Sắp có tàu chạy bằng đầu máy hơi nước tuyến đường sắt Huế-Đà Nẵng

Khi Bộ Giao thông Vận tải “gật đầu,” trên tuyến đường sắt thống nhất đoạn Huế-Đà Nẵng sẽ có thêm một loại hình tàu du lịch mới lạ bằng đầu máy hơi nước.
Sắp có tàu chạy bằng đầu máy hơi nước tuyến đường sắt Huế-Đà Nẵng ảnh 1Một đầu máy hơi nước được trưng bày của ngành đường sắt. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Cục Đường sắt Việt Nam vừa đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét quy mô đầu tư và chấp thuận chủ trương cho phép đấu nối các công trình phụ trợ để vận hành đầu máy hơi nước trên khu đoạn Huế-Đà Nẵng.

Nếu được chấp thuận, trên tuyến đường sắt này sẽ có thêm một loại hình tàu du lịch bằng đầu máy hơi nước. Đây là loại hình trải nghiệm du lịch mới lạ, sẽ thu hút khách du lịch đến với mảnh đất hội tụ nhiều điểm đến du lịch, thắng cảnh hùng vĩ của miền Trung.

[Mega Story] Con tàu VNR ‘oằn mình’ cõng di sản hơn 100 năm]

Nhấn mạnh đây là dự án hợp tác kinh doanh vận tải đường sắt giữa Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) và Công ty Trách nhiệm hữu hạn dịch vụ đường sắt Đông Dương, Cục Đường sắt Việt Nam cho hay, doanh nghiệp sẽ đầu tư đóng mới, cải tạo đầu máy toa xe để kinh doanh vận tải đường sắt bằng đoàn tàu du lịch đầu máy hơi nước.

Theo lãnh đạo Cục Đường sắt, hiện nay trên tuyến này đã và đang chạy tàu bằng sức kéo Diesel. Do đó, để vận dụng đầu máy hơi nước, dự án cần phải xây dựng một số công trình phụ trợ như cầu quay, nhà chỉnh bị, đường chỉnh bị, các hệ thống cấp than, nước... tại các ga Huế và Kim Liên trong phạm vi đất dành cho đường sắt (công trình phụ trợ tại ga Lăng Cô xây dựng ngoài phạm vi đất giành cho đường sắt).

Sau khi nghiên cứu thẩm định dự án của nhà đầu tư, Cục Đường sắt nhận thấy, các công trình phụ trợ phục vụ việc vận dụng đầu máy hơi nước của dự án cơ bản tuân thủ theo đúng các quy trình, quy phạm của đường sắt hiện hành; có quy mô phù hợp với số lượng và chủng loại phương tiện đầu máy toa xe vận dụng của dự án.

Về phương án quản lý tài sản, tất cả các công trình, phương tiện của dự án sẽ là tài sản riêng của doanh nghiệp, do doanh nghiệp bỏ kinh phí đâu tư, quản lý, bảo trì. Sau khi hết thời hạn hợp đồng của dự án, doanh nghiệp có trách nhiệm dỡ bỏ và di chuyển khỏi phạm vi đất dành cho đường sắt.

Về phương tiện đầu máy, toa xe vận dụng của dự án, Cục Đường sắt cho biết, đầu máy hơi nước cũ MIKADO (Tự Lực) có tải trọng trục 10.5 tấn được khôi phục và các toa xe chở khách của VNR được cải tạo lại nội thất để phục vụ khách du lịch đã được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp giấy chứng nhận kiếm định.

Đối với việc tổ chức vận hành khai thác, VNR đảm nhận xây dựng biểu đồ chạy tàu, phân bổ hành trình và lập kế hoạch chạy tàu, điều hành vận tải, dịch vụ sức kéo (dồn, lập tàu); sửa chữa bảo trì các công trình phụ trợ và phương tiện đầu máy toa xe.

Ngoài ra, VNR cam kết khai thác đoàn tàu du lịch bằng đầu máy hơi nước đoạn Huế-Đà Nẵng đảm bảo an toàn và không làm ảnh hưởng đến hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa bình thường trên chính đoạn tuyến này.

Trên cơ sở đó, Cục Đường sắt Việt Nam vừa có đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét quy mô đầu tư và chấp thuận chủ trương cho phép đấu nối các công trình phụ trợ để vận hành đầu máy hơi nước trên khu đoạn Huế-Đà Nẵng.

Trước đó, từ tháng 9/2016, Công ty Trách nhiệm hữu hạn dịch vụ du lịch đường sắt Đông Dương đã ký hợp đồng với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về việc hợp tác vận tải hành khách du lịch trên đoàn tàu kéo bằng đầu máy hơi nước trên tuyến Thống Nhất, đoạn Huế-Đà Nẵng.

Công ty này cũng đã ký hợp đồng với Công ty xe lửa Dĩ An phục hồi ba đầu máy hơi nước và đang đóng mới các toa xe; thiết kế xong các công trình phụ trợ cho vận dụng đầu máy hơi nước đồng thời tự bỏ kinh phí xây dựng một số hạng mục phục vụ vận dụng đầu máy hơi nước.

Công ty Đông Dương có trách nhiệm trả phí điều hành vận tải, sử dụng cơ sở hạ tầng đường sắt và các phí khác cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục