Có một ngôi trường mang tên 'trường niềm vui' - nơi cử chỉ tay thay tiếng nói

“Trường niềm vui” là tên gọi thân thuộc của phụ huynh và các em học sinh khi nói về Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập Phú Yên.

Chú thích ảnh
Cô giáo Võ Thị Hoàng Diệu trong giờ lên lớp với các em em học sinh tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập Phú Yên.

Trong không khí rộn ràng của Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, giáo viên dạy trẻ khuyết tật ở đây cũng có những cảm xúc riêng khi được đón nhận tình cảm của học sinh dành cho mình.

Tiết học Ngữ Văn của lớp trẻ khuyết tật câm, điếc tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập Phú Yên càng đặc biệt hơn. Lẵng hoa tươi gắn dòng chữ “Chúc mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam” đã được các em chuẩn bị sẵn.

Khi cô giáo bước vào, thay mặt cả lớp, em Đặng Thị Hồng Ngọc tặng hoa và chúc mừng cô giáo Trần Thị Kim Cúc bằng những cử chỉ tay. Những tràng pháo tay của 15 bạn ở dưới khiến cho không khí đầu tiết học trở nên rộn ràng.

Cô Trần Thị Kim Cúc “phiên dịch” lại ý mà Hồng Ngọc muốn nói với cô rằng: Nhân ngày 20/11, cả lớp chúc cô vui vẻ, mạnh khỏe và càng thương các con hơn!

Gần 30 năm gắn bó với việc dạy học cho trẻ khuyết tật câm điếc, cô giáo Trần Thị Kim Cúc tâm sự: Mình đã quen nhận được những lời chúc của các em học sinh bằng cử chỉ tay như thế này. Ở “trường niềm vui”, Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 cũng đặc biệt như vậy. Các em học sinh bày tỏ tình cảm của mình đơn giản nhưng thầy cô cũng cảm thấy ấm lòng.

Với cô giáo Võ Thị Hoàng Diệu, bốn năm trong nghề là ngần ấy thời gian gắn bó với các em học sinh mầm non bị thiểu năng trí tuệ. Với cô Diệu, tuy không nhận được lời chúc của các em học sinh dù chỉ là cử chỉ. Nhưng trên môi cô lúc nào cũng nở nụ cười khi nhắc đến các em.

Cô Võ Thị Hoàng Diệu chia sẻ: Nhiều phụ huynh chuẩn bị hoa để con mình tặng cô nhưng do lớp mình phụ trách toàn là học sinh khuyết tật về trí tuệ nên các em không nhận thức được. Những năm đầu, mình cũng thấy buồn nhưng dần cũng quen. Nếu được chọn lại nghề, tôi vẫn chọn nghề này vì rất có ý nghĩa cho xã hội. Mình giúp được gì cho các em là thấy vui rồi.

Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập Phú Yên được thành lập vào tháng 9/1993 với 18 học sinh vào thời điểm ấy. Các em học sinh ở đây là những trẻ có khuyết tật về trí tuệ, câm, điếc… Năm học 2018 - 2019, trường có 35 giáo viên, nhân viên giảng dạy với 17 lớp học.

Những năm qua, tỉnh Phú Yên đã đầu tư kinh phí từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất; thực hiện chính sách đãi ngộ theo quy định để giáo viên yên tâm công tác. Nhưng hơn hết, các giáo viên ở đây luôn yêu nghề, mến trẻ từng bước giúp các trẻ khuyết tật hòa nhập cộng đồng.

Bài và ảnh: Xuân Triệu (TTXVN)
Chuyện về các cô giáo cắm bản nơi 'đỉnh trời' Pú Vang
Chuyện về các cô giáo cắm bản nơi 'đỉnh trời' Pú Vang

Nằm trên đỉnh núi Pú Vang, cụm bản Pú Vang-Huổi Meo (xã Mường Mươn, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên) có hơn 80 hộ dân với gần 600 nhân khẩu, đều là dân tộc Mông. Hơn 20 năm qua, người dân nơi đây sống trong cảnh không nguồn điện lưới, không nước sạch, kinh tế chủ yếu tự cung tự cấp, phụ thuộc vào cây ngô, củ sắn và hạt thóc trên nương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN