Khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân vùng khó

Ngày 24/12, Dự án bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa phối hợp với Đại học Y Hà Nội tổ chức khám chữa bệnh miễn phí cho khoảng 500 người dân tại huyện Mường Tè.
Khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân vùng khó ảnh 1Bác sỹ khám bệnh cho người dân tại huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngày 24/12, Dự án bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa (Bộ Y tế) phối hợp với Đại học Y Hà Nội tổ chức khám chữa bệnh miễn phí cho khoảng 500 người dân tại huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.

Đây là hoạt động nâng cao sức khoẻ cộng đồng của dự án nhằm tăng cường bác sỹ có chuyên môn cao về chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân tại các huyện vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

[Sẽ đưa bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác tại các trạm y tế xã ]

Các bác sỹ của Đại học Y Hà Nội đã khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân ở nhiều chuyên khoa khác nhau. Đó là chuyên khoa: nhi, răng hàm mặt, nội, ngoại, chẩn đoán hình ảnh, mắt, tai mũi họng…

Thông qua hoạt động khám chữa bệnh tình nguyên, các bác sỹ có dịp được hiểu biết hơn về đời sống của người dân trên mọi miền, đặc biệt là những vùng có điều kiện khó khăn, từ đó có thêm nhiều các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng.

 

Cũng trong buổi sáng, Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) tổ chức Hội nghị đánh giá hoạt động bác sỹ trẻ và tập huấn phong tục tập quán văn hóa đạo đức nghề nghiệp cho các bác sỹ trẻ tình nguyện về vùng khó khăn tại Trung tâm y tế huyện Mường Tè.

Tham gia tập huấn có 39 bác sỹ trẻ thuộc Dự án bác sỹ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo.

Hội nghị nhằm cung cấp cho các bác sỹ trẻ những hiểu biết về phong tục tập quán, ngôn ngữ nhằm phục vụ công tác khám chữa bệnh.

Khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân vùng khó ảnh 2Đoàn công tác của Bộ Y tế tặng quà cho các trung tâm y tế của tỉnh Lai Châu. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Dự án này được Bộ Y tế quyết định triển khai thực hiện từ tháng 2 năm 2013 với mục tiêu đảm báo tính bền vững nguồn nhân lực y tế chất lượng cao. Theo đó, tới năm 2020 sẽ đưa khoảng hơn 300 bác sỹ trẻ về công tác tại các địa bàn nêu trên.

Hiện tại dự án đã và đang đào tạo 14 khóa chuyên khoa I cho 332 bác sỹ thuộc 11 chuyên ngành (nội, ngoại, sản, nhi, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, gây mê hồi sức, hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm, răng hàm mặt và y học cổ truyền) trong thời gian 24 tháng.

Các bác sỹ tốt nghiệp sẽ công tác 3 năm (đối với nam) và 2 năm (đối với nữ) tại các huyện nghèo như đã đăng ký tình nguyện./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục