Việt Nam kêu gọi hợp tác, hài hòa lợi ích khi ứng phó biến đổi khí hậu

Trong bối cảnh các nước đang phải chạy đua với thời gian, Việt Nam kêu gọi đề cao tinh thần hợp tác, cùng nhau thảo luận để hài hòa lợi ích của quốc gia với mối quan tâm quốc tế.
Việt Nam kêu gọi hợp tác, hài hòa lợi ích khi ứng phó biến đổi khí hậu ảnh 1Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Lê Công Thành phát biểu tại phiên bế mạc Đối thoại Talanoa tại COP24. (Ảnh: Phạm Thắng/TTXVN)

Tối 12/12 theo giờ địa phương (rạng sáng 13/12 giờ Việt Nam), Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, Trưởng đoàn Việt Nam dự Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu năm 2018 (COP24) tại Katowice (Ba Lan) đã có bài phát biểu tại phiên bế mạc Đối thoại Talanoa, một trong những hoạt động chính của COP24.

Thứ trưởng Lê Công Thành nhận định, kể từ khi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu lịch sử được thông qua ba năm trước, cộng đồng quốc tế đã hết sức nỗ lực nhằm thực hiện thỏa thuận, bao gồm việc xây dựng Chương trình nghị sự thực hiện Hiệp định Paris (PAWP).

Qua một số phiên họp, dự thảo PAWP đã minh chứng cho những nỗ lực và thỏa hiệp của các bên, tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục được tháo gỡ. Trong bối cảnh các nước đang phải chạy đua với thời gian, Việt Nam kêu gọi đề cao tinh thần hợp tác, cùng nhau thảo luận để hài hòa lợi ích của quốc gia với mối quan tâm quốc tế.

Về phía Việt Nam, Thứ trưởng Lê Công Thành nhấn mạnh một số điểm nổi bật, trong đó khẳng định các cam kết toàn cầu trong khuôn khổ Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) và Hiệp định Paris cần được tăng cường và không đảo ngược, không đàm phán lại, không cố tình hiểu sai vì biến đổi khí hậu là trách nhiệm toàn cầu.

Các nội dung của PAWP không những đảm bảo sự cân bằng giữa thích ứng, giảm nhẹ và phương tiện thực hiện để đạt được các mục tiêu phát triển bền vững mà còn phản ánh đầy đủ các quy tắc của UNFCCC, theo đó cần thiết phản ánh tính công bằng và quy tắc trách nhiệm chung, nhưng với sự phân biệt về trách nhiệm và khả năng tương ứng.

[COP 24: Cần nỗ lực vượt bậc trong thực thi Hiệp định Paris 2015]

Phương tiện thực hiện đóng một vai trò quan trọng, vì vậy các nước phát triển cần có cam kết mạnh mẽ, rõ ràng trong việc cung cấp tài chính, chuyển giao công nghệ và tăng cường năng lực để các nước đang phát triển thực hiện Hiệp định Paris, đảm bảo chuyển đổi thành công Đối tác đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) thành các hành động thực tế.

PAWP phải đơn giản và thuận lợi cho các bên thực hiện trong khi đảm bảo toàn vẹn môi trường, minh bạch, có thể so sánh, nhất quán. Để hoàn thành PAWP cần tránh tính trùng và cần được xây dựng trên kinh nghiệm đã có.

Đại diện Việt Nam nêu rõ các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trước năm 2020 có ý nghĩa quan trọng nhằm thu hẹp khoảng trống về phát thải khí nhà kính. Để đạt được mục tiêu đó, các quốc gia chưa phê chuẩn Sửa đổi Doha cần khẩn trương hoàn tất thủ tục phê chuẩn. Thực hiện việc này sẽ củng cố lòng tin giữa các bên và tạo đà thực hiện các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu cho giai đoạn sau 2020.

Cũng trong bài phát biểu, Thứ trưởng Lê Công Thành một lần nữa khẳng định, là một quốc gia đã và đang tích cực tham gia, thực hiện các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch thực hiện Hiệp định Paris, trong đó tập trung vào việc thực hiện NDC, hướng tới hoàn thành các mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu và tăng khả năng chống chịu của quốc gia.

Ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện NDC đã trở thành hoạt động thường xuyên, liên tục của quốc gia và đã được lồng ghép vào các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội của tất cả các cấp, các ngành, doanh nghiệp, cộng đồng và của từng người dân Việt Nam.

Việt Nam cũng đã khởi động tiến trình rà soát NDC theo yêu cầu tại COP21 và xây dựng Thông báo quốc gia lần thứ ba. Hai tài liệu quan trọng này sẽ hoàn thành trong năm 2019. Những nỗ lực không ngừng của Chính phủ Việt Nam được đồng hành cùng sự tham gia của khối tư nhân và hỗ trợ của quốc tế, Việt Nam sẽ đặt ra lộ trình rõ ràng về ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam, góp phần vào nỗ lực ứng phó chung của toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục