Hơn 150 nước dự sự kiện thông qua hiệp ước toàn cầu về di cư của LHQ

Phát biểu trước báo giới ngày 9/12, đặc phái viên Liên hợp quốc phụ trách vấn đề di cư quốc tế Louise Arbour cho biết có hơn 150 nước đăng ký tham gia sự kiện thông qua Hiệp ước toàn cầu về di cư.
Hơn 150 nước dự sự kiện thông qua hiệp ước toàn cầu về di cư của LHQ ảnh 1Đại diện đặc biệt của LHQ về vấn đề di cư quốc tế Louise Arbour. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Việc nhiều nước "quay lưng" lại với Hiệp ước toàn cầu về di cư của Liên hợp quốc đã khiến số lượng các nước đăng ký tham gia sự kiện chính thức thông qua Hiệp ước này, được tổ chức tại thành phố Marrakesh của Maroc ngày 10/12, ít hơn nhiều so với kế hoạch ban đầu.

Phát biểu trước báo giới ngày 9/12, đặc phái viên Liên hợp quốc phụ trách vấn đề di cư quốc tế, bà Louise Arbour cho biết đã có hơn 150 nước đăng ký tham gia sự kiện nói trên.

Bà nhấn mạnh tuy thỏa thuận này không mang tính ràng buộc về mặt pháp lý, song có thể được xem như "kim chỉ nam" đối với các quốc gia đang phải giải quyết vấn đề di cư.

Bà Arbour thừa nhận sẽ có nhiều thách thức trong quá trình thực thi hiệp ước này.

Hiệp ước toàn cầu về Di cư an toàn, có trật tự và thường xuyên đã được tất cả 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, trừ Mỹ, nhất trí hồi tháng Bảy vừa qua.

[Liên hợp quốc với những mục tiêu còn dang dở của năm 2018]

Hiệp ước đặt ra 23 mục tiêu đảm bảo di cư hợp pháp và quản lý dòng người di cư tốt hơn trong bối cảnh số người di cư trên toàn thể giới đã tăng lên mức 250 triệu người, tương đương 3% dân số toàn thế giới.

Tuy nhiên, trước thời điểm diễn ra Hội nghị cấp cao của Liên hợp quốcvề Hiệp ước này, một loạt các nước đã đồng loạt tuyên bố rút khỏi hiệp ước này, trong đó có Hungary, Áo, Cộng hòa Séc, Ba Lan, Bulgaria và Australia.

Mới đây nhất, Chile cũng đã tuyên bố rút khỏi hiệp ước này. Đại diện Chính phủ Chile thông báo quyết định trên ngày 9/12, theo đó cho biết nước này sẽ không cử đại diện tham dự sự kiện thông qua hiệp ước.

Hiệp ước ra đời trong bối cảnh làn sóng người di cư đổ tới châu Âu với quy mô lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ Hai, trong đó đa số trốn chạy khỏi các cuộc xung đột và nạn nghèo đói ở Trung Đông và châu Phi.

Đến nay lượng người di cư qua đường biển đã giảm rõ rệt, nhưng "dư chấn chính trị" do làn sóng này gây ra vẫn rất nặng nề tại Liên minh châu Âu.

Hiện hàng nghìn người di cư cũng đang tập trung ở biên giới Mexico để tìm cơ hội xin tị nạn tại Mỹ, buộc nhà chức trách Mỹ phải triển khai binh sỹ tới biên giới và tiến hành trấn áp mạnh tay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục