Nhiều giải pháp cho thị trường mua bán nợ

18:23' - 15/11/2018
BNEWS Gánh nặng nợ xấu của ngân hàng với nền kinh tế là rất lớn, nó có tác động trực tiếp đến an ninh tài chính quốc gia.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Thùy Dương/BNEWS/TTXVN

Tại Hội nghị quốc tế Diễn đàn các Công ty quản lý tài sản công quốc tế (IPAF) lần thứ 4, diễn ra ngày 15/11 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho biết nhằm đảm bảo sự phát triển ổn định và bền vững của hệ thống tài chính- ngân hàng, đồng thời góp phần ổn định nền tài chính quốc gia, Chính phủ Việt Nam đã dành nhiều sự quan tâm đến việc xử lý nợ, gắn xử lý nợ với thực hiện đồng bộ việc tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trong tổng thể chương trình tái cơ cấu nền kinh tế quốc gia, giữ vững sự ổn định của hệ thống tài chính.
Theo Thứ trưởng Huỳnh Quang Hải, để góp phần củng cố nền an ninh tài chính quốc gia, Việt Nam đã đưa ra nhiều quyết sách quan trọng. Về cơ chế, chính sách, cơ bản, hệ thống pháp luật của Việt Nam đã quy định khá đầy đủ để điều chỉnh một cách toàn diện từ việc thành lập, tổ chức, chấm dứt hoạt động đối với các loại hình doanh nghiệp nói chung và các tổ chức tín dụng nói riêng cũng như việc xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự, thương mại; trong đó có mua bán nợ xấu như: Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, Luật Đầu tư năm 2014, Luật Doanh nghiệp năm 2014, Luật Phá sản năm 2014, Bộ luật Dân sự năm 2015,…
Quốc hội, Chính phủ cũng đã kịp thời ban hành các nghị quyết, nghị định để hỗ trợ, tăng cường xử lý nợ xấu như: Nghị quyết 42 năm 2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; Nghị định số 69 năm 2016 của Chính phủ về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ.
Về công cụ xử lý nợ, Công ty Mua bán nợ Việt Nam (DATC) và Công ty Quản lý tài sản (VAMC) thời gian qua đã cùng nhau tạo thành hệ công cụ xử lý nợ quan trọng, hiệu quả của Chính phủ.
Theo các chuyên gia, nợ xấu tại các ngân hàng thương mại Việt Nam không phải là vấn đề mới phát sinh mà thực chất là kết quả được tích tụ từ nhiều năm trước. Gánh nặng nợ xấu của ngân hàng với nền kinh tế là rất lớn, nó có tác động trực tiếp đến an ninh tài chính quốc gia.
Ông Phạm Mạnh Thường, Phó Tổng Giám đốc DATC cho biết, tăng trưởng kinh tế sẽ giúp tạo ra thành quả hoạt động cho doanh nghiệp, tạo ra sinh lời cho nhà đầu tư và gia tăng thu nhập cho mỗi cá nhân và tổ chức trong nền kinh tế. Kết quả là cải thiện khả năng thanh toán lãi vay và nợ của người đi vay, do đó sẽ làm giảm tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng.

Ngược lại, hệ thống ngân hàng khi duy trì được tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp sẽ kiểm soát được rủi ro và làm tốt vai trò kênh truyền dẫn vốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Một số nghiên cứu đối với Việt Nam cho thấy, giữa nợ xấu với tăng trưởng kinh tế có mối quan hệ nghịch chiều, theo chu kỳ kinh tế và có những độ trễ nhất định. Đặc biệt, nợ xấu tăng cao trong những giai đoạn nền kinh tế tăng trưởng chậm và suy thoái.
Ông Phạm Mạnh Thường cho biết thêm, trong các giai đoạn 1998 – 2000; 2008 - 2010; 2012 – 2014 do ảnh hưởng bởi các cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á và thế giới, khủng hoảng nợ công châu Âu và những nhân tố nội tại của nền kinh tế trong nước đã khiến tỷ lệ nợ xấu tăng cao.

Nợ xấu tăng cao đe dọa hệ thống ngân hàng, an ninh tài chính quốc gia. Bởi nếu cho ngân hàng phá sản thì sẽ ảnh hưởng đến người gửi tiền khi mà ở Việt Nam hệ thống ngân hàng có vai trò quan trọng với dự nợ ước đạt 122% GDP – gấp 2 đến 3 lần các nước ASEAN.

Do đó, gánh nặng nợ xấu của ngân hàng với nền kinh tế là rất lớn và có tác động trực tiếp đến an ninh tài chính quốc gia.
Theo ông Lê Việt Dũng, Phó Trưởng ban phụ trách, Ban Giám sát tổng hợp, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, nợ xấu làm ảnh hưởng tiêu cực đến an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, ổn định kinh tế vĩ mô và hệ thống tài chính. Nợ xấu lớn làm tăng lãi suất cho vay, làm giảm vốn tín dụng cho nền kinh tế.
Ông Lê Việt Dũng cho rằng tại Việt Nam, hầu hết các tổ chức tín dụng đã xây dựng kế hoạch xử lý nợ xấu cho giai đoạn 2017 -2018, dự kiến năm 2018 sẽ xử lý được khoảng 20 – 30% nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42 và dự kiến cuối năm 2020 sẽ xử lý được số nợ xấu và đưa tỷ lệ nợ xấu thực tế xuống dưới 3%.
Theo ông Lê Việt Dũng cần phải phát triển thị trường mua bán nợ để đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, hình thành sàn giao dịch mua bán nợ. Đây là nơi giới thiệu, cung cấp thông tin chính thức, đầy đủ nhất về các khoản nợ đến các nhà đầu tư.

Đồng thời, xây dựng khuôn khổ pháp lý cho hoạt động chứng khoán hóa các khoản nợ. Phát triển hệ thống các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đối với chủ nợ và tổ chức định giá độc lập đối với các khoản nợ, qua đó giúp cho bên mua và bán xác định được giá trị của khoản nợ, từ đó xem xét, quyết định việc mua bán.
Ông Đậu Anh Tuấn- Trưởng Ban pháp chế VCCI cũng cho rằng, việc phát triển hoạt động mua bán, xử lý nợ phải gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp giúp các doanh nghiệp ổn định sản xuất để phát triển. Bên cạnh đó, cần đơn giản hóa điều kiện kinh doanh và tăng hiệu quả hoạt động của hệ thống tòa án.
“Việc mua bán, xử lý nợ xấu gắn với tái cơ cấu doanh nghiệp sẽ góp phần giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất, liên tục phát triển, từ đó góp phần mang lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội", ông Tuấn nói./.

>>> Khởi tố 2 vụ án xảy ra tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Công ty TNHH mua bán nợ Việt Nam

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục