Việt Nam và được chấp thuận trở thành cổ đông chiến lược được công bố, nhiều câu hỏi về tính minh bạch của quá trình lựa chọn cổ đông chiến lược được các nghệ sỹ của hãng phim và dư luận đặt ra. Dư luận “dậy sóng” trước việc giá tài sản đất đai không được tính vào định giá hãng phim, thương hiệu của hãng phim với lịch sử hơn 60 năm hình thành và phát triển được tính bằng 0 (không).

Tháng 9/2017, sau một thời gian cổ phần hóa, các nghệ sỹ, nhân viên tại Hãng Phim truyện Việt Nam đồng loạt lên tiếng cho rằng, VIVASO không thực hiện đúng cam kết với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, không có kế hoạch, chiến lược làm phim…

Sau khi nhận được kiến nghị của một số cán bộ, diễn viên Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển phim Việt Nam (Hãng phim truyện Việt Nam), đơn kiến nghị của Hội Điện ảnh Việt Nam…, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình vừa có ý kiến chỉ đạo, giao Thanh tra Chính phủ thực hiện thanh tra quá trình cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam. 

Ngày 20/9/2018, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra về công tác cổ phần hóa tại Hãng phim truyện Việt Nam, chỉ ra những hạn chế, vi phạm về thực hiện quy trình các bước tiến hành cổ phần hóa; lựa chọn tổ chức tư vấn định giá doanh nghiệp và tư vấn cổ phần hóa; quản lý, sử dụng và thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai; quản lý tài sản, tiền vốn và hoạt động kinh doanh; việc xác định giá trị thương hiệu...

Kết luận thanh tra kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện ngay các quy trình, thủ tục để Vivaso xin rút vốn trước thời hạn./.

Hãng Phim truyện Việt Nam được thành lập năm 1953. Trong lịch sử hơn 60 năm hình thành và phát triển, hãng đã sản xuất hơn 400 bộ phim, trong đó, có nhiều tác phẩm đã trở thành tác phẩm kinh điển của điện ảnh Việt Nam: “Chung một dòng sông,” “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm,” “Chị Tư Hậu,” “Bao giờ cho đến tháng Mười”
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục