Khai trương 6 Trung tâm hòa giải, đối thoại TAND hai cấp tỉnh Nghệ An

Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An tổ chức khai trương 6 Trung tâm hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính Tòa án nhân dân hai cấp trên địa bàn tỉnh.
Khai trương 6 Trung tâm hòa giải, đối thoại TAND hai cấp tỉnh Nghệ An ảnh 1Cắt băng khai trương 6 Trung tâm hòa giải, đối thoại Tòa án nhân dân 2 cấp tỉnh Nghệ An. (Ảnh: Bích Huệ/TTXVN)

Chiều 14/11, Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An tổ chức khai trương 6 Trung tâm hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính Tòa án Nhân dân hai cấp trên địa bàn tỉnh.

Đóng tại Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An và 5 Tòa án Nhân dân cấp huyện gồm Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành, Đô Lương, các Trung tâm này nhằm góp phần giảm áp lực số lượng vụ việc tòa án phải giải quyết thông qua mở phiên tòa xét xử.

Theo đó, từ ngày 15/11, các Trung tâm sẽ tiến hành hòa giải các tranh chấp dân sự, kinh doanh thương mại, hôn nhân và gia đình, lao động; đối thoại các khiếu kiện hành chính trước khi Tòa án thụ lý, giải quyết (trừ những tranh chấp, khiếu kiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính không được hòa giải, đối thoại).

Tại buổi lễ, bà Nguyễn Thị Thúy Hiền, Phó Chánh án, Trưởng Ban Chỉ đạo đối thoại, hòa giải Tòa án Nhân dân Tối cao khẳng định việc ra đời các Trung tâm hòa giải, đối thoại tại 6 đơn vị thuộc Tòa án Nhân dân hai cấp tỉnh Nghệ An là bước chuyển lớn trong công tác đổi mới thủ tục hành chính tư pháp và thủ tục giải quyết các vụ việc tại tòa án.

Qua đó, góp phần tạo sự đồng thuận giữa các đương sự, giữ gìn ổn định trật tự xã hội; tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của đương sự, nhà nước và toàn xã hội.

Đồng thời, giảm tải cho công tác xét xử của tòa án trong bối cảnh số lượng các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính ngày càng tăng, tính chất vụ việc ngày càng phức tạp. Đây cũng là cơ sở thực tiễn để xây dựng Luật hòa giải, đối thoại tại tòa án.

Phó Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Thị Thúy Hiền mong muốn cấp ủy, chính quyền các cấp và các ban ngành liên quan của tỉnh Nghệ An vào cuộc với tinh thần quyết liệt trong công tác hòa giải, đối thoại; coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của cả hệ thống chính trị vì một nền tư pháp tiến bộ và trên hết là vì lợi ích cộng đồng.

[Đối thoại là nguyên tắc trong giải quyết khiếu nại, tố cáo]

Theo quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo về thực hiện thí điểm đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự, hành chính Tòa án Nhân dân hai cấp tỉnh Nghệ An gồm 10 thành viên do ông Nguyễn Văn Thông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp tỉnh làm Trưởng ban. Tòa án Nhân dân tỉnh là Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo.

Ông Nguyễn Văn Thông, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo về thực hiện thí điểm đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự, hành chính Tòa án Nhân dân hai cấp tỉnh Nghệ An, nhấn mạnh, việc khai trương các trung tâm là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn, hướng tới đề cao quyền tự quyết, tự thỏa thuận khi nảy sinh tranh chấp, mâu thuẫn phù hợp với chủ trương phát huy dân chủ, văn minh trong xã hội của Đảng, nhà nước và truyền thống văn hóa, tâm lý của người Việt Nam.

Bên cạnh đó, cơ chế hòa giải, đối thoại trước tố tụng sẽ góp phần làm giảm đáng kể các vụ khiếu kiện mà tòa án các cấp phải giải quyết, tạo điều kiện nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án dân sự, hành chính.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông yêu cầu Tòa án Nhân dân hai cấp thực hiện tốt vai trò của các cơ quan thường trực trong giám sát, theo dõi, chỉ đạo các trung tâm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ; đồng thời tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo giải quyết vướng mắc, sửa đổi bổ sung quy chế, kế hoạch trong quá trình triển khai thực hiện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục