Brexit "bòn rút sinh lực" ngành dịch vụ tài chính Anh như thế nào?

Theo trang mạng CNN.com, vì Brexit, các ngân hàng và công ty tài chính đã chuyển tài sản trị giá ít nhất 800 tỷ bảng Anh (tương đương 1.000 tỷ USD) ra khỏi Anh và “đổ” vào EU,
Brexit "bòn rút sinh lực" ngành dịch vụ tài chính Anh như thế nào? ảnh 1Quang cảnh trung tâm tài chính tại thủ đô London, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), còn gọi là Brexit, chưa xảy ra song viễn cảnh này lại đang "hút hết sinh lực" ngành dịch vụ tài chính của vương quốc này.

Theo trang mạng CNN.com, vì Brexit, các ngân hàng và công ty tài chính đã chuyển tài sản trị giá ít nhất 800 tỷ bảng Anh (tương đương 1.000 tỷ USD) ra khỏi Anh và “đổ” vào EU, theo báo cáo công bố ngày 7/1 của tập đoàn đa quốc gia cung cấp dịch vụ kiểm toán Ernst & Young (EY).

Nhiều ngân hàng đã thiết lập văn phòng mới ở các nước khác thuộc EU để bảo vệ các hoạt động trong khu vực thời kỳ hậu Brexit. Các tập đoàn dịch vụ tài chính khác thì đang di rời tài sản để bảo vệ khách hàng trước tình trạng biến động thị trường và những thay đổi đột ngột về quy định.

EY nói rằng con số trên chỉ đại diện cho khoảng 10% tổng tài sản của lĩnh vực ngân hàng Anh, và là một “con số ước tính khiêm tốn” vì một số ngân hàng chưa công bố kế hoạch dự phòng của mình.

“Con số của chúng tôi chỉ phản ánh những động thái được công bố công khai,” Omar Ali, Giám đốc dịch vụ tư vấn tài chính thuộc EY chia sẻ, đồng thời thừa nhận rằng nhiều hãng dịch vụ tài chính đang “ngấm ngầm” triển khai kế hoạch trong trường hợp xảy ra viễn cảnh Anh rời EU mà không đạt được thỏa thuận nào.

EY đã thực hiện dịch vụ kiểm toán đối với 222 công ty dịch vụ tài chính lớn nhất ở Anh kể từ khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý về Brexit hồi tháng 6/2016.

Theo kế hoạch, Anh sẽ rời EU chỉ trong vòng 81 ngày, song Thủ tướng Theresa May vẫn cần giành được sự ủng hộ ở Quốc hội nước này cho thỏa thuận “ly hôn” mà bà đạt được với EU.

Quốc hội Anh sẽ tiến hành bỏ phiếu về thỏa thuận này vào tuần tới. Nếu bà May không thể thúc đẩy thỏa thuận này qua được “ải” Quốc hội thì nhiều khả năng Anh rời EU mà không có thỏa thuận nào. Ngân hàng trung ương Anh nhận định hậu quả từ viễn cảnh đó sẽ tồi tệ hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

Đối với các thể chế tài chính, Brexit không đạt được thỏa thuận nào đồng nghĩa với một cơn ác mộng. Các thỏa thuận của Anh với các thể chế của EU sẽ không tồn tại và hệ thống ngân hàng rơi vào tình thế “khoảng trống pháp lý”, tức không thể tiếp tục thực hiện một số hoạt động kinh doanh của mình trong EU.

Trong khi đó, EU cho biết sẽ thực hiện một số biện pháp nhằm không để tình trạng mất kiểm soát hoàn toàn (đối với Brexit), và kế hoạch dự phòng của EU chỉ là giải pháp ngắn hạn nhằm bảo vệ những lợi ích của khối.

Ali tiếp tục nhận định: “Các công ty dịch vụ tài chính Anh không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục sẵn sàng với tình huống không đạt được thỏa thuận nào.”

EY cho biết các công ty mà tập đoàn này theo dõi số liệu đã tạo khoảng 2.000 việc làm mới ở những nước khác thuộc EU nhằm đối phó với Brexit.

Deutsche Bank (DB), Goldman Sachs (GS) và Citi (C) đã di rời các lĩnh vực dịch vụ của mình ra khỏi Anh. Dublin, Luxembourg, Frankfurt và Paris là các điểm đến thông dụng nhất.

Theo EY, các công ty tài chính có thể sẽ di rời nhiều tài sản của mình hơn và thiết lập thêm nhiều việc làm hơn ở các thành phố khác thuộc EU trong những tuần tới.

[Brexit có lạc bước vào 'mê cung' sau cuộc bỏ phiếu lịch sử?]

“Càng đến gần ngày 29/3 mà không có thỏa thuận nào, càng có thêm nhiều tài sản được chuyển giao và nhân viên cũng sẽ được di rời hoặc thuê từ người bản địa," Ali nói thêm.

Trong hàng chục năm qua, London đã trở thành trung tâm tài chính của châu Âu và là nơi trú chân cho các trụ sở quốc tế của hàng chục ngân hàng hoạt động toàn cầu. Lĩnh vực dịch vụ tài chính sử dụng 2,2 triệu nhân viên trên cả nước, và đóng góp 12,5% cho GDP.

Hiện nền kinh tế Anh cũng đã chịu tác động từ Brexit. Lạm phát gia tăng và niềm tin của người tiêu dùng giảm sút, gây thiệt hại cho lĩnh vực bán lẻ. Đầu tư kinh doanh đã sụt giảm mạnh khi các công ty ngừng kế hoạch kinh doanh do lo ngại bất ổn chính trị. Nhiều tập đoàn chế tạo lớn, trong đó có Airbus, đã cảnh báo sẽ rút khỏi Anh nếu không đạt được thỏa thuận nào trong tiến trình Brexit.

Tập đoàn cơ khí chế tạo Schaeffler của Đức sẽ đóng cửa hai nhà máy ở Anh do bất ổn. Một minh chứng mới nhất cho tổn thương kinh tế đối với Anh là khi Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Anh ngày 7/1 thông báo tỷ lệ đăng ký xe mới ở Anh đã giảm 6,8% trong năm 2018. Đây là năm thứ hai liên tiếp chứng kiến sự sụt giảm này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục