Quản lý nhập khẩu phế liệu: Nhiều vướng mắc trong thực tế triển khai

Theo đánh giá của Tổng cục Môi trường, hiện vẫn chưa có quy định pháp lý rõ ràng về trách nhiệm của nước xuất khẩu và đơn vị xuất khẩu phế liệu vào Việt Nam.
Quản lý nhập khẩu phế liệu: Nhiều vướng mắc trong thực tế triển khai ảnh 1 Các container phế liệu nằm rãi rác trong cảng Cát Lái. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Việc nhập khẩu phế liệu bắt buộc phải đảm bảo các điều kiện về bảo vệ môi trường đã được quy định trong luật cũng như các văn bản dưới luật. Tuy vậy, vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập khi triển khai trong thực tế.

Bảo vệ môi trường khi nhập khẩu phế liệu

Theo Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), hiện nay các quy định liên quan đến bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu đã được quy định tại nhiều văn bản.

Luật Bảo vệ môi trường quy định tại điều 76 về phế liệu nhập khẩu từ nước ngoài phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường và phải thuộc danh mục phế liệu được phép nhập khẩu do Thủ tướng Chính phủ quy định.

Tổ chức, cá nhân chỉ được nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất và phải đáp ứng các yêu cầu có kho, bãi dành riêng cho việc tập kết phế liệu; có công nghệ, thiết bị tái chế, tái sử dụng phế liệu, xử lý tạp chất đi kèm phế liệu đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân phải xử lý tạp chất đi kèm phế liệu đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; không được cho, bán tạp chất đi kèm phế liệu; phải tái xuất phế liệu không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật môi trường; trường hợp không tái xuất được thì phải xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý chất thải.

Một quy định mới so với trước đây là doanh nghiệp buộc phải ký quỹ phế liệu nhập khẩu theo quy định của Chính phủ để đảm bảo tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu chịu trách nhiệm xử lý rủi ro, nguy cơ ô nhiễm môi trường có thể phát sinh từ lô hàng phế liệu.

Các quy định cụ thể về quản lý chất thải và phế liệu cũng được làm rõ tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ.

Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg ngày 19/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất gồm 36 loại phế liệu.

Gần đây nhất, Thông tư số 41/2015/TT-BTNMT ngày 9/9/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, quy định trình tự, thủ tục cấp giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; yêu cầu đối với tổ chức tham gia chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.

Các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu nhập khẩu: QCVN 31:2010/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu sắt, thép nhập khẩu; QCVN 32:2010/BTNMT quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu nhựa nhập khẩu; QCVN 33:2010/BTNMT quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu giấy nhập khẩu.

Ông Nguyễn Thượng Hiền, Vụ trưởng Vụ Quản lý chất thải, Tổng cục Môi trường, cho biết hiện quy định để thông quan lô hàng phế liệu rất chặt chẽ được quy định cụ thể trong Điều 10 của Thông tư 41/2015/TT-BTNMT ngày 9/9/2015.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa các giấy phép nhập khẩu phế liệu thuộc thẩm quyền của Bộ lên Cổng thông tin điện tử quốc gia và đã chỉ đạo các địa phương cũng đưa lên Cổng thông tin điện tử quốc gia đối với các giấy phép thuộc thẩm quyền của địa phương.

Vướng mắc trong thực tiễn

Theo đánh giá của Tổng cục Môi trường, hiện vẫn chưa có quy định pháp lý rõ ràng về trách nhiệm của nước xuất khẩu và đơn vị xuất khẩu phế liệu vào Việt Nam; trách nhiệm giám định lô hàng phế liệu trước khi xuất khẩu; thiếu quy định ràng buộc trách nhiệm đối với chủ tàu, chủ hãng vận tải, cơ quan kinh doanh cảng biển đối với hàng hóa là phế liệu nhập khẩu.

Giấy xác nhận đủ điều kiện bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu chưa là quy định bắt buộc trong các hợp đồng, giao dịch kinh tế thương mại giữa doanh nghiệp nhập khẩu, chủ hãng vận tải biển và nhà xuất khẩu tại nước ngoài.

Quản lý nhập khẩu phế liệu: Nhiều vướng mắc trong thực tế triển khai ảnh 2Chiều 25/7, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Thường trực Chính phủ về tình hình nhập khẩu phế liệu vào Việt Nam và các giải pháp quản lý. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Việc phối hợp liên ngành giữa các cơ quan hải quan, môi trường, công thương, giao thông vận tải, công an trong việc kiểm soát, quản lý, xử lý các vụ việc liên quan tới nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất chưa thường xuyên và chưa đạt hiệu quả.

Cơ chế, chính sách đã có nhưng việc thực hiện chính sách trong thực tế đã nảy sinh nhiều vấn đề.

[Báo động việc gia tăng bất thường lượng phế liệu nhập khẩu]

Kết quả rà soát mới nhất của Tổng cục Môi trường cho thấy mặc dù số lượng Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu được cấp không nhiều nhưng số lượng phế liệu nhập khẩu tồn đọng tại các cảng lại quá lớn.

Đến hết tháng 5/2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường mới chỉ cấp 242 Giấy xác nhận trên phạm vi cả nước. Trong đó, 139 Giấy xác nhận cấp cho cơ sở sản xuất nhập khẩu phế liệu trực tiếp; 103 Giấy xác nhận cấp cho doanh nghiệp nhận ủy thác.

Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng được cấp loại giấy này cho tổ chức, cá nhân trực tiếp nhập khẩu phế liệu.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức nhấn mạnh nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất là loại hình kinh doanh có điều kiện vì vậy cần phải được quy định, kiểm soát chặt chẽ ngay từ khâu khai báo hồ sơ nhập khẩu, thủ tục hải quan.

Thời gian qua, trong hệ thống tờ khai hải quan để làm thủ tục khai báo lần đầu cho phép tàu vận tải biển được cập vào cảng biển để trả hàng (trong đó có phế liệu nhập khẩu) không quy định chủ tàu phải khai báo đơn hàng đó đã có giấy phép nhập khẩu phế liệu hay chưa.

Chỉ khi làm thủ tục thông quan các lô hàng tại cửa khẩu thì các cơ quan hải quan mới xem xét đến giấy phép này. Vì vậy khi phát hiện ra lô hàng phế liệu không có giấy phép nhập khẩu thì hàng đã được chuyển xuống cảng, còn tàu vận tải biển đã rời khỏi Việt Nam. Đây là tồn tại, thiếu chặt chẽ đã gây rất khó khăn cho các cơ quan quản lý khi phải xử lý các lô hàng nhập khẩu phế liệu vô chủ.

Hiện tượng gian lận thương mại trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất vẫn xảy ra trong thời gian qua như giả mạo giấy nhập khẩu, khai không đúng chủng loại phế liệu nhập khẩu, sử dụng địa chỉ không đúng...

Công tác quản lý thị trường, sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất tại các địa phương thực hiện chưa tốt, xảy ra tình trạng buôn bán phế liệu nhập khẩu kiểu “trao tay” tại các làng nghề./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục