“Vốn cho vay được cộng đồng người nghèo sử dụng hiệu quả”

Nợ quá hạn và nợ khoanh chỉ chiếm 0,78% tổng dư nợ, điều đó chứng tỏ chất lượng tín dụng được đảm bảo, quy trình cho vay và đối tượng cho vay được thực hiện nghiêm túc.
“Vốn cho vay được cộng đồng người nghèo sử dụng hiệu quả” ảnh 1Bà Trần Lan Phương, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội trả lời phỏng vấn. (Ảnh: Vietnam+)

Năm 2018 là một năm thành công của Ngân hàng Chính sách Xã hội với nguồn vốn cho vay mới đạt 62.078 tỷ đồng, tăng gần 7.000 tỷ đồng so với năm trước. Nợ quá hạn và nợ khoanh chỉ chiếm 0,78% tổng dư nợ, trong đó nợ quá hạn chiếm tỷ lệ 0,39%, thấp nhất trong toàn hệ thống các tổ chức tín dụng hiện nay...

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với bà Trần Lan Phương, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội xung quanh vấn đề này.

Nguồn vốn cho vay mới tăng

- Bà có thể cho biết những kết quả nổi bật năm 2018 của Ngân hàng Chính sách Xã hội khi thực hiện nhiệm vụ chính trị, đảm bảo an sinh xã hội?

Bà Trần Lan Phương: Với Ngân hàng Chính sách Xã hội, năm 2018 là một năm đặc biệt thành công với nhiều thành tựu lớn, là điểm sáng của ngành ngân hàng Việt Nam. Ngân hàng Chính sách Xã hội đã thực hiện xuất sắc chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng Thủ tướng Chính phủ giao, góp phần tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị tại cơ sở.

Cụ thể, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đến 31/12/2018 đạt 187.792 tỷ đồng, tăng 16.003 tỷ đồng so với năm 2017 cùng việc thực hiện tốt thu nợ với doanh số đạt trên 45.888 tỷ đồng đã tạo ra nguồn tín dụng cho vay mới đạt 62.078 tỷ đồng, tăng gần 7.000 tỷ đồng so với năm trước, gần 6,7 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách đang được vay vốn.

[Người nghèo vùng dân tộc thiểu số được giảm một nửa lãi suất vay]

Vốn tín dụng chính sách xã hội đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước. Trong đó, tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, góp phần hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho trên 243.000 lao động. Giúp gần 6.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, gần 51.000 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập.

Bên cạnh đó, với nguồn vốn ưu đãi, đã có thêm trên 1,3 triệu công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn, xây dựng gần 30.000 căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống, hơn 2.800 căn nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP…

Mặt khác, tốc độ tăng trưởng tín dụng cao nhưng nợ quá hạn chiếm tỷ lệ rất thấp. Đến 31/12/2018, nợ quá hạn và nợ khoanh chỉ chiếm 0,78% tổng dư nợ, trong đó nợ quá hạn chiếm tỷ lệ 0,39%, thấp nhất trong toàn hệ thống các tổ chức tín dụng hiện nay. Điều đó chứng tỏ, chất lượng tín dụng được đảm bảo, quy trình cho vay và đối tượng cho vay được thực hiện nghiêm túc, vốn cho vay được cộng đồng người nghèo sử dụng hiệu quả, tạo niềm tin lớn trong xã hội.

- Theo báo cáo, năm 2018 ngân sách địa phương chuyển sang Ngân hàng Chính sách Xã hội để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách tăng rất lớn, kết quả này sẽ mang lại cho Ngân hàng Chính sách Xã hội điều gì, thưa bà?

Bà Trần Lan Phương: Thời gian qua, nguồn vốn ngân sách các địa phương ủy thác cho vay tăng dần đều đã góp phần đáng kể trong tổng nguồn vốn tín dụng của Ngân hàng Chính sách Xã hội. Tại hội nghị tổng kết 15 năm hoạt động của Ngân hàng Chính sách Xã hội, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các địa phương cần quan tâm, tiếp tục dành một phần nguồn ngân sách uỷ thác cho ngân hàng để cho vay các đối tượng chính sách trên địa bàn nhằm bổ sung thêm vào nguồn vốn tín dụng giảm nghèo tại địa phương.

Đến 31/12/2018 nguồn vốn địa phương ủy thác cho Ngân hàng Chính sách Xã hội đạt 11.809 tỷ đồng (chiếm 5,9%/tổng nguồn vốn), tăng 2.764 tỷ đồng so với năm 2017, đây là mức tăng lớn nhất trong 16 năm qua. Sự quan tâm tập trung nguồn lực, đặc biệt là nguồn vốn ủy thác từ ngân sách của chính quyền địa phương các cấp trong những năm qua đã mang lại kết quả rất tích cực cho hoạt động tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách Xã hội.

Cụ thể, cấp ủy, chính quyền các cấp đã nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí của tín dụng chính sách xã hội trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội của địa phương. Điều này đã giúp Ngân hàng Chính sách Xã hội chủ động hơn về nguồn vốn, giảm bớt sự phụ thuộc vào ngân sách Trung ương, từ đó thực hiện tốt hơn nhiệm vụ và vai trò của mình trong công tác cho vay tín dụng chính sách, góp phần giảm nghèo bền vững.

Đặc biệt, với quy mô nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương ngày càng tăng, các cấp ủy chính quyền địa phương đã tích cực tham gia vào cuộc cùng với Ngân hàng Chính sách Xã hội thực hiện việc cho vay, quản lý nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước.

“Vốn cho vay được cộng đồng người nghèo sử dụng hiệu quả” ảnh 2Sinh viên làm thủ tục vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội. (Ảnh: CTV)

Kiến nghị nâng mức cho vay học sinh, sinh viên

- Hiện nay, một số chương trình có mức cho vay thấp như cho vay học sinh, sinh viên, giải quyết việc làm. Vậy Ngân hàng Chính sách Xã hội đã có đề xuất gì với Chính phủ và các Bộ, ngành trong thời gian tới về việc nâng mức cho vay?

Bà Trần Lan Phương: Trong quá trình triển khai thực hiện tín dụng đối với học sinh sinh viên theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã nhiều lần báo cáo các Bộ ngành liên quan xem xét trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh nâng mức vay cho phù hợp với giá cả, mức chi phí học học tập và biến động của thị trường (hiện nay đang áp dụng mức cho vay 1,5 triệu đồng/tháng/học sinh, sinh viên).

Ngày 18/9/2018, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã báo cáo với Bộ Tài chính điều chỉnh nâng mức vay từ 1,5 triệu đồng lên 2,5 triệu đồng/tháng/học sinh sinh viên. Đến nay, Bộ Tài chính đang xin ý kiến của một số Bộ, ngành liên quan để trình Thủ tướng Chính phủ.

Đối với chương trình cho vay giải quyết việc làm cũng như các chương trình cho vay khác, hoạt động sản xuất kinh doanh đang cần nhiều nguồn vốn hơn cho đầu tư theo xu hướng chung là chuyển đổi từ quy mô nhỏ lẻ sang ứng dụng công nghệ, tiêu thụ sản phẩm theo hợp đồng và chuỗi giá trị.

Bên cạnh đó, mức cho vay hiện nay không phù hợp do biến động tăng lên hàng năm của giá cả thị trường, chi phí để đầu tư máy móc, trang thiết bị, mua cây, con giống, nguyên vật liệu đầu vào. Chỉ tính từ năm 2014 đến nay, chỉ số CPI đã tăng hơn 12,85%. Ngoài ra, nhiều hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh có nhu cầu vay vốn với mức cao hơn để tương ứng với các dự án, mô hình phát triển sản xuất kinh doanh đã phải vay vốn bổ sung từ các tổ chức tín dụng khác hoặc vay từ nguồn vốn bên ngoài với lãi suất cao.

Ngân hàng Chính sách Xã hội cũng đã đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu, tham mưu trình Chính phủ xem xét nâng mức cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm cho phù hợp với nhu cầu vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm trong giai đoạn hiện nay.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ 4.0

- Năm 2019 được Chính phủ xác định là năm bứt phá để hoàn thành kế hoạch 5 năm 2016-2020, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã có kế hoạch như thế nào để thực hiện phương châm hành động này, đặc biệt là việc áp dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0?

Bà Trần Lan Phương: Năm 2019, Ngân hàng Chính sách Xã hội đã xây dựng kế hoạch tăng trưởng dư nợ tín dụng Thủ tướng Chính phủ giao gửi các Bộ ngành xem xét trình Chính phủ. Thực hiện tốt nhiệm vụ này sẽ đảm bảo chất lượng phục vụ hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách, góp phần thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.

“Vốn cho vay được cộng đồng người nghèo sử dụng hiệu quả” ảnh 3Kết quả hoạt động kinh doanh của Ngân hàng Chính sách Xã hội 2018

Ngân hàng Chính sách Xã hội sẽ tiếp tục làm tốt công tác tập trung khơi tăng nguồn lực, trong đó, quan tâm tới nguồn vốn nhận uỷ thác của các địa phương, đẩy mạnh huy động tiền gửi tại điểm giao dịch xã và nhận tiền gửi của thành viên Tổ tiết kiệm và vay vốn nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn giải ngân các chương trình tín dụng, đảm bảo khả năng thanh khoản của toàn hệ thống.

Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tổ chức rà soát các chương trình tín dụng chính sách xã hội để tham mưu cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh đối tượng cho vay, mức cho vay, lãi suất, thời hạn cho vay phù hợp thực tiễn hoạt động. Ngân hàng Chính sách Xã hội cũng sẽ ưu tiên phân bổ vốn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; các vùng có tỷ lệ hộ nghèo cao, khó khăn; vùng có thiệt hại về thiên tai. Chúng tôi cũng đẩy mạnh giải ngân các chương trình tín dụng chính sách xã hội, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tăng khả năng tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi, góp phần giảm cho vay nặng lãi ở nông thôn...

Hiện nay những thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tạo ra những cơ hội để ngành ngân hàng nói chung phục vụ khách hàng tốt hơn. Tuy nhiên với những nhóm khách hàng khác nhau thì việc tiếp cận công nghệ cũng khác nhau.

Khách hàng của Ngân hàng Chính sách Xã hội đa số là những đối tượng yếu thế trong xã hội, sống ở nông thôn, vùng sâu vùng xa vì vậy cần có cách tiếp cận phù hợp, từng bước để làm quen với công nghệ mới. Ngân hàng Chính sách Xã hội cũng đã bắt đầu nghiên cứu và chuẩn bị cơ sở vật chất, tận dụng mọi kinh nghiệm, kiến thức và sự hỗ trợ thông qua hoạt động hợp tác quốc tế để lựa chọn đầu tư nâng cấp phần mềm thích hợp và tập huấn đào tạo khách hàng.

Trước tiên Ngân hàng Chính sách Xã hội thực hiện cung cấp SMS Banking để giúp khách hàng làm quen với công nghệ. Hầu hết khách hàng của ngân hàng hiện nay đã có tài khoản tiết kiệm tại Ngân hàng Chính sách Xã hội để thực hành tiết tiệm và chuyển khoản trả nợ, trả lãi hàng tháng.

Đó chính là những bước đầu tiên giúp khách hàng làm quen với dịch vụ thanh toán qua tài khoản, là tiền đề để tiến tới dịch vụ thanh toán đầy đủ và ứng dụng công nghệ sau này.

- Xin cảm ơn bà!

Bà Trần Lan Phương, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội chia sẻ về vốn tín dụng ưu đãi
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục