Bánh cốm, su sê, hoa quả sấy khô... tìm đường xuất ngoại

Sau khi đã có chỗ đứng tại thị trường nội địa, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang nuôi dưỡng khát vọng đưa sản phẩm thế mạnh của mình vượt ra khỏi biên giới, chinh phục thị trường nhiều nước.

Thành công từ những sản phẩm thế mạnh truyền thống

Thừa hưởng truyền thống làm bánh từ gia đình, nữ doanh nhân Ngô Thị Tính, TGĐ Công ty CP Bánh mứt kẹo Bảo Minh đã nâng tầm giá trị của những chiếc bánh cốm, bánh su sê, bánh dẻo, bánh nướng... để nó không chỉ được biết đến tại thị trường miền Bắc mà còn lan tỏa vào thị trường miền Nam và xuất khẩu đi nhiều nước.

Bánh cốm Bảo Minh chinh phục khách hàng.
Doanh nhân Ngô Thị Tính (đứng giữa) trong xưởng làm bánh cốm.

Bà Ngô Thị Tính chia sẻ rằng con thuyền kinh doanh khởi đầu với những chiếc bánh cốm cổ truyền Hà Nội. Xuất thân chỉ là một người công nhân làm thuê, với bàn tay làm bánh khéo léo, từ chỗ tự làm bánh, tự đi giao cho căng tin các cơ quan nhà nước, bà Tính đã có những khách hàng trung thành của riêng mình, rồi thành lập doanh nghiệp để cung ứng đủ hàng cho khách.

Những chiếc bánh cốm làm theo cách thông thường sẽ không thể lưu giữ quá 5 ngày. Ngày đêm bà Tính suy nghĩ, nếu muốn đưa bánh vào Nam hay xuất khẩu bánh đi nước ngoài mà thời gian bảo quản ngắn như vậy sẽ không thể làm được. Cái khó ló cái khôn. Bà Tính đưa công nghệ hiện đại vào dây chuyền sản xuất của mình để kéo dài "tuổi thọ" của chiếc bánh.

Không chỉ kéo dài thời gian bảo quản của sản phẩm, bà Tính và công ty còn nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, đặc biệt là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trước đây, một số loại bánh truyền thống thường dùng hàn the để vỏ bánh giòn. Sau này khi nhà nước không cho phép sử dụng hàn the trong chế biến thực phẩm, bà Tính đã tiên phong tìm chất thay thế hàn the. Bà gặp tổ các nhà hóa học nữ của Viện Hóa học Việt Nam để thực nghiệm chất chitosan, có thể thay thế hàn the mà lại làm từ vỏ sò, vỏ hến.

"Những chiếc bánh tinh khiết, không nhiễm khuẩn được nấu bằng kĩ thuật hiện đại, nồi nấu 2 lớp sẽ để được lâu hơn... Nhờ đó tôi mới mở rộng được thị trường ra khỏi Hà Nội, lan vào miền Nam và ra quốc tế", bà Tính tự hào chia sẻ về bí quyết của mình.

Từ chỗ chỉ làm 1 - 2 loại sản phẩm, nay công ty Bảo Minh đã có rất nhiều sản phẩm khác nhau nhưng đều là những món ăn truyền thống của người Việt như bánh su sê, bánh cáy, chè lam, kẹo lạc...

Chú thích ảnh
Bánh kẹo Bảo Minh quảng bá tại hội chợ hàng Việt ở Thái Lan.

Tại Tuần lễ hàng Việt Nam tại Thái Lan hồi tháng 8 vừa qua, gian hàng bánh kẹo của Bảo Minh luôn đông khách. Hiện nay, sản phẩm của Bảo Minh đã có mặt tại Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan...

Cũng hướng đến chinh phục thị trường nước ngoài như Bảo Minh nhưng công ty Vinamit gặp nhiều khó khăn hơn khi định hướng đưa hàng vào Mỹ - một thị trường mà các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm rất khắt khe.

Vinamit với nhiều dòng sản phẩm
Vinamit đưa ra dòng sản phẩm chủ lực "organic" chinh phục thị trường khó tính như Mỹ.

Hành trình mở cánh cửa giấc mơ Mỹ của Vinamit không đơn giản. Năm 1995, khi Vinamit đưa sản phẩm vào và lập công ty ở đây, chỉ sau hai năm thì “thất trận, bỏ chạy”. Ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Vinamit cho biết: 20 năm sau, cánh cửa vào Mỹ đã mở khi Vinamit có thực phẩm organic.

Vị doanh nhân nổi tiếng với dòng sản phẩm hoa quả sấy khô cho biết, nông nghiệp organic không phải thứ gì xa lạ, mà rất phù hợp với Việt Nam. Tiêu chuẩn sản xuất thực phẩm hữu cơ được xem là tiêu chuẩn chất lượng cao nhất hiện nay trên thế giới vì quy trình sản xuất tuân theo các quy định vô cùng nghiêm ngặt: hoàn toàn không có sự can thiệp của hoá chất, thuốc kháng sinh, hormone tăng trưởng hay sử dụng các thành phần biến đổi gen…

Nhờ vậy, các loại thực phẩm organic rất giàu các chất dinh dưỡng tự nhiên, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho sức khoẻ của người sử dụng và nhờ vậy trở nên phổ biến ở các thị trường Âu – Mỹ. Nhưng với những người làm nông nghiệp Việt Nam, sản xuất sản phẩm hữu cơ đòi hỏi phải nghiên cứu và đầu tư bài bản, từ cải tạo đất, tạo hệ sinh thái cân bằng, tạo nguồn dinh dưỡng hữu cơ cho đến trồng trọt, thu hoạch, bảo quản và chế biến.

Chọn hướng đi này, Vinamit có phần "liều lĩnh" do phải tuân thủ nghiêm ngặt chừng hơn 500 chỉ tiêu. Nhà máy của Vinamit trải dài từ miền Đông đến miền Tây Nam Bộ.

"Vinamit đang tận dụng cây trái tự nhiên rất tốt, từ những rừng chuối tự nhiên kéo dài từ U Minh Thượng tới U Minh Hạ, các loại chuối ở Tây Bắc càng tốt vì mọc dài, chẳng cần phân bón, hay khoai lang ở Tây Nguyên cũng tự nhiên… Riêng xoài và thanh long Vinamit phải đích thân canh tác để đảm bảo không sử dụng hóa chất", ông Viên tâm sự.

Đến nay, sản phẩm của công ty đã xuất khẩu không chỉ trong khu vực các nước ASEAN, Trung Quốc mà còn có mặt tại Nhật Bản, các nước Trung Đông, cộng đồng EU, Mỹ.

Hướng đi nào hiệu quả?

Theo các chuyên gia, để hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là nhóm hàng tiêu dùng - thực phẩm, xâm nhập mạnh mẽ vào thị trường nước ngoài thì việc quảng bá thương hiệu phải đặt lên hàng đầu.

Theo ông Hong Won Sik - Tổng giám đốc Lotte Mart Việt Nam, để các sản phẩm Việt có chỗ đứng trên thị trường Hàn Quốc thì bảo đảm chất lượng là yếu tố quan trọng nhất, sau đó mới là giá cả. Đồng thời, doanh nghiệp cần lưu ý các sản phẩm tiêu dùng phải tuân theo Luật Kiểm tra an toàn và quản lý chất lượng của Hàn Quốc. Các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm phải đăng ký với Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Hàn Quốc (KFDA)….

Tháng 10 vừa qua, Bộ Công Thương Việt Nam đã phối hợp với Viện Xúc tiến thiết kế và Bộ Thương mại - Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc khai trương Trung tâm Thiết kế Việt Nam - Hàn Quốc tại địa chỉ 17 Yết Kiêu, Hà Nội. Trung tâm này sẽ cung cấp các dịch vụ đa dạng hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thiết kế và thương hiệu, nâng cao giá trị giá tăng sản phẩm Việt Nam. Đây là cơ hội tốt để hàng hóa Việt Nam nắm bắt thị hiếu của người dân Hàn Quốc và đưa hàng vào thị trường nhiều tiềm năng này.

Cà phê Trung Nguyên xuất hiện tại nhiều nước
Cà phê Trung Nguyên xuất hiện tại nhiều nước trên thế giới.

Theo ông Tạ Hoàng Linh - nguyên Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Phụ trách chương trình xúc tiến hàng Việt vào hệ thống phân phối nước ngoài của Bộ Công Thương), muốn đưa hàng Việt thâm nhập vào thị trường quốc tế, cùng với yêu cầu cao về chất lượng, doanh nghiệp cần nghiên cứu bài bản về môi trường cạnh tranh, thị hiếu tiêu dùng, từ đó phát triển thương hiệu dựa trên các thế mạnh và đặc trưng nổi bật của sản phẩm theo hướng phù hợp với thị hiếu từng phân khúc khách hàng.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đẩy mạnh đầu tư vào các khâu có giá trị gia tăng cao như chế biến, sản xuất, thiết kế, giảm dần xuất khẩu sản phẩm dưới dạng thô hay đảm nhận những công đoạn gia công… Đặc biệt, doanh nghiệp cần tăng cường liên kết với nhau để tạo thành những chuỗi sản xuất khép kín từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ, phân phối sản phẩm.

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xây dựng, quảng bá thương hiệu ra thế giới, Bộ Công Thương đã đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại theo hướng tập trung hỗ trợ doanh nghiệp khai thác lợi ích từ các hiệp định thương mại tự do; quảng bá thương hiệu tại thị trường xuất khẩu truyền thống và tiềm năng.

"Song điều quan trọng nhất là bản thân mỗi doanh nghiệp cần nhận thức, xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu cho chính mình. Đây là chìa khóa giúp doanh nghiệp Việt Nam đưa thương hiệu Việt ra thế giới", ông Linh cho hay.

Hoàng Dương/Báo Tin tức
Người tiêu dùng đã chuyển từ 'ưu tiên' sang 'tự hào' dùng hàng Việt
Người tiêu dùng đã chuyển từ 'ưu tiên' sang 'tự hào' dùng hàng Việt

Sáng 21/10 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Gala Tổng kết Chương trình "Nhận diện hàng Việt Nam - Tự hào hàng Việt Nam năm 2018", nêu bật những đóng góp to lớn của chương trình trong việc định hướng tiêu dùng trong nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN