Bài 3 - “Vàng thau lẫn lộn”: Đến bác sỹ cũng phải ngả mũ sợ

Thực phẩm chức năng là một khoảng trống nguy hiểm nếu như người tiêu dùng trong một thời gian dài và có rủi ro về sức khỏe khi như đơn vị sản xuất cho hợp chất có thành phần hoạt tính mạnh vào.

(Đại diện Bộ Y tế nói về sự vi phạm của các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm chức năng).

Việt Nam đã trở thành một thị trường hấp dẫn các nhà sản xuất và phân phối thực phẩm chức năng do nhu cầu sử dụng người Việt tăng nhanh.

Đặc biệt, mỗi năm có hàng trăm ngàn sản phẩm thực phẩm chức năng, bị phát hiện và xử lý liên quan đến vấn đề làm giả, kém chất lượng. Vấn nạn này đang là cuộc chiến cam go với hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng ảnh hưởng tới sức khoẻ con người.

Ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) cho hay, qua 20 năm phát triển thị trường thực phẩm vừa qua, đến nay có khoảng 20.000 mặt hàng thực phẩm chức năng lưu hành trên thị trường.

“Mở cửa” cho doanh nghiệp

Hiện tại nhiều doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng theo dạng quy mô gia đình và gia truyền, sản phẩm không có số đăng ký, bán tràn lan, thậm chí trà trộn chất cấm.

Thực phẩm chức năng là lĩnh vực trong ngành y tế, tuy nhiên đặc thù quản lý lại là một trong những ngành nghề đi tiên phong chuyển từ cơ chế tiền kiểm sang hậu kiểm. Việc này nhằm thúc đẩy, khuyến khích doanh nghiệp đưa sản phẩm ra thị trường. Tuy nhiên, quy định doanh nghiệp tự công bố sản phẩm, tự chịu trách nhiệm về sản phẩm lại là kẽ hở để một số doanh nghiệp làm ăn chộp giật lợi dụng đưa ra thị trường sản phẩm kém chất lượng.

["Đòn bẩy" lành mạnh hóa thị trường thực phẩm chức năng]

Bà Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho hay, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 02/02/2018, quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Nghị định được đánh giá là làm thay đổi cơ bản phương thức quản lý thực phẩm ở Việt Nam.

Theo bà Nga, Nghị định mới đã quy định tất các các sản phẩm đã qua chế biến bao gói sẵn phải được công bố trước khi lưu thông trên thị trường. Có hai hình thức công bố là tự công bố và đăng ký bản công bố sản phẩm với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Trong đó, đối với các loại thực phẩm như thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm dùng cho chế độ ăn đặc biệt; sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ đến 36 tháng tuổi; phụ gia thực phẩm hỗn hợp có công dụng mới, phụ gia thực phẩm không thuộc trong danh mục phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm hoặc không đúng đối tượng sử dụng do Bộ Y tế quy định là phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi lưu thông trên thị trường.

Còn các sản phẩm khác (thực phẩm chức năng) thì tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm tự công bố và thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước do Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ định.

Bài 3 - “Vàng thau lẫn lộn”: Đến bác sỹ cũng phải ngả mũ sợ ảnh 1Bà Trần Việt Nga - Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm. (Ảnh: T.G/Vietnam+)

Như vậy, có khoảng 90% sản phẩm đưa ra thị trường được tự công bố. Quy định này nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Chính phủ về tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; giám sát theo phương thức quản lý rủi ro, tăng cường công tác thanh, kiểm tra, hậu kiểm.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn à Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, bản thân chính sách cũng có lỗ hổng. Ví dụ như việc áp dụng hậu kiểm theo cam kết hội nhập thế giới dẫn tới việc các doanh nghiệp cứ tung sản phẩm ra thị trường, khi phát hiện ra sản phẩm giả thì đã thiệt hại cho người tiêu dùng.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp có những mặt trái, bất cập, trong đó có những sai phạm trong công tác quản lý như: Công thức trong sản phẩm không đúng với đăng ký với cơ quan quản lý, không đúng địa điểm sản xuất...

Hai loại vi phạm phổ biến

Bà Trần Việt Nga cũng thừa nhận, trong thời gian vừa qua, Cục đã thanh kiểm tra và phát hiện được một số vi phạm trong kinh doanh điển hình về thực phẩm chức năng hiện nay đa dạng hơn rất nhiều so với trước kia.

“Trước kia có hình thức bán hàng đa cấp, bán trực tiếp, nhưng hiện nay việc kinh doanh trên môi trường mạng trên facebook, kinh doanh qua hình thức tư vấn qua điện thoại, nếu như người tiêu dùng có nhu cầu họ sẽ mang sản phẩm đến tận nơi,” bà Nga nhấn mạnh.

Nhiều vụ phát hiện và thu giữ gần đây cho thấy, các đối tượng làm giả thực phẩm chức năng rất tinh vi, có đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại để đóng gói, dán tem nhãn sản phẩm không khác gì hàng chính hãng.

Phân tích về các vi phạm điển hình của các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm chức năng, bà Nga chỉ rõ, như trong sản xuất, có vụ việc rất điển hình là doanh nghiệp sản xuất và đưa ra lưu thông những thực phẩm chức năng chưa được công bố với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, làm nhãn mác ghi thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Đây là một vi phạm điển hình không công bố với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và sản xuất không có một giấy phép về hoạt động kinh doanh hoặc giấy chứng nhận về cơ sở đủ điều kiện mà vẫn thực hiện và đưa sản phẩm ra thị trường.

Vi phạm thứ hai là doanh nghiệp có công bố với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tuy nhiên hàm lượng và những chất công bố đó khi kiểm tra hậu kiểm không đạt theo những hàm lượng mà doanh nghiệp đã công bố với cơ quan nhà nước. Chính vì không đạt được hàm lượng như vậy nên sản phẩm sẽ không có công dụng như mong muốn.

Bài 3 - “Vàng thau lẫn lộn”: Đến bác sỹ cũng phải ngả mũ sợ ảnh 2Lực lượng chức năng thu giữ một số lượng lớn sản phẩm không rõ nguồn gốc. (Ảnh: TTXVN)

Tác dụng thực sự của thực phẩm chức năng không rõ ràng

Hiện nay không chỉ người già, người trung tuổi mà thị trường thực phẩm chức năng dành cho trẻ nhỏ rất đa dạng và phong phú.

Rất nhiều phụ huynh nghĩ và sử dụng thực phẩm chức năng thường xuyên cho trẻ nhỏ, thậm chí có những quan niệm cho rằng có thể thay thuốc bởi bớt tác hại của thuốc.

Theo bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên – Phụ trách Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), nhiều khi người bệnh mua thuốc chỉ vài trăm nghìn đồng như tiền thực phẩm chức năng cả triệu bạc, trong khi tác dụng thuốc khác hẳn. Trong khi đó, giá trị, tác dụng thực sự của thực phẩm chức năng không rõ ràng.

“Thực phẩm chức năng lại là một khoảng trống tiếp nếu như người tiêu dùng trong một thời gian dài và có rủi ro về sức khỏe nếu như đơn vị sản xuất cho hợp chất có thành phần hoạt tính mạnh vào. Ngay cả những vitamin họ cho những chất vi lượng liều cao vào đó như vitamin tan trong dầu: A,E,D… những chất khoáng như Sắt (Fe) với hàm lượng cao, liều lớn hơn một chút tích lũy vào cơ thể và dễ bị ngộ độc.

Không nên thả nổi chất lượng thực phẩm chức năng cho các nhà sản xuất và người tiêu dùng cũng không nên dùng thực phẩm chức năng lâu dài, vĩnh viễn. Nếu đã gọi là thực phẩm chức năng thì ít nhất họ cho một cái gì đó khác với thực phẩm, bạn luôn luôn nhớ một công thức như vậy,” bác sỹ Nguyên cảnh báo.

Nhiều vụ phát hiện và thu giữ gần đây cho thấy, các đối tượng làm giả thực phẩm chức năng rất tinh vi, có đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại để đóng gói, dán tem nhãn sản phẩm không khác gì hàng chính hãng.

Đây chỉ là một trong nhiều vụ việc dược phẩm giả, kém chất lượng bị phanh phui trong thời gian gần đây. 

Bài 3 - “Vàng thau lẫn lộn”: Đến bác sỹ cũng phải ngả mũ sợ ảnh 3Sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe GastimunHP vi phạm khi quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.

Thạc sỹ Nguyễn Trung Nguyên chỉ rõ, với thực phẩm chức năng/thực phẩm bổ sung - bản chất nó là thành phần tương tự, gần giống với thực phẩm, nhưng đơn vị sản xuất sẽ thay đổi, gia giảm các thành phần khác nhau. Quan trọng là người ta cho các thành phần khác có hoạt tính vào có tác dụng dược lý để hiệu quả nhanh và tức thì hơn.

Mặt khác, để hạn chế sự quản lý của cơ quan nhà nước, những công ty làm ăn chính thống trong điều kiện Việt Nam hay các nước khác quản lý không tốt họ trộn thuốc tân dược vào trong. Nhiều bột dinh dưỡng cho các thành phần vào với mục đích cho thèm ăn, ăn nhiều hơn. Nhiều doanh nghiệp lại có chiêu cho sản phẩm có hoạt tính dược lý rất rõ ràng, rất mạnh trên người như café in, cho các tinh chất tuyến giáp tác dụng như hormone tế bào giáp với nhiều tác dụng khác nhau.

[Bài 2: Sự phát triển “thần tốc” của thị trường thực phẩm chức năng]

“Đặc biệt, người ta có thể cho những chất học công nghệ cao như thuốc, có thể thay đổi công thức hóa học của một loại thuốc nào đó, thành một chất khác, chất đó tên khác, chưa thuộc sự quản lý của nhà nước, nhà nước chưa kịp quản lý họ đã cho thuốc đó vào thực phẩm chức năng, như hoạt chất gốc của Viagra, họ làm thành nhiều chất khác nhau, những chất đồng dạng của thuốc… Rất lo ngại khi giá trị, tác dụng thực sự của thực phẩm chức năng không rõ ràng. Trong điều kiện của chúng ta hiện nay thực phẩm chức năng các bạn hãy chọn cái tốt, thuốc tốt còn hơn là đi mua thực phẩm chức năng. Thực phẩm chức năng là một dạng chung chiêng, không rõ ràng về chất lượng và điều quan trọng là người dùng phải trả một số chi phí rất cao,” bác sỹ Nguyên cảnh báo.

Điển hình như vụ thực phẩm chức năng Vinaca vừa qua, khi công an và lực lượng chức năng vào cuộc, những điều gian dối mới được vỡ lẽ thì sản phẩm cũng đã được bày bán tại 400 đại lý, cửa hàng trên toàn quốc. Và thiệt thòi nhất trong câu chuyện hàng giả, hàng kém chất lượng này lại chính là những người tiêu dùng - những người sử dụng sản phẩm vừa mất tiền vừa có nhiều yếu tố nguy hại cho sức khoẻ.

Đối với hình thức gian lận này, các cơ quan chức năng rất khó để phát hiện nơi knh doanh hoặc kho chứa trữ hàng hóa của các đối tượng để xử lý do những vi phạm liên quan đến sở hữu trí tuệ hữu hình vốn đã phức tạp và khó khăn trong công tác xử lý thì những vi phạm trong môi trường thương mại điện tử “tinh vi” và còn phức tạp hơn nhiều.

Bài 4: Hàng giả, hàng nhái: Hình thành các đường dây khép kín tinh vi

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục