Cô giáo của những học sinh đặc biệt: Những nỗ lực phi thường

Từ khi sinh ra, chị Huỳnh Thị Xậm đã bị tật, hai bàn tay và bàn chân co rút, teo tóp, nhưng chị đã vượt lên số phận bằng nghị lực phi thường để trở thành cô giáo của những học sinh đặc biệt.
Cô giáo của những học sinh đặc biệt: Những nỗ lực phi thường ảnh 1Chị Huỳnh Thị Xậm đang thực hiện công việc ghi chép, nhập dữ liệu tại thư viện của Trung tâm. (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN)

Không đầu hàng số phận, dù bị liệt hai tay và một chân nhưng chị Huỳnh Thị Xậm (41 tuổi, quê Hậu Giang) đã nỗ lực, vượt lên chính mình thực hiện được ước mơ trở thành người có ích cho xã hội.

Bên cạnh công việc của một nhân viên thư viện Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi Thành phố Hồ Chí Minh (xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn), chị Xậm còn là một “cô giáo” đặc biệt của những học sinh đặc biệt tại Trung tâm.

Nỗ lực phi thường

Từ khi sinh ra, chị Huỳnh Thị Xậm đã bị tật, hai bàn tay và bàn chân co rút, teo tóp, bàn chân còn lại cũng sử dụng được 4 ngón chân.

Chị chìm trong nỗi tự ti, mặc cảm mình là người sống bám, sống dựa bởi không thể tự mình làm bất cứ điều gì, kể cả sinh hoạt cá nhân.

Hằng ngày, cha mẹ đi làm, chị Xậm chỉ “lết” quanh quẩn ở nhà. Gia đình khó khăn, cha mẹ phải đi làm thuê làm mướn để nuôi 6 chị em chị Xậm. Để không trở thành gánh nặng của cha mẹ, chị quyết tâm tập luyện để có thể tự lo cho bản thân và chị đã làm được.

Năm chị 14 tuổi, biến cố về sự ra đi của người cha là nỗi mất mát lớn với chị. Cũng chính nỗi đau ấy đã đánh thức ý chí vươn lên của chị Xậm. Chị quyết tâm đến trường học để làm người có ích. Vậy là 15 tuổi, chị Xậm mới bắt đầu được học con chữ. Những nét chữ nhỏ bé đầu tiên được viết bằng chân khi ấy là nguồn động lực to lớn giúp chị Xậm có niềm tin về những điều mà bản thân mình có thể làm.

Với chị, được đến trường đã là niềm vui lớn và bản thân chị nỗ lực từng ngày. Chỉ 3 tháng sau, chị đã biết đọc, biết viết chữ. Tiếp theo đó là cả một hành trình đầy nỗ lực của chị trên con đường chinh phục ước mơ.

Nói về chị Huỳnh Thị Xậm, nhà giáo ưu tú Đinh Thị Hỏi, Giám đốc Trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật và trẻ mồ côi Thành phố Hồ Chí Minh xúc động nhớ lại những ngày đầu gặp chị.

“Khi Xậm mới đến, nhìn tay chân Xậm như vậy, bản thân tôi cảm thấy rất xót xa. Dù nhiều năm kinh nghiệm trong việc tư vấn chọn nghề cho học viên khuyết tật, nhưng tôi cũng rất khó có thể tư vấn ngay cho Xậm một ngành học phù hợp với sức khỏe, dạng tật của em. Khi xem lý lịch, biết được Xậm đã tốt nghiệp Trung học Phổ thông, tôi nghĩ đây là một cô bé có nghị lực phi thường mới có thể học được như vậy," cô Đinh Thị Hỏi chia sẻ.

Khi đó, nhận thấy trình độ, khả năng tiếp thu của chị Xậm khá tốt nên cô quyết định tư vấn cho chị Xậm học nghề vi tính tổng hợp. Song song đó, chị Xậm còn học thêm cả nghề vẽ tranh.

Trân trọng tinh thần nỗ lực vươn lên, không lùi bước trước mọi khó khăn của chị Xâm, lãnh đạo Trung tâm đã quyết định giữ chị Xậm lại làm cộng tác viên cho thư viện sau khi chị hoàn thành khóa học nghề.

[Đưa truyền thống “tôn sư trọng đạo” của Việt Nam đến với người Nga]

Theo đánh giá của lãnh đạo Trung tâm, chị Xậm đã phát huy rất tốt năng lực của mình, một người nhiệt tình, chu đáo, trách nhiệm với công việc. Đặc biệt, từ tấm gương nghị lực này đã lan tỏa tinh thần lạc quan, truyền cảm hứng cho nhiều học viên tại trung tâm vươn lên.

“Tôi cũng được Ban Giám đốc Trung tâm tạo điều kiện vừa làm, vừa học Đại học ngành Xã hội học tại Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh (hệ giáo dục từ xa). Những điều tưởng chừng nằm ngoài mơ ước cũng đã đến, tôi hiểu rõ những cơ hội hiếm hoi không đến lần thứ hai vì vậy mình phải nỗ lực và nỗ lực hơn nữa. Cùng với sự hỗ trợ của thầy cô, bạn bè, tôi đã tốt nghiệp Đại học năm 2013," chị Xậm cho biết.

Chạm vào ước mơ làm cô giáo

Công việc chính là nhân viên phụ trách thư viện, nhưng một công việc khác cũng đem đến nhiều niềm vui cho chị Xậm đó là “cô giáo” của những học trò đặc biệt.

Chị Xậm chia sẻ quá trình công tác tại Trung tâm, chị nhận thấy có nhiều bạn học viên, dù lớn tuổi vẫn chưa biết chữ. Mong muốn giúp đỡ các bạn, chị Xậm đề xuất với lãnh đạo Trung tâm mở lớp xóa mù chữ do chính Xậm dạy học. Nghề giáo đến với chị Xậm từ đó.

“Trong thời gian làm công tác thư viện, bản thân Xậm âm thầm học chữ nổi dành cho người khiếm thị, người mù, học cách ra dấu của người khiếm thính, điếc. Tập luyện thành thạo, năm 2013, Xậm xin phép Trung tâm mở lớp xóa mù chữ cho những học viên khiếm thị, những em câm điếc và cả những em bình thường nhưng không nhận thù lao. Từ đó đến nay, hàng tối, Xậm miệt mài với công việc gieo chữ cho các em học viên tại đây. Xậm là một tấm gương sáng về nỗ lực vượt lên hoàn cảnh, vượt lên chính mình, hết lòng cùng với Trung tâm thực hiện mục tiêu cao cả vừa dạy nghề, vừa dạy chữ vừa yêu thương các em học viên," cô Đinh Thị Hỏi xúc động chia sẻ.

Cô giáo của những học sinh đặc biệt: Những nỗ lực phi thường ảnh 2Chị Huỳnh Thị Xậm dùng chân không bị liệt để dạy chữ cho học viên. (Ảnh: Thu Hoài/TTXVN)

Chị Xậm cho biết lớp học hiện có hơn 20 học sinh, tùy khóa học có thể đông hơn. Học trò của chị Xậm là những học viên đang theo học nghề tại Trung tâm, dù độ tuổi từ 15-35 tuổi nhưng chưa biết chữ. Tại đây, học sinh được học chữ, học tính toán, kiến thức mà cô Xậm truyền đạt nằm trong khoảng từ lớp 1 đến lớp 3, tùy theo khả năng tiếp thu của mỗi em.

Nhiều học viên đã lớn tuổi nhưng chưa biết chữ nên rất “ngại” khi đến lớp, nhưng sự thân thiện, cởi mở của cô Xậm đã giúp các bạn xóa tan mặc cảm, tự tin hơn.

Một trong những học viên được “xóa mù chữ” từ lớp học của cô Xậm, em Thúy Kiều, 20 tuổi, bị khuyết tật vận động (quê Tây Ninh - đang học lớp làm hoa đất) chia sẻ học với cô Xậm trong một thời gian ngắn em đã biết đọc, biết viết. Hiện em đang học chương trình lớp 3 tại lớp cô Xậm.

"Học lớp cô Xậm rất vui. Cô vui tính, gần gũi, động viên tụi em học chữ, học nghề cho giỏi để làm người có ích," Kiều chia sẻ.

“Khi còn nhỏ, tôi đã từng mơ ước mình được làm giáo viên, được đứng trên bục giảng như những người thầy, người cô của mình. Nhưng lại nghĩ đó là điều không thể, nên tôi chưa từng dám chia sẻ với bất cứ ai về điều đó," chị Xậm nhớ lại trong sự xúc động rưng rưng khi mình đã chạm được ước mơ từ nhỏ là một người dạy học.

Không dám tự nhận mình là cô giáo nhưng Ngày Nhà giáo Việt Nam cũng có nhiều kỷ niệm đáng nhớ với chị Xậm. Đó là những lần mà học viên trong lớp kỳ công xếp hạc giấy, làm hoa tặng cô, là những lần cô trò tổ chức liên hoan, vui chơi, hát múa vui vẻ cùng nhau. Những điều đó tiếp thêm động lực để chị Xậm tiếp tục công việc của mình, dù cuộc sống có khó khăn, vất vả./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục