Hà Tĩnh: Nhiều trường học ở xã Hà Linh xuống cấp trầm trọng

Cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng, thiếu phòng học và các phòng chức năng, sân chơi, bãi tập hư hỏng… là tình trạng chung của các trường học trên địa bàn xã Hà Linh (huyện Hương Khê, Hà Tĩnh).

Chú thích ảnh
Tại các cuộc họp hội đồng và hội nghị cán bộ viên chức, nhiều giáo viên Trường Tiểu học Hà Linh phải ngồi ngoài hành lang do phòng quá chật chội... Ảnh: baohatinh.vn

Mùa mưa lũ năm nào cũng vậy, thầy cô và học sinh nơi đây luôn phải sống trong cảnh “vừa học vừa lo”.

Tháng 10/2018, thực hiện chủ trương của ngành Giáo dục, Trường Tiểu học Hà Linh sáp nhập với Trường Tiểu học Truông Bát thành Trường Tiểu học Hà Linh và vẫn giữ điểm trường Truông Bát. Sau sáp nhập, niềm hy vọng về việc tăng quy mô, nâng cao chất lượng giáo dục đang được nhen lên song nhà trường phải đối mặt với nỗi lo cơ sở vật chất vừa thiếu vừa xuống cấp.

Những giờ họp chung đầu tiên của cả hai điểm trường, giáo viên phải ngồi ngoài hành lang bởi văn phòng – nơi sinh hoạt chung chỉ rộng 32m2, không đủ chỗ cho 46 giáo viên, nhân viên nhà trường ngồi. Dãy nhà hiệu bộ của trường được tận dụng từ dãy phòng học cũ nên ngoài văn phòng chung cũng chỉ có thêm 1 phòng hiệu trưởng, 1 phòng hiệu phó nhưng cũng xập xệ, xuống cấp, hễ trời mưa là nước thấm dột khắp nơi.

Cô Lê Thị Hợi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hà Linh cho biết: Sau khi sáp nhập, có 5 lớp ở điểm lẻ chuyển về điểm chính Hà Linh. Hiện tại, trường vẫn còn thiếu 1 phòng học, các phòng chức năng, phòng phục vụ học tập, nhà đa chức năng… Đặc biệt, điểm lẻ Truông Bát cũng còn rất khó khăn khi vẫn còn thiếu một phòng học phải mượn phòng thư viện. Ngoài ra, tường của các phòng học đều đã bị nứt nẻ, trần nhà bong tróc.

Không chỉ bậc tiểu học, cơ sở vật chất khó khăn cũng là nỗi trăn trở từ nhiều năm nay của giáo viên Trường Trung học cơ sở Hà Linh. Thầy Lê Hữu Việt, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Hà Linh cho biết: “Trường có tổng số 436 học sinh nhưng chỉ 11 phòng học tạm gọi là kiên cố nên nhà trường bắt buộc phải bố trí 2 lớp học ở dãy phòng đã xuống cấp. Ngày nắng ráo còn đỡ, ngày mưa gió là thầy trò lại ôm cặp sơ tán khắp nơi”.

Cơ sở vật chất ở Trường Trung học cơ sở Hà Linh được đầu tư xây dựng từ năm 1984, nay đã xuống cấp trầm trọng. Dãy mới nhất là nhà hiệu bộ theo thiết kế xây 2 tầng nhưng mới chỉ xây tầng 1 từ năm 2005 và nay đã bị thấm trần. Các phòng học cao tầng do xây dựng từ lâu nên diện tích không đủ rộng, nhiều lớp phải kê bàn học sát bục giảng, hệ thống cửa sổ, cửa chính bị hư hỏng. Nhà để xe của học sinh được xây dựng từ lâu, nay cũng đã hư hỏng nặng.

Thầy Lê Hữu Việt, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Hà Linh thông tin thêm: “Do không có sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án, nguồn thu từ nhân dân 2 năm nay cũng không có bởi đây là trường liên xã, chúng tôi không có văn bản hướng dẫn thu nên việc tu sửa nhỏ, đầu mỗi năm học đều lấy 1 phần từ kinh phí thường xuyên nhưng nguồn này cũng chẳng đáng bao nhiêu so với tình trạng xuống cấp của cơ sở vật chất.”

Để đảm bảo an toàn cho các em học tập, tháng 10/2017, nhà trường đã kiến nghị UBND huyện Hương Khê thành lập đoàn kiểm tra nhằm thanh lý hai dãy nhà cấp 4 đã xuống cấp. Nhưng đến nay, nhà trường vẫn chưa nhận được phản hồi.

Ông Lê Xuân Phú, Chủ tịch UBND xã Hà Linh cho biết: Hiện, ở cả ba bậc học vẫn chưa có trường nào ở xã đạt chuẩn. Để khắc phục tình trạng thiếu cơ sở vật chất và xây dựng chuẩn ở các nhà trường, đảm bảo hoàn thành tiêu chí trường học trong xây dựng nông thôn mới cần nguồn kinh phí khoảng hơn 20 tỷ đồng. Đây là một yêu cầu khó đối với địa phương miền núi còn nhiều khó khăn như Hà Linh.

Hoàng Ngà (TTXVN)
Sáp nhập trường học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục
Sáp nhập trường học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục

Thời gian qua, việc thực hiện đề án sắp xếp mạng lưới trường, lớp học trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã đạt được kết quả tích cực.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN