Luận giải vấn đề xung đột toàn cầu khởi nguồn từ khủng hoảng kinh tế

Trong bối cảnh xã hội, chính trị, và công nghệ hiện tại, một cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài kết hợp với tình trạng bất bình đẳng tăng lên rất có thể leo thang thành một cuộc xung đột toàn cầu.
Luận giải vấn đề xung đột toàn cầu khởi nguồn từ khủng hoảng kinh tế ảnh 1(Nguồn: PlanetSave)

Cuộc khủng hoảng kinh tế hiện đang đến gần hơn người ta nghĩ. Tuy nhiên, những gì chúng ta nên lo lắng thực sự lại là điều sẽ diễn ra sau cuộc khủng hoảng đó. Trong bối cảnh xã hội, chính trị, và công nghệ hiện tại, một cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài kết hợp với tình trạng bất bình đẳng tăng lên, rất có thể leo thang trở thành một cuộc xung đột quân sự toàn cầu lớn.

Qian Liu, chuyên gia kinh tế tại Trung Quốc, đưa ra nhận định như vậy trong bài viết "Từ khủng hoảng kinh tế đến chiến tranh thế giới lần thứ ba."

Bản dịch bài viết được đăng tải độc quyền trên VietnamPlus, thông qua dự án Project Syndicate. Quan điểm trong bài là của tác giả.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 hầu như đã làm phá sản các chính phủ và gây ra một sự sụp đổ có hệ thống. Các nhà hoạch định chính sách đã tìm được cách kéo nền kinh tế khỏi bờ vực, sử dụng các biện pháp kích thích tiền tệ khổng lồ, bao gồm nới lỏng định lượng và lãi suất về gần 0 (hay thậm chí âm).

Tuy nhiên, tiến hành kích thích tiền tệ giống như một liều thuốc giúp khởi động lại một quả tim đang hoạt động rối loạn; nó có thể cứu sống bệnh nhân, nhưng nó không làm được gì để chữa được căn bệnh cho anh ta.

Việc điều trị một nền kinh tế ốm yếu đòi hỏi phải thực hiện các cuộc cải cách cơ cấu, bao trùm mọi lĩnh vực từ thị trường tài chính và lao động đến hệ thống thuế, mô hình sinh lời, và chính sách giáo dục.

Các nhà hoạch định chính sách cho đến nay hoàn toàn không theo đuổi những cải cách như vậy, mặc dù họ cam kết làm như vậy. Thay vào đó, họ vẫn bận rộn với những hoạt động chính trị. Từ Italy đến Đức, việc lập chính phủ và duy trì chính phủ giờ đây dường như tốn nhiều thời gian hơn việc quản lý trên thực tế.

Ví dụ, Hy Lạp đã dựa vào tiền từ các nhà cho vay quốc tế chỉ để giữ cho cái đầu của họ ngóc cao hơn mặt nước để khỏi chết đuối, hơn là thực sự tiến hành cải cách hệ thống lương hưu hay cải thiện môi trường kinh doanh của mình. 

[Cách để giải quyết cuộc khủng hoảng tiếp theo ở châu Á-Thái Bình Dương]

Việc không có cải cách cơ cấu có nghĩa là lượng thanh khoản thừa mứa chưa từng có mà các ngân hàng trung ương bơm vào các nền kinh tế của họ đã không được phân bổ để sử dụng có hiệu quả nhất. Thay vào đó, điều này đã làm tăng giá tài sản toàn cầu tới những mức cao hơn mức trước năm 2008.

Theo Zillow, một website chuyên về bất động sản, tại Mỹ, giá nhà hiện cao hơn 8% so với mức đỉnh của cơn bong bóng bất động sản năm 2006. Hệ số giá trên lợi nhuận (CAPE), thước đo liệu giá trên thị trường chứng khoán, hiện cao hơn so với năm 2008 cũng như thời gian đầu của cuộc Đại Suy thoái 1929.

Khi việc thắt chặt tiền tệ bộc lộ tính dễ tổn thương trong nền kinh tế thực, sự sụp đổ của các bong bóng giá bất động sản sẽ khai mào cho một cuộc khủng hoảng kinh tế khác - một cuộc khủng hoảng có thể thậm chí còn nghiêm trọng hơn so với cuộc khủng hoảng vừa qua, do chúng ta đã nhiễm thói quen không chịu uống những "loại thuốc" chữa trị kinh tế vĩ mô mạnh nhất. Một thập kỷ quen dùng với những viên thuốc adrenaline, dưới hình thức những mức lãi suất cực thấp và những chính sách tiền tệ không theo thông lệ, đã làm suy yếu mạnh mẽ sức mạnh của các liệu pháp này trong việc ổn định và kích thích nền kinh tế.

Nếu lịch sử đem lại một sự chỉ dẫn nào đó thì những hậu quả của sai lầm này có thể vượt xa ra ngoài lĩnh vực kinh tế.

Theo giáo sư Benjamin Friedman thuộc Đại học Harvard, một đặc trưng khác của những thời kỳ suy thoái kinh tế kéo dài là thái độ ác cảm của dân chúng đối với các nhóm thiểu số hay đối với các quốc gia khác - những thái độ có thể giúp tăng thêm tình trạng bất ổn định, khủng bố, hay thậm chí chiến tranh.

Chẳng hạn, trong thời kỳ diễn ra cuộc Đại Suy thoái, Tổng thống Mỹ Herbert Hoover đã ký dự luật thuế quan Smoot-Hawley 1930 nhằm bảo vệ công nhân và nông dân Mỹ trước sự cạnh tranh của các nước khác. Trong 5 năm tiếp sau đó, thương mại toàn cầu giảm đi 2/3. Và trong vòng một thập kỷ sau đó, Chiến tranh Thế giới thứ hai nổ ra.

Một điều chắc chắn là Chiến tranh Thế giới thứ hai, giống như Chiến tranh Thế giới thứ nhất, được gây ra bởi rất nhiều nhân tố và không có con đường tiêu chuẩn nào dẫn tới chiến tranh cả. Nhưng có lý do để tin rằng tình trạng bất bình đẳng ở mức cao có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc khơi mào xung đột.

Luận giải vấn đề xung đột toàn cầu khởi nguồn từ khủng hoảng kinh tế ảnh 2(Nguồn: Armando Faria)

Theo nghiên cứu của nhà kinh tế Thomas Piketty, việc tăng đột ngột tình trạng bất bình đẳng về thu nhập thường kéo theo một cuộc khủng hoảng lớn. Bất bình đẳng về thu nhập khi đó sẽ giảm xuống trong một thời gian, trước khi tăng trở lại, cho đến khi đạt được mức đỉnh mới - và tiếp đó là một thảm họa mới.

Mặc dù chưa chứng minh được bản chất nhân quả của hiện tượng này, do số lượng hạn chế về dữ liệu, mối tương quan này không nên xem nhẹ, đặc biệt với tình trạng bất bình đẳng về của cải và thu nhập hiện ở mức cao về mặt lịch sử.

Điều này còn đáng lo ngại hơn nếu xét nhiều nhân tố khác gây ra tình trạng hỗn loạn xã hội và căng thẳng về ngoại giao hiện nay, bao gồm việc gián đoạn về công nghệ, một cuộc khủng hoảng người di cư phá vỡ kỷ lục, tâm trạng lo lắng bao trùm toàn cầu, sự phân cực hóa về chính trị, và chủ nghĩa dân tộc gia tăng. Tất cả điều này là triệu chứng cho thấy các chính sách thất bại có thể trở thành những điểm khơi mào cho một cuộc khủng hoảng trong tương lai như thế nào.

Cử tri có đầy đủ lý do để thất vọng, tuy nhiên các nhà dân túy có sức lôi kéo mà cử tri ngày càng ủng hộ lại đang đưa ra những giải pháp tồi, sẽ chỉ làm cho vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Ví dụ, bất chấp tính chất liên kết chưa từng có của thế giới hiện nay, chủ nghĩa đa phương ngày càng bị xa lánh, khi các nước - đáng chú ý nhất, trong đó có nước Mỹ của Donald Trump - đang theo đuổi các chính sách đơn phương, theo chủ nghĩa biệt lập.

Trong khi đó, các cuộc chiến tranh mượn tay người khác đang diễn ra điên cuồng ở Syria và Yemen.

Trong bối cảnh hiện nay, chúng ta phải nghiêm túc xem xét khả năng cuộc khủng hoảng kinh tế sắp tới đây có thể dẫn tới một cuộc đối đầu quân sự trên quy mô lớn. Theo logic của nhà khoa học chính trị Samuel Huntington, việc tính đến một kịch bản như vậy có thể giúp tránh được nó, bởi vì điều này buộc chúng ta phải hành động.

Trong trường hợp này, chìa khóa cho các nhà hoạch định chính sách sẽ là theo đuổi những cải cách cơ cấu được hứa hẹn từ lâu, đồng thời thay thế việc đổ lỗi cho người khác và sự đối kháng bằng một cuộc đối thoại hợp lý và tôn trọng lẫn nhau trên quy mô toàn cầu. Tất cả những gì làm ngược lại chỉ có thể sẽ dẫn đến một cuộc xung đột toàn cầu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục