Nỗ lực vượt khó giúp trẻ khuyết tật hòa nhập cuộc sống

35 học sinh - đều là những học sinh khuyết tật, mắc các bệnh down, tự kỷ, tăng động, câm điếc - được các thầy cô chăm sóc tận tình từ bữa ăn, giấc ngủ đến việc rèn luyện, nắn nót từng con chữ.
Nỗ lực vượt khó giúp trẻ khuyết tật hòa nhập cuộc sống ảnh 1Lớp học của các em học sinh câm, điếc bẩm sinh tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Đắk Nông. (Ảnh: Hưng Thịnh/TTXVN)

Sau hai năm đi vào hoạt động, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Đắk Nông (Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông) đã trở thành ngôi nhà thứ hai của 35 em học sinh khuyết tật.

Các thầy cô ở trung tâm luôn nỗ lực khắc phục khó khăn để dạy dỗ, hướng dẫn các em học sinh khuyết tật từng bước hòa nhập cuộc sống.

Thầy Trần Thanh Ảnh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Đắk Nông, cho biết hiện trung tâm có tất cả 35 học sinh. Đây đều là những học sinh khuyết tật, chủ yếu là mắc các bệnh như bệnh down, tự kỷ, tăng động, câm điếc, chậm phát triển trí tuệ, thể chất...

Nói về quá trình thành lập trung tâm, thầy Ảnh cho biết cách đây ba năm, một Ngân hàng thương mại đã tài trợ hơn 10 tỷ đồng để ngành chức năng tỉnh Đắk Nông xây dựng trung tâm. Địa điểm xây dựng trung tâm là mảnh đất triền đồi ven khu tái định cư Đắk Nur B thuộc phường Nghĩa Đức, thị xã Gia Nghĩa.

Các em học sinh đến trung tâm được các thầy cô chăm sóc tận tình từ bữa ăn, giấc ngủ cho đến việc rèn luyện, nắn nót từng con chữ.

[Hãy lan tỏa tình yêu bằng cách riêng của mình dành cho trẻ tự kỷ]

Cô H Giôn (dân tộc M’Nông) - một giáo viên tại trung tâm cho biết dù đã đi vào hoạt động được hai năm nhưng các lớp của trung tâm đều đang dạy theo chương trình lớp 1 do khung chương trình tiểu học dành cho các em chậm phát triển trí tuệ là 7 năm, các em câm điếc là 6 năm. Tất cả các học sinh tại trung tâm đều phải trải qua từ 2-3 năm lớp 1 mới được xem xét lên lớp 2.

Cô H Giôn chia sẻ gắn bó với trung tâm, giảng dạy trẻ khuyết tật đồng nghĩa với việc các thầy cô phải dõi theo các em cả ngày chứ không chỉ riêng trong thời gian đứng lớp. Các em đều rất đáng thương, hầu hết không có khả năng tự chăm sóc bản thân. Nhiều em quá hoạt bát do bị bệnh tăng động rất dễ gặp nguy hiểm. Vì vậy, việc chăm sóc các em đã khó, dạy chữ cho các em còn khó hơn do khả năng tiếp thu của các em còn nhiều hạn chế.

Cô Trương Thị Phương Trinh - một giáo viên của trung tâm được phân công giảng dạy một lớp gồm bảy em bị câm điếc bẩm sinh. Cô Trinh chia sẻ nhìn những đứa trẻ ngây thơ, hồn nhiên nhiều lúc cô không cầm được nước mắt. Có em dù đã 10 tuổi nhưng vẫn chưa hiểu biết gì về cuộc sống xung quanh, có em bị bố mẹ bỏ rơi từ thuở lọt lòng.

Để gắn bó với nghề, theo các giáo viên tại trung tâm, đầu tiên là phải yêu thương, cảm thông với trẻ khuyết tật. Các em chậm nhận thức, tiếp thu nhưng nếu thầy cô tận tâm giảng dạy, động viên thì đều tiến bộ. Năm học trước, hầu hết các học sinh của trung tâm đều hoàn thành chương trình học.

Chị Nguyễn Thị Diễm, ngụ phường Nghĩa Thành, thị xã Gia Nghĩa, một phụ huynh học sinh chia sẻ gia đình chị cảm thấy rất yên tâm khi gửi con em vào học tại trung tâm. Dù mới đi vào hoạt động nhưng trung tâm đã được trang bị tương đối đầy đủ các điều kiện học tập. Đội ngũ giáo viên trực tiếp đứng lớp cũng như nhân viên đều rất tận tình đối với các em học sinh.

Cũng theo thầy Trần Thanh Ảnh, mong muốn của các thầy cô giảng dạy tại trung tâm là nhận được nhiều hơn sự quan tâm từ gia đình các em. Song bên cạnh sự yêu thương, chăm sóc, dạy dỗ của các thầy cô các em còn rất cần sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ. Đây là những điều kiện chính để các em trưởng thành, sớm hòa nhập cộng đồng.

Bên cạnh sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, thời gian qua, Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Đắk Nông cũng nhận được nhiều sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh. Đây là nguồn động viên cả về vật chất lẫn tinh thần để trung tâm tiếp tục phát triển.

Trung tâm sẽ nâng dần số lượng học sinh qua từng năm và dự kiến đến năm 2025 sẽ nâng tổng số học sinh lên 150 em./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục