Ngành giáo dục căng sức chống lạm thu đầu năm học mới

Dù phải hai tuần nữa, năm học mới 2018-2019 mới chính thức bắt đầu, nhưng vấn đề lạm thu đầu năm học mới đã nóng trên các diễn đàn. Hàng loạt văn bản về thu, chi đã được các cơ quan quản lý ban hành.
Ngành giáo dục căng sức chống lạm thu đầu năm học mới ảnh 1(Ảnh minh họa: TTXVN)


Dù còn hai tuần nữa, năm học mới 2018-2019 mới chính thức bắt đầu, nhưng vấn đề lạm thu đã nóng trên các diễn đàn. Hàng loạt các văn bản chỉ đạo liên quan đến việc chống lạm thu đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như sở giáo dục đào tạo các địa phương liên tiếp ban hành.


Chấm dứt lạm thu?

Hôm nay, ngày 22/8, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã ra công văn hướng dẫn khung mức thu đối với các khoản thu thỏa thuận cho các đơn vị trực thuộc Sở năm học 2018-2019.

Theo đó, Sở yêu cầu các trường ngay từ đầu năm học phải thỏa thuận thống nhất chủ trương với phụ huynh học sinh để có cơ sở lựa chọn và quyết định các hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục.

Sở quy định cụ thể khung thu cho từng nội dung, đối với từng cấp học. Tiền tổ chức dạy học 2 buổi/ngày từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng, tiền tổ chức phục vụ và quản lý bán trú từ 350.000 đồng đến 400.000 đồng đối với bậc mầm non, từ 200.000 đồng đến 250.000 đồng đối với các bậc học cao hơn. Tiền vệ sinh bán trú từ 30.000 đồng đến 50.000 đồng…

Các trường chủ động tính toán các khoản thu đảm bảo nguyên tắc thu đủ bù chi và sử dụng các khoản thu đúng mục đích, thực hiện công khai kế hoạch thu-chi của từng khoản thu đến phụ huynh học sinh trước khi thực hiện thu. Khi thu phải cấp hóa đơn cho từng học sinh và thực hiện đầy đủ các chế độ quản lý tài chính.

Sở cũng yêu cầu các trường giãn thời gian thực hiện các khoản thu, không tổ chức thu gộp nhiều khoản trong cùng một thời điểm và báo cáo mức thu đã thực hiện về Sở trước ngày 15/9.

[Hội phụ huynh hóa… “hội lạm thu”, Bộ Giáo dục họp chỉnh Điều lệ]

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa cũng nhấn mạnh “chấm dứt việc lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản thu ngoài quy định” trong văn bản gửi đến các trường trên địa bàn tỉnh trước thềm năm học mới.

Tại Hà Nội, Ủy ban Nhân dân thành phố đã có văn bản chỉ rõ những khoản không được thu và yêu cầu ngành giáo dục chỉ đạo các nhà trường cấm lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản ngoài quy định.

Thực hiện chỉ đạo này, bên cạnh việc chỉ đạo các trường, Sở Giáo dục và Đào tạo thủ đô còn công bố danh sách 33 số điện thoại đường dây nóng của Sở và tất cả 30 quận, huyện trên địa bàn, sẵn sàng tiếp nhận phản ánh của học sinh, phụ huynh, nhân dân thành phố về những vi phạm trong thu chi của các nhà trường.

Ngành giáo dục căng sức chống lạm thu đầu năm học mới ảnh 2Những đơn tự nguyện được in sẵn gây bức xúc trong phụ huynh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bao giờ hết nóng?

Tuy có rất nhiều văn bản đã được ban hành, nhưng theo ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, lạm thu trong trường học vẫn luôn là vấn đề nhức nhối mỗi dịp đầu năm học mới.

“Năm nào cũng bàn đến chuyện lạm thu, mặc dù các cơ quan quản lý, cơ quan chức năng đã vào cuộc và có nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra và xử lý kỷ luật thích đáng,” ông Khánh nói.

Ông Khánh cho rằng trong khi ngân sách nhà nước còn eo hẹp thì việc huy động nguồn lực xã hội một cách tự nguyện để đầu tư. Tuy nhiên, các trường chưa hiểu đúng và làm đúng pháp luật về xã hội hóa trong giáo dục, dẫn đến cách thức triển khai không phù hợp. Đây là lý do dẫn tới tình trạng một số nơi, một số địa phương, người đứng đầu các cơ sở giáo dục đã lợi dụng hội phụ huynh học sinh, thực hiện áp đặt, cào bằng để thu tiền.

[Phó Thủ tướng chỉ đạo chấn chỉnh lạm thu đầu năm học mới]

“Bộ Giáo dục và Đào tạo năm nào cũng chủ động ban hành rất sớm các văn bản để hạn chế lạm thu, như năm nay, ban hành ngay từ tháng Ba. Trong đó, nêu các vấn đề cụ thể, yêu cầu các cơ quan quản lý từ địa phương, sở, phòng giáo dục, đặc biệt đối với người đứng đầu các cơ sở giáo dục chấn chỉnh tình trạng này. Tuy nhiên, vẫn tái diễn tình trạng lạm thu ở đây đó trên nhiều địa phương,” ông Khánh nói.

Vị Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính cho rằng, để hạn chế “nở rộ” các khoản thu đầu năm, ngoài vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước, cần kêu gọi ban đại diện cha mẹ học sinh và phụ huynh cả nước hiểu đúng về huy động các nguồn thu từ xã hội.

“Bên cạnh các khoản thu kêu gọi xã hội hóa và tài trợ, nhà trường cũng rất cần sự ủng hộ của hội phụ huynh học sinh tùy mức độ khả năng của từng ra đình. Hy vọng với sự vào cuộc của cả xã hội, việc chấn chỉnh tình trạng lạm thu và việc thu lợi dụng hội cha mẹ phụ huynh học sinh sẽ được chấn chỉnh trong năm học mới, từ đó tạo ra môi trường giáo dục trong sạch, lành mạnh hơn,” ông Khánh nói./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục