Trăn trở của châu Phi về sáng kiến 'Vành đai và Con đường'

Trung tâm Phát triển toàn cầu (CGD) kết luận rằng Sáng kiến Vành đai và Con đường có thể khiến ít nhất 8 nước châu Phi và châu Á bị ảnh hưởng xấu bởi các khoản nợ không bền vững từ Trung Quốc.
Trăn trở của châu Phi về sáng kiến 'Vành đai và Con đường' ảnh 1(Nguồn: Reuters)

Trang mạng businesslive.co.za đăng bài phân tích của Phó Giáo sư tài chính Odongo Kodongo thuộc trường Đại học Witwatersrand, một trong những trường đại học danh tiếng nhất Nam Phi, về những tác động tiêu cực của sáng kiến "Vành đai và Con đường" (BRI) đối với các nước châu Phi nhận viện trợ từ Trung Quốc - một cường quốc ở châu Á. Nội dung bài viết như sau:

Cách đây 5 năm, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công bố BRI, một sáng kiến phát triển kinh tế và cơ sở hạ tầng đầy tham vọng với ý tưởng thúc đẩy hội nhập kinh tế châu Âu, châu Phi và châu Á.

Những người chỉ trích BRI cho rằng Trung Quốc triển khai dự án do nước này cần xuất khẩu năng lực nội địa dư thừa và tìm các cơ hội đầu tư bên ngoài đối với các khoản tiết kiệm trong nước ngày một vượt xa nhu cầu.

Do đó, BRI có thể không giải quyết các nhu cầu cơ sở hạ tầng cấp bách hoặc mang lại lợi nhuận như kỳ vọng cho các nước đối tác.

Trong thực tế, một số nhà phân tích thậm chí còn lập luận rằng nhu cầu cơ sở hạ tầng của các đối tác Trung Quốc chỉ là thứ yếu so với các lợi ích riêng của chính cường quốc châu Á này. Số khác thậm chí quy kết Trung Quốc sử dụng sáng kiến này để kiểm soát các nguồn tài nguyên khoáng sản quý giá và đẩy các nước nhỏ đang phát triển tới rủi ro nợ ở mức nguy hiểm, không bền vững.

BRI không phải là chiến lược duy nhất mà Trung Quốc đã và đang triển khai để hiện thực hóa chương trình nghị sự toàn cầu hoá của nước này.

Tại Diễn đàn Trung Quốc-châu Phi (FOCAC) năm 2018 vừa qua, Tập Cận Bình đã công bố gói tài chính mới trị giá 60 tỷ USD cho châu Phi. Gói tài chính này sẽ được triển khai trong 3 năm để tài trợ cho một số dự án phát triển, gồm viện trợ lương thực khẩn cấp, phát triển nông nghiệp, cung cấp học bổng và các chương trình đào tạo nghề.

Trong bối cảnh Trung Quốc thường áp dụng các điều kiện hỗ trợ phát triển, có thể dự đoán các nước nhận viện trợ sẽ buộc phải chấp nhận sự tham gia của khu vực tư nhân Trung Quốc như một trong những điều kiện tài chính.

Giống như bất kỳ nước cho vay nào khác, Trung Quốc cũng áp dụng các điều khoản “trói buộc” mang tính phổ biến giữa các bên cho vay song phương và các nước phát triển đã và đang chịu sức ép để chấm dứt thông lệ này.

Tuy nhiên, dữ liệu gần đây nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy phần lớn các gói hỗ trợ phát triển nước ngoài vẫn kèm theo các điều kiện.

[Ấn Độ chỉ trích Sáng kiến "Vành đai và con đường" của Trung Quốc]

Do đó, vấn đề mấu chốt là liệu đầu tư của Trung Quốc có phải là lực đẩy tích cực cho các nước châu Phi hay không? Câu trả lời có lẽ là không. Tuy nhiên, chính phủ các nước châu Phi phải đảm bảo rằng các hợp đồng vay vốn từ Trung Quốc được thực hiện theo các điều khoản bảo vệ lợi ích của chính các nước đi vay.

Ngoài ra, các nước châu Phi phải nhất quán đảm bảo sự cạnh tranh trong nguồn cung các nhà thầu, nguồn nguyên vật liệu và lao động địa phương cho tất cả các dự án có vốn tài trợ nước ngoài.

Để hiểu khả năng đáp ứng nghĩa vụ vay của một nước, cần phải xem xét các điều khoản cho vay. Tuy nhiên, không giống như hầu hết các bên cho vay đa phương và song phương, các ngân hàng của Chính phủ Trung Quốc hầu như “không công bố các điều khoản vay của họ.”

Điều này gây khó khăn cho việc đánh giá chính xác gánh nặng tài chính của các khoản vay từ Trung Quốc. Sự thiếu minh bạch này cũng làm xuất hiện nhiều đồn đoán về ý định cho vay thực sự của Trung Quốc.

Thứ hai, đã có nhiều cáo buộc cho rằng Trung Quốc sử dụng viện trợ tài chính phát triển để tiếp cận nguồn tài nguyên thiên nhiên đầy tiềm năng ở các nước đang phát triển.

Ví dụ, ở phía Nam Sahara châu Phi, một số học giả cho rằng “hầu hết các dự án do chính phủ Trung Quốc tài trợ đều nhằm mục tiêu đảm bảo các nguồn tài nguyên thiên nhiên được xuất khẩu sang Trung Quốc”. Bắc Kinh thường xuyên bác bỏ những cáo buộc đó.

Những cáo buộc đối với Trung Quốc bắt nguồn từ kế hoạch của cường quốc châu Á này trong việc mua lại tài sản chiến lược của các quốc gia đi vay trong trường hợp các nước đi vay không có khả năng trả nợ.

Gần đây, Sri Lanka đã buộc phải nhượng lại cảng Hambantota chiến lược của nước này cho Trung Quốc thuê 99 năm, sau khi Sri Lanka không đủ khả năng trả các khoản vay từ Trung Quốc.

Sri Lanka nợ Trung Quốc khoảng 13 tỷ USD; dự báo doanh thu thuế nội địa năm 2018 của Sri Lanka chỉ ở mức 14 tỷ USD.

Mặc dù theo thông lệ, trong lĩnh vực tài chính bất động sản, tài sản thế chấp đối với các khoản vay quá hạn sẽ bị tịch thu, nhưng việc nhượng lại quyền khai thác đối với các tài sản chiến lược của các nước có chủ quyền là điều chưa từng có tiền lệ.

Điều này đặt ra câu hỏi quan trọng khác: Liệu có phải Trung Quốc đang thực hiện chiến lược bẫy trong những giao dịch với các nước đang phát triển?

Bằng sự phân tích sự xu hướng của tỷ lệ nợ công so với GDP của các nước và tập trung phân tích tỷ lệ này ở các nước đi vay Trung Quốc, Trung tâm Phát triển toàn cầu (CGD) đã kết luận rằng Sáng kiến Vành đai và Con đường có thể khiến ít nhất 8 nước châu Phi và châu Á bị ảnh hưởng xấu bởi các khoản nợ không bền vững từ Trung Quốc.

Các nhà quan sát cũng quan tâm tới chính sách cho vay “khác biệt” của Trung Quốc. Không giống như hầu hết các “nhà tài trợ,” đặc biệt là Mỹ, vốn luôn yêu cầu kỹ năng quản trị tốt như một điều kiện tiên quyết đối với sự hỗ trợ phát triển.

Dữ liệu cho thấy Trung Quốc đã thực hiện các khoản đầu tư lớn về tài nguyên thiên nhiên ở các nước có kỹ năng quản trị yếu, chẳng hạn như Cộng hòa Dân chủ Congo và Sudan.

Hơn nữa, viện trợ tài chính của Trung Quốc thường gắn liền với việc sử dụng lao động ở các nước này. Vào năm 2013, ước tính Trung Quốc đã đưa hơn 1 triệu công dân nước mình đến châu Phi. Điều này làm tăng tính cạnh tranh và hạn chế khả năng tìm việc làm cũng như cơ hội kinh doanh đối với người dân địa phương.

Trung Quốc cũng bị nghi ngờ vì sự dính líu của nước này trong các vụ tham nhũng có liên quan đến hợp tác phát triển ở các nước đang phát triển.

Điển hình như nghiên cứu “Viện trợ Trung Quốc và tham nhũng địa phương” (năm 2016) của chuyên gia Ann-Sofie Isakssona và Andreas Kotsadam thuộc Đại học Gothenburg (Thụy Điển) cung cấp bằng chứng cho thấy viện trợ của Trung Quốc khiến tình trạng tham nhũng ở địa phương tăng, nhưng không kích thích hoạt động kinh tế.

Ngược lại, “các dự án viện trợ của Ngân hàng Thế giới (WB) kích thích hoạt động kinh tế địa phương mà không có bất kỳ bằng chứng nhất quán nào cho thấy thúc đẩy tham nhũng địa phương.”

Nghiên cứu của Ann-Sofie Isakssona và Andreas Kotsadam cũng tương tự với một nghiên cứu trước đó cho thấy các quỹ phát triển của Trung Quốc có thể “kiểm soát” các nhà lãnh đạo của các nước nhận viện trợ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục