Chuyển trọng tâm kế hoạch hoá gia đình sang dân số và phát triển

Hiện nay phương hướng của công tác dân số trong tình hình mới là chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hoá gia đình sang dân số và phát triển.
Chuyển trọng tâm kế hoạch hoá gia đình sang dân số và phát triển ảnh 1Tuyên truyền cho người dân về chăm sóc sức khoẻ. (Ảnh: TTXVN/Vietnam+)

Ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số kế hoạch hoá gia đình (Bộ Y tế) cho hay, hiện nay phương hướng của công tác dân số trong tình hình mới là chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hoá gia đình sang dân số và phát triển.

Nhân Ngày Dân số Việt Nam (26/12), ông Tú nhấn mạnh, những năm qua, bên cạnh các thành tựu lớn công tác dân số đã đạt được vẫn còn nhiều thách thức mới đặt ra như: Mức sinh rất khác biệt giữa các vùng, các tỉnh, thành phố; mất cân bằng giới tính ở trẻ em đã ở mức nghiêm trọng; di dân diễn ra mạnh mẽ và Việt Nam đã bước vào giai đoạn già hóa dân số.

[Bình đẳng giới ở Việt Nam: Thách thức còn ở phía trước]

Đặc biệt, ngày 25 tháng 10 năm 2017, Nghị quyết số 21-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về công tác Dân số trong tình hình mới (dưới đây gọi tắt là Nghị quyết số 21-NQ/TW) được ban hành xác định phương hướng của công tác dân số trong tình hình mới.

Đó là công tác dân số phải chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo đảm phát triển nhanh, bền vững.

Theo ông Tú, thách thức hiện nay là chênh lệch mức sinh giữa các khu vực, các vùng khá lớn. Trong khi mức sinh ở khu vực thành thị, vùng Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long giảm sâu dưới mức “2 con” thì mức sinh ở khu vực Tây Nguyên, miền núi và Trung du phía Bắc, Bắc Trung bộ vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra, có tỉnh bình quân mỗi cặp vợ chồng vẫn sinh trên 3 con. Vì vậy, công tác vận động sinh ít con hơn ở vùng, đối tượng có mức sinh cao; duy trì kết quả ở những nơi đã đạt mức sinh thay thế; sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp.

“Kinh nghiệm các nước phát triển cho thấy, mức sinh quá thấp (dưới 2 con) kéo dài là thách thức lớn đối với phát triển bền vững và nâng cao mức sinh còn khó khăn, tốn kém hơn cả giảm sinh. Bên cạnh đó, những khu vực có mức sinh cao như Tây Bắc, Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ lại là những nơi có trình độ phát triển chưa cao, những địa bàn khó khăn nhất trong cuộc vận động giảm sinh từ trước đến nay,” ông Tú phân tích.

Vì vậy, ngành y tế đang tập trung đẩy mạnh các giải pháp để xây dựng mức sinh phù hợp với từng vùng, từng tỉnh sao cho vừa đảm bảo duy trì vững chắc mức sinh thay thế, vừa tiến tới đồng đều về mức sinh trên phạm vi cả nước vừa là yêu cầu, vừa là thách thức lớn của công tác dân số hiện nay./.

Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 cần khắc phục được vấn đề tích tụ dân số, tập trung ở các đô thị, siêu đô thị; đưa mức cân bằng dân số trở về mức dưới 109 bé trai/100 bé gái vào năm 2030.

Bên cạnh đó, phát huy lợi thế dân số vàng; lồng ghép các vấn đề dân số vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới…
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục