Lý do Mỹ vẫn quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu

Tờ Washington Examiner mới đây đăng bài phân tích về lý do Chính quyền Donald Trump vẫn quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu của phóng viên John Siciliano.
Lý do Mỹ vẫn quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu ảnh 1Quang cảnh Hội nghị COP 24. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tờ Washington Examiner mới đây đăng bài phân tích về lý do Chính quyền Donald Trump vẫn quan tâm đến vấn đề biến đổi khí hậu của phóng viên John Siciliano.

Nội dung như sau:

Chính quyền Trump đã rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu nhưng Nhà Trắng vẫn không từ bỏ sự quan tâm đối với vấn đề này.

Các quan chức Mỹ đã thể hiện điều này khi hiện diện tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP24) được tổ chức tại thành phố Katowice của Ba Lan, tuần qua.

Hội nghị này có thể là nhân tố quyết định đến định hướng tương lai của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu được ký kết vào năm 2015, trong đó thúc giục các nước thành viên nghiêm túc hơn trong việc tuân thủ các cam kết và tăng tốc chuyển đổi năng lượng theo hướng ít sử dụng các nhiên liệu không tái tạo được.

Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Rick Perry đã thành lập một nhóm các chuyên gia cao cấp để phát triển các công nghệ mới, phục vụ cho hoạt động xuất khẩu năng lượng của Mỹ ra nước ngoài, bao gồm các công nghệ về năng lượng thiên nhiên sạch hơn, khí tự nhiên hóa lỏng và các công nghệ năng lượng hạt nhân tiến bộ.

Nữ phát ngôn viên của Bộ Năng lượng Mỹ Shaylyn Hynes cho biết: “Dưới sự lãnh đạo của Bộ trưởng Perry, Bộ Năng lượng Mỹ vẫn tập trung các nỗ lực để tác động một cách tích cực đến môi trường bằng cách xuất khẩu nhiều hơn khí tự nhiên hóa lỏng, ủng hộ năng lượng hạt nhân dân sự không phát thải và đang phát triển các công nghệ mới để hiện đại hóa sản phẩm năng lượng ở tất cả các hình thái khác nhau.”

Nhà Trắng muốn tận dụng Hội nghị COP24 để quảng bá cho chiến lược đổi mới năng lượng của Mỹ trong bối cảnh hội nghị này tiếp tục tập trung thảo luận việc sử dụng các loại năng lượng thiên nhiên giá rẻ như than đá.

Mỹ đang tập trung phát triển các công nghệ than đá sạch - những công nghệ có thể giữ lại lượng khí thải CO2 từ các ống khói công nghiệp và tái sử dụng chúng để giảm thiểu tác động của các nhà máy sử dụng than đá đối với tình trạng nóng lên của Trái Đất.

Các nguồn tin thân cận với Nhà Trắng cho biết Chính quyền Trump muốn Liên hợp quốc công nhận than đá và các loại năng lượng tự nhiên không tái tạo khác vẫn nằm trong nhóm năng lượng thuộc nhu cầu cao của các nước đang phát triển và một số nước phát triển trong suốt thế kỷ sắp tới, đồng thời công nhận mục tiêu chuyển hướng nhanh sang sử dụng 100% các loại năng lượng tái tạo là không khả thi.

[COP 24: Cần nỗ lực vượt bậc trong thực thi Hiệp định Paris 2015]

George David Banks, cựu cố vấn của Tổng thống Trump về chính sách môi trường và năng lượng toàn cầu, khẳng định các nội dung này là “mong muốn thực sự” của Nhà Trắng.

Mỹ dự báo về sự gia tăng sử dụng than đá của các nước Đông Nam Á, châu Phi, các nước đang phát triển và cho rằng cần có quan điểm phù hợp hơn về vấn đề an ninh năng lượng, an ninh khí hậu vì lợi ích của tất cả các nước; do đó, Mỹ đang cố gắng phát triển các loại công nghệ sạch nhất có thể được.

Ông Banks cũng khẳng định Trung Quốc hiện là nước tài trợ lớn nhất cho các nhà máy dùng than đá trong số các nước đang phát triển.

Trung Quốc đã tài trợ cho vấn đề này nhiều hơn tất cả các nước đứng sau như Mỹ, EU và Hàn Quốc cộng lại. Đó là điều mà Trump muốn thay đổi và ông coi “chính sách khí hậu là chính sách thương mại.” Đó cũng chính là lý do mà Chính quyền Mỹ vẫn duy trì sự quan tâm đối với lĩnh vực này.

Ông Banks cho biết Nhà Trắng đang thông qua các cuộc đàm phán, không chỉ để thúc đẩy chính sách phát triển năng lượng theo ưu thế của Mỹ, mà còn muốn buộc các quốc gia khác như Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về phát thải khí nhà kính một cách công bằng, minh bạch và có thể thẩm tra được.

Những tiêu chuẩn này được Mỹ và các nước phát triển khác đang thúc đẩy trong các diễn đàn thảo luận về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc - những cơ chế vốn được thiết lập cách hàng thập kỷ trước khi có Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Các cuộc thảo luận khó khăn tại COP24 cần phải hoàn thành “Bộ quy tắc Paris,” trong đó buộc tất cả các quốc gia trên thế giới phải tuân thủ cam kết báo cáo về tình hình cắt giảm khí thải công nghiệp. Đây là mục tiêu quan trọng nhất nhằm chứng minh một nước nào đó đang thực hiện những cam kết đã được đề cập trong Hiệp định Paris.

Chính quyền Mỹ xem việc hiểu chính xác các quy tắc trên là tối quan trọng nhằm tạo sân chơi bình đẳng giữa mục tiêu phát triển kinh tế với cam kết bảo vệ môi trường.

Mỹ đã phải đối mặt với những yêu cầu này theo Công ước của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, nhưng Trung Quốc và các nước khác lại không phải đáp ứng các yêu cầu khắt khe đó. Đó là lý do dẫn tới nhiều cuộc thảo luận về vấn đề này với mục tiêu kiểm soát tình trạng phát thải của một nước nào đó theo tiêu chí “có thể định lượng, được thông tin cụ thể và có thể thẩm tra được.”

Những yêu cầu trên không chỉ xuất phát từ mong muốn của Mỹ mà còn của các nhà hoạt động môi trường để hướng đến việc thực hiện “Bộ quy tắc Paris.”

John Verdieck, cựu nhân viên thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ làm việc về Hiệp định Paris, hiện là Giám đốc tổ chức từ thiện bảo vệ môi trường “The Nature Conservancy,” cho biết các tổ chức bảo vệ môi trường mong muốn hoàn thành “Bộ quy tắc Paris” để cải thiện các tiêu chuẩn về minh bạch - đây là vấn đề ưu tiên của hai chính quyền Mỹ trước thời ông Trump và cũng là nội dung chính của Hiệp định Paris./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục