Ứng dụng năng lượng nguyên tử - Bài 1: Tạo hành lang pháp lý đầy đủ, chặt chẽ

Thực hiện Chiến lược ứng dụng Năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020, hiện nay Bộ Khoa học và Công nghệ đang tích cực phối hợp cùng các bộ, ngành hợp tác với các tổ chức quốc tế, đặc biệt là Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) triển khai nhiều chương trình, đề án về sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình.

Chú thích ảnh
Từ cuối tháng 6/2018, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai triển khai ứng dụng công nghệ hạt nhân trong chẩn đoán và phát hiện sớm di căn ung thư. Ảnh: Lê Xuân/TTXVN

Chiến lược ứng dụng Năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 01/2006/QĐ-TTg ngày 03/01/2006.

Chiến lược đã đề ra các mục tiêu phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử nhằm từng bước xây dựng và phát triển ngành công nghiệp công nghệ hạt nhân đóng góp hiệu quả trực tiếp cho phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ của đất nước.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế

Thời gian qua, Việt Nam tập trung đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng ngành công nghệ hạt nhân. Theo đó, giai đoạn 2018-2020, kế hoạch tích hợp phát triển cơ sở hạ tầng hạt nhân tập trung vào các dự án hỗ trợ kỹ thuật của IAEA vào một số chủ đề ưu tiên như: Phát triển nguồn nhân lực, quản lý tri thức hạt nhân, hỗ trợ dự án Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân, hoàn thiện khuôn khổ pháp quy, ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân, quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường…

Ông Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết: Tháng 10/2018, Việt Nam và Australia đã ký bản ghi nhớ hợp tác nhằm thúc đẩy hợp tác với các cơ quan khoa học và công nghệ của Australia về xây dựng năng lực khoa học công nghệ hạt nhân phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xúc tiến hợp tác về đào tạo, nghiên cứu, quan trắc, cảnh báo phóng xạ môi trường, tăng cường các ứng dụng khoa học và công nghệ hạt nhân sử dụng lò phản ứng nghiên cứu, các thiết bị bức xạ trong các lĩnh vực y tế, công nghiệp, môi trường…

Thời gian qua, một số cơ quan liên quan của Nhật Bản đã làm việc với Cục Năng lượng nguyên tử và chia sẻ những thông tin về tình hình khắc phục sự cố hạt nhân Fukushima cũng như việc tái cơ cấu Cơ quan Pháp quy hạt nhân Nhật Bản, tăng cường các quy định về an toàn hạt nhân.

Từ 8/2015 đến nay, các công ty Nhật Bản đã tái khởi động 9 lò phản ứng hạt nhân với tổng công suất 9000 MWe và hòa lưới điện sau khi đã tuân thủ chặt chẽ các quy định mới của Cơ quan Pháp quy hạt nhân Nhật Bản.

Bên cạnh đó, Nhật Bản đã hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong hoạt động đào tạo nhân lực và thông tin trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, đẩy mạnh hợp tác trong những lĩnh vực Nhật Bản đạt trình độ công nghệ tiên tiến và có nhiều kinh nghiệm như: Công nghệ bức xạ với các máy gia tốc hiện đại, lò phản ứng nghiên cứu, ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân, cơ sở hạ tầng hạt nhân…

Ông Yukiya Amano, Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế cho rằng: Diễn đàn năng lượng hạt nhân quốc tế nhằm hình thành quan hệ đối tác toàn cầu để phát triển hơn nữa việc sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình trên thế giới, tập trung vào các chủ đề: Vai trò của năng lượng nguyên tử trong cơ cấu năng lượng xanh, bền vững, phát triển, sử dụng công nghệ số và công nghệ phụ trợ, các giải pháp năng lượng mới; phát triển cơ sở hạ tầng hạt nhân…

Bên cạnh đó, IAEA cam kết giúp đỡ các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam tối ưu các ứng dụng công nghệ hạt nhân để tạo ra nguồn năng lượng các-bon thấp và chống lại những tác động của biến đổi khí hậu.

Hoàn thiện hành lang pháp lý

Việc hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý, xây dựng cơ chế chính sách, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật được Bộ Khoa học và Công nghệ, các bộ ngành liên quan triển khai đồng bộ, hiệu quả. Việc nghiên cứu ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ đã được các cơ quan, đơn vị thuộc các bộ ngành, địa phương thực hiện nhiều nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp, đầu tư nhiều trang thiết bị, đẩy mạnh hợp tác quốc tế đạt nhiều kết quả có giá trị thực tiễn.

Giai đoạn hiện nay cần ưu tiên đầu tư cho phát triển ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ góp phần đóng góp trực tiếp và hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, đầu tư cho hoạt động R&D (nghiên cứu và triển khai);  đào tạo chuyên gia, xây dựng tiềm lực, đầu tư cho các cơ sở nghiên cứu, ứng dụng công nghệ bức xạ tiên tiến với các thiết bị hiện đại.

Đánh giá về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn, an ninh bức xạ và hạt nhân của Việt Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội Trần Minh Quỳnh cho rằng, vẫn còn tồn tại một số hạn chế và chưa đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo tiêu chuẩn an toàn của IAEA và các yêu cầu của thực tiễn.

Công tác đảm bảo về an toàn bức xạ hạt nhân ở cơ sở còn nhiều tồn tại. Bên cạnh đó, việc phát triển ứng dụng công nghệ bức xạ cũng gặp một số vấn đề như: Đầu tư ban đầu cao nên một số ứng dụng như chiếu xạ khử trùng y tế, biến đổi polyme chưa thể cạnh tranh về chi phí với các công nghệ truyền thống; khó mở rộng thị trường cho chiếu xạ thực phẩm do chỉ một số quốc gia chấp nhận thực phẩm chiếu xạ, trong khi người dân cũng như các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh sản phẩm nông nghiệp vẫn chưa được tiếp cận đủ thông tin nên vẫn còn tâm lý e ngại.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng nhấn mạnh: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử đã hình thành hành lang pháp lý để thúc đẩy ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, cần đánh giá các kết quả và tồn tại trong thực tiễn công tác quản lý, nghiên cứu và ứng dụng năng lượng nguyên tử, nhận diện các khó khăn, thách thức, đề xuất nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy tiềm năng của ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ hiệu quả cho phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đất nước.

Đồng thời, chuẩn bị cho tổng kết 15 năm thực hiện Chiến lược phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đến năm 2020 và nhiệm vụ xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển ứng dụng năng lượng nguyên tử trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội giai đoạn sau năm 2020.

Bài 2: Ứng dụng bức xạ và đồng vị phóng xạ trong y tế

HL (TTXVN)
Thúc đẩy ứng dụng năng lượng nguyên tử trong phát triển kinh tế - xã hội
Thúc đẩy ứng dụng năng lượng nguyên tử trong phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 3/10, tại Hà Nội, đã diễn ra hội nghị khoa học và công nghệ hạt nhân cán bộ trẻ ngành năng lượng nguyên tử lần thứ 5 do Viện Năng lượng nguyên tử, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Đoàn thanh niên Viện Năng lượng nguyên tử tổ chức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN