Alex Hunt: VĐV quần vợt cụt tay gây sốt ở giải Vietnam F4 Futures

18/11/2018 07:06 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Chơi quần vợt chuyên nghiệp vốn đã là giấc mơ của bất cứ ai bước chân vào làng banh nỉ. Với một người cụt tay, đó càng là điều không tưởng. Nhưng Alex Hunt đã biến cái tưởng chừng như không thể thành có thể bởi đam mê và nghị lực của chính mình.

ATP Finals 2018: Điểm hẹn cuối ở London

ATP Finals 2018: Điểm hẹn cuối ở London

Với những fan quần vợt, đây sẽ là tuần cuối cùng trong năm 2018, họ được chứng kiến những ngôi sao lớn thi đấu, với giải bát hùng ATP Finals đang diễn ra tại London.

Giống như các giải đấu từng tham dự, Alex Hunt đang gây ấn tượng tại Giải quần vợt Vietnam F4 Futures - Hải Đăng Cup diễn ra tại Tây Ninh khi chiến đấu sòng phẳng với mọi đối thủ trên sân bằng… một tay. Dù thua Lomakin (Kazakhstan, hạng 1.110 ATP) với tỷ số 4-6, 2-6, nhưng anh đã để lại cho cả đối thủ lẫn khán giả sự khâm phục và nỗ lực vượt khó.

“Độc thủ đại hiệp”

Hunt bị cụt tay trái bẩm sinh. Khiếm khuyết đó với nhiều người sẽ là sự cản trở cho cuộc sống của họ. Hunt thì không. Từ năm 3-4 tuổi, Hunt đã thể hiện đam mê với quần vợt và quyết tâm theo đuổi đến cùng. Anh nhận được sự hỗ trợ hết mực từ bố mẹ, những người nuôi nấng Hunt cùng 2 anh trai trong một trại cừu.

“Tôi luôn ôm lấy cây vợt khi còn là đứa trẻ. Lớn lên, tôi chẳng thấy mình có gì khác biệt khi cầm vợt vì bố mẹ đối xử với tôi chẳng có gì khác so với các anh trai”, Hunt kể.

Năm 7 tuổi, Hunt lần đầu tiên cạnh tranh ở một giải đấu. Sau khi hoàn thành việc học tập tại trường Nelson College for Boys, Hunt nhận được học bổng quần vợt tại Saint Mary's College (California, Mỹ). Hunt chơi ở giải NCAA Division 1 College Tennis trong 4 năm. Đó là dấu mốc đáng nhớ trong sự nghiệp của Hunt. Cơ hội đối đầu với những tay vợt trẻ tài năng mở ra, nhưng thách thức cũng đồng thời xuất hiện. Hunt cảm nhận được khó khăn trên chặng đường lên chuyên.

Hầu hết những tay vợt chuyên nghiệp đều phải cầm vợt cả 2 tay để tăng lực đánh. Hunt vì thế chịu nhiều bất lợi so với các đối thủ. Ngoài ra, khi giao bóng anh phải nhờ đến sự giúp đỡ của cánh tay giả (để tung bóng). “Việc thi đấu với một cánh tay giả khiến tôi gặp rất nhiều khó khăn. Trọng tâm của tôi bị lệch và rất khó giữ thăng bằng. Sau mỗi trận đấu hay buổi tập, vai trái của tôi thường rất đau vì phải liên tục đeo tay giả. Việc có thể tung bóng chuẩn xác bằng bàn tay giả (được thiết kế đặc biệt để trái bóng nằm lên đó) cũng là vấn đề. Tôi đã phải luyện tập nó từ rất nhỏ để giao bóng được như bây giờ”, Hunt kể.

Hunt cũng gặp rào cản trong việc tăng lực đánh cho cú trái tay. Hunt kể từ khi còn nhỏ, cú trái tay của anh luôn yếu. Qua quá trình tập luyện nó khá hơn nhưng vẫn cần cải thiện nhiều nếu muốn đi đường dài ở chặng đường chuyên nghiệp.

Dấu ấn sự nghiệp

Hunt từng xếp hạng 795 thế giới ở BXH các tay vợt trẻ. Nhưng 2017 là năm đáng nhớ nhất của anh cho tới thời điểm này. Tại một giải quần vợt ở Thái Lan, Hunt đánh bại 9 đối thủ chủ nhà để có mặt tại bán kết. Hunt chỉ dừng bước khi đối đầu chuyên gia đánh đôi nổi tiếng Thái Lan, Sanchai Ratiwatana.

Cột mốc sự nghiệp của Hunt đến vào giữa năm 2017 ở giải Guam F1 Futures. Tay vợt 24 tuổi đã đánh bại đối thủ được đánh giá cao hơn Christopher Cajigan. Đặc biệt hơn, Hunt thắng 2 set mà không để thua một game nào. Sau phút ngỡ ngàng, toàn bộ khán giả có mặt trên sân, kể cả những người ủng hộ Cajigan, đều đứng dậy dành cho Hunt tràng vỗ tay tán thưởng. Hunt hài lòng với chiến thắng của mình. Anh nói chìa khóa của chiến thắng nằm ở khả năng kiểm soát những cú giao bóng của đối thủ và chiếm ưu thế ngay từ đầu. Chiến thắng đồng nghĩa với việc Hunt lần đầu tiên được hiện diện trên bảng xếp hạng ATP với vị trí 1.784.

“Tôi đã mơ về ngày giành được điểm ATP đầu tiên dù nó không thực sự diễn ra như tôi mong đợi. Nhưng tôi đã sống sót qua những lo lắng để kiểm soát trận đấu và có kết quả tốt”, Hunt tâm sự sau trận đấu đặc biệt trong sự nghiệp.

Sau sự kiện ở Guam, Hunt đến châu Âu, nơi anh tập luyện và thi đấu tại một cơ sở ở Madrid (Tây Ban Nha). Trong cùng năm, Hunt chơi toàn thời gian ở các giải châu Á và châu Âu với mục tiêu tối đa hóa số điểm trên bảng xếp hạng ATP của anh.

Chú thích ảnh
Hunt phải sử dụng cánh tay giả khi thi đấu

Luôn lạc quan trong khó khăn

Tất nhiên, để chạm tới thành công như hiện tại, Hunt đã trải qua không ít khó khăn. Hunt từng phải nhờ gia đình, bạn bè hỗ trợ mới đủ chi phí cho các chuyến đi thi đấu. Anh thậm chí còn phải kêu gọi tài trợ trên trang Givealittle.co.nz. “Giấc mơ của tôi là trở thành tay vợt chuyên nghiệp và chứng tỏ cho mọi người thấy rằng với người khuyết tật, không có gì là không thể nếu họ thực sự cố gắng đến cùng”, Hunt viết.

Điều đặc biệt là Hunt đối mặt với khó khăn của cuộc đời bằng sự lạc quan tuyệt đối. “Tôi biết mọi người chú ý đến tôi chỉ vì tôi cụt tay và tôi học cách chấp nhận điều đó. Bạn biết đó, mỗi người sẽ có một suy nghĩ khác nhau về điều này. Riêng tôi, tôi chọn cách nhìn tích cực và không quá bận tâm việc người khác nghĩ thế nào. Mục tiêu của tôi là chơi quần vợt. Tôi sẽ tập luyện và thi đấu thật nhiều để có thể vươn xa nhất với quần vợt. Tôi muốn vô địch Men’s Futures và lên thật cao trên bảng xếp hạng ATP”.

Sau thành công ở Guam, Hunt trở thành nguồn cảm hứng cho những tay vợt trẻ. Còn bản thân Hunt, nguồn cảm hứng của anh trước đây là những tượng đài trong làng quần vợt như Andre Agassi và Pete Sampras, bây giờ là Roger Federer. “Anh ấy đã làm được những điều có lẽ là tốt nhất trong lịch sử quần vợt. Và anh ấy vẫn đang nỗ lực không ngừng, giành Grand Slam, như chúng ta đã thấy. Thật sự tuyệt vời”, Hunt nói về thần tượng.

Alex Hunt

Sinh ngày 16/12/1993

Quốc tịch: New Zealand

Vị trí cao nhất ITF trẻ: 795 (17/10/2011)

Vị trí cao nhất ATP: 1784 (03/07/2017)

Thành tích thắng – thua: 12-14 (đơn), 19-13 (đôi)

Số tiền thưởng trong sự nghiệp: 1548 USD

Khánh Đan

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm