Tình trạng sạt lở tại Bến Tre ngày càng nhanh với cường độ cao

Theo Chủ tịch UBND Bến Tre, tình trạng sạt lở tại Bến Tre diễn ra ngày càng nhanh với cường độ cao, không chỉ xảy ra ở các vùng ven biển, ven sông lớn mà ở hầu hết các nơi trong tỉnh.
Tình trạng sạt lở tại Bến Tre ngày càng nhanh với cường độ cao ảnh 1Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre Cao Văn Trọng. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre Cao Văn Trọng cho biết, hiện tình trạng sạt lở tại Bến Tre diễn ra ngày càng nhanh với cường độ cao, không chỉ xảy ra ở các vùng ven biển, ven sông lớn mà đã và đang xảy ra ở hầu hết các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Điều đáng nói là tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển diễn biến ngày càng nghiêm trọng, mức độ nhanh hơn. Đặc biệt, trong khoảng thời gian từ 5 năm trở lại đây sạt lở bờ biển lấn sâu vào trong đất liền (trung bình hàng năm khoảng từ 10-15m). Điều này gây mất đất sản xuất, mất rừng phòng hộ,... ảnh hưởng lớn đến đời sống, dân sinh nhất là đối với 3 huyện ven biển, Chủ tịch cho biết.

Ông Bùi Văn Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bến Tre cho hay, tỉnh hiện có khoảng 100 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển.

Theo đó, 92 điểm sạt lở bờ sông, tổng chiều dài khoảng 118km gây hư hại nhà ở, mất đất sản xuất của hàng trăm hộ dân. Đồng thời, làm hư hỏng nhiều đoạn đê bao nội đồng, bờ bao cục bộ, đường giao thông nông thôn.

Sạt lở bờ biển 8 điểm, với tổng chiều dài khoảng 19km thuộc địa bàn 3 huyện ven biển là Ba Tri, Thạnh Phú và huyện Bình Đại. Đáng chú ý, sạt lở đã làm mất trên 120ha đất, 55ha rừng phòng hộ bị thiệt hại, đồng thời gây ảnh hưởng và thiệt hại lớn về đất đai, tài sản của hàng trăm hộ dân.

Hiện tượng xói lở diễn ra ngày càng nhanh ở các địa phương trong tỉnh đã và đang đe dọa, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các công trình dân sinh, phá vỡ hệ thống đê kè, gây ngập lụt, xâm nhập mặn. Từ đó, gây ra những tác động bất lợi đến quá trình phát triển kinh tế-xã hội của các địa bàn trong vùng sạt lở.

[Bến Tre khẩn trương khắc phục sự cố sập cầu Sáu Chiếm]

Vấn đề này đã trở thành mối quan tâm lớn của chính quyền các cấp, đòi hỏi ngành, địa phương phải cùng nhau nghiên cứu để tìm ra giải pháp khắc phục và tổ chức thực hiện tốt công tác phòng, chống có hiệu quả trong thời gian tới.

Theo ông Cao Văn Trọng, thời gian qua, Bến Tre đã tập trung nguồn lực, đồng thời tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương và các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong và ngoài tỉnh để tổ chức triển khai thực hiện nhiều giải pháp cấp bách, nhằm khắc phục và hạn chế xảy ra sạt lở.

Cụ thể, tổ chức di dời dân ra khỏi khu vực đã, đang và có nguy cơ cao bị sạt lở để đảm bảo an toàn tính mạng. Bên cạnh đó, thực hiện cắm biển cảnh báo, khoanh vùng khu vực đang có diễn biến sạt lở hoặc có nguy cơ cao xảy ra sạt lở theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, tránh để xảy ra tai nạn.

Ngoài ra, tổ chức lực lượng tuần tra, canh gác, theo dõi chặt chẽ diễn biến sạt lở, thực hiện phương châm 4 tại chỗ để xử lý, gia cố tạm thời khi có sự cố nhằm hạn chế thiệt hại.

Tuy nhiên, đây chỉ là những giải pháp tình thế, chưa thể giải quyết căn cơ, có hiệu quả về lâu dài đối với tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển đang diễn ra ngày một nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh.

Để xử lý khắc phục sạt lở phải mất nhiều kinh phí và cần nghiên cứu đưa ra giải pháp phù hợp; tuy nhiên với nguồn lực của tỉnh chỉ đáp ứng để giải quyết được phần nhỏ các sự cố sạt lở bờ sông, bờ biển, chủ yếu thực hiện biện pháp gia cố, xử lý tạm thời nhằm hạn chế thiệt hại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục