Hỗ trợ cấp chứng chỉ quản lý rừng cho 100.000ha rừng mỗi năm

Ngành lâm nghiệp sẽ hỗ trợ cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững cho 100.000 ha rừng mỗi năm, đảm bảo sản phẩm gỗ của Việt Nam đáp ứng yêu cầu quốc tế khi tham gia các hiệp định thương mại tự do.
Hỗ trợ cấp chứng chỉ quản lý rừng cho 100.000ha rừng mỗi năm ảnh 1Ảnh minh hoa. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)

Nhằm hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020, ngành lâm nghiệp sẽ hỗ trợ cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững với 100.000ha rừng mỗi năm, đảm bảo sản phẩm gỗ của Việt Nam đủ điều kiện đáp ứng được yêu cầu quốc tế khi tham gia các hiệp định thương mại tự do.

Cùng với đó, các đơn vị sẽ tăng cường năng lực thực thi pháp luật, giảm căn bản tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng; trong đó diện tích rừng bị thiệt hại và số vụ vi phạm giảm 35% so với giai đoạn 2011-2015.

Phát triển công nghiệp chế biến gỗ thông qua việc hỗ trợ xây dựng các nhà máy chế biến gỗ, các khu lâm nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ tại các vùng kinh tế trọng điểm.

Ngành tăng tỷ trọng đầu tư, phát triển hệ thống cơ sở, hạ tầng và dịch vụ trong lâm nghiệp, đặc biệt là hệ thống đường vận xuất, vận chuyển nhằm giảm chi phí trực tiếp cho các hoạt động trồng, khai thác, vận chuyển và chế biến sản phẩm từ rừng.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã phát động phong trào thi đua hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu nhiệm vụ Chương trình mục tiêu phát triển Lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2016-2020.

[Sẽ cấp chứng chỉ cho hơn 1 triệu hécta rừng trồng sản xuất, phòng hộ]

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đặt mục tiêu đến năm 2020, tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 6,05%/năm; tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 42%.

Cùng với đó, diện tích rừng các loại đạt 14,4 triệu ha; năng suất rừng trồng bình quân đạt 20m3/ha/năm; giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản đạt 11 tỷ USD.

Ngành duy trì ổn định 25 triệu việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo, cải thiện sinh kế cho người làm nghề rừng, gắn với xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an ninh, quốc phòng.

Về bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ bảo vệ và phát triển bền vững diện tích rừng hiện có và rừng được tạo mới trong giai đoạn này.

Đồng thời, đảm bảo 15% diện tích hệ sinh thái rừng bị suy thoái được phục hồi và bảo tồn, đặc biệt là hệ thống rừng đặc dụng; đến năm 2020, tăng thêm khoảng 100.000ha rừng đặc dụng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục