CIEM: Cắt giảm điều kiện kinh doanh chưa đạt yêu cầu

12:21' - 14/11/2018
BNEWS Các điều kiện kinh doanh thực sự được bãi bỏ chỉ là 771, trong khi đó có 29 điều kiện kinh doanh phát sinh. Nếu tính tổng số các điều kiện kinh doanh hiện hành, thì việc cắt giảm là không đạt 50%.
Hội thảo “Đánh giá chất lượng cắt giảm điều kiện kinh doanh: Kết quả, vấn đề và kiến nghị”. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Sáng 14/11, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo “Đánh giá chất lượng cắt giảm điều kiện kinh doanh: Kết quả, vấn đề và kiến nghị” nhằm đánh giá chất lượng cắt giảm điều kiện kinh doanh; cập nhật thực trạng và đề xuất, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền hoàn chỉnh hệ thống chính sách, pháp luật liên quan.
Phát biểu tại hội thảo, Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung cho biết, điều kiện kinh doanh là một loại rào cản lớn đến gia nhập thị trường, hạn chế cạnh tranh, hạn chế sáng tạo và tác động bất lợi đến doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành rà soát và đề xuất cắt giảm 50% số điều kiện kinh doanh; hoàn thành và trình Chính phủ ký ban hành trước ngày 31/10/2018.
Tuy nhiên, đến nay, CIEM vẫn đang tiếp tục rà soát đánh giá, báo cáo, đề xuất với Chính phủ tiếp tục cắt giảm số điều kiện kinh doanh hiện hành trong lĩnh vực quản lý và thủ tục hành chính.
Đánh giá sơ bộ về kết quả rà soát việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng CIEM cho hay, các điều kiện kinh doanh thực sự được bãi bỏ chỉ là 771, trong khi đó có 29 điều kiện kinh doanh phát sinh. Nếu tính tổng số các điều kiện kinh doanh hiện hành, thì việc cắt giảm là không đạt 50% như yêu cầu của Chính phủ.
Điểm ra một số điều kiện kinh doanh có tác động lớn đến thị trường, ông Hiếu kể ra một số điều kiện kinh doanh về gas trong Nghị định 87/2018, hay một số điều kiện kinh doanh đã quy định về số lượng nhân sự của ngành nghề đã rút cực gọn.
Tuy nhiên, theo ông Hiếu, vẫn có những sự cắt giảm điều kiện kinh doanh chẳng mang lại tác động gì. Đặc biệt, có những quy định được bổ sung điều kiện kinh doanh lại gây khó khăn cho doanh nghiệp.
“Bãi bỏ điều kiện kinh doanh chỉ là một phần nhỏ, nhưng phải xem xét lại chất lượng pháp luật mới là vấn đề”, ông Hiếu nói.
Ông Hiếu còn đánh giá về chất lượng thấp của các quy định về điều kiện kinh doanh; còn yếu về tư duy quản lý và hệ thống quản lý theo phương pháp rủi ro. Bên cạnh đó, hệ thống kiểm soát chất lượng quy định về điều kiện kinh doanh không hiệu quả; thiếu cơ chế đảm bảo thực thi đầy đủ. Không những thế còn thiếu nhận thức đúng về bản chất giấy phép, điều kiện kinh doanh…
Cùng chung quan điểm, bà Nguyễn Minh Thảo, Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh cũng cho rằng, điều kiện kinh doanh sửa đổi gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp. Theo đó, vẫn còn nhiều quy định không rõ ràng, khó tiên liệu, tiềm ẩn rủi ro cho doanh nghiệp ; số điều kiện dinh doanh quy định chung chung, thiếu rõ, khó tiên liệu, vào tạo rủi ro cho doanh nghiệp; chứng chỉ hành nghề chỉ do các cơ quan quản lý nhà nước cấp tồn tại ở hầu hết các lĩnh vực (nhất là trong lĩnh vực xây dựng); mở rộng thêm các quy định về điều kiện doanh doanh trong thủ tục hồ sơ.
Trên thực tế, tình trạng lạm dụng các điều kiện kinh doanh, đặt ra các yêu cầu không cần thiết hoặc vượt quá mục tiêu kiểm soát rủi ro, diễn ra khá phổ biến. Điều này dẫn tới hệ quả hoạt động kinh doanh bị cản trở, bị can thiệp quá mức, việc gia nhập thị trường và cạnh tranh trên thị trường bị bóp méo, trong khi các lợi ích công cộng vẫn không được bảo vệ.
Để hoạt động rà soát, điều chỉnh điều kiện đầu tư kinh doanh của các bộ, ngành đi vào thực chất hơn nữa, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Công nghiệp Thương mại (VCCI) cho rằng, cần tăng cường sự tham vấn cộng đồng doanh nghiệp trong hoạt động rà soát pháp luật; tăng cường cơ chế kiểm soát; thống nhất quan điểm rà soát và mở rộng các đề xuất trong các phương án điều chỉnh pháp luật kinh doanh mà các bộ, ngành đề ra..../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục