Không nên quá lạc quan trước tín hiệu thương chiến Mỹ-Trung hạ nhiệt?

Chỉ khi Mỹ đồng ý có thể cam kết hủy bỏ phương án gia tăng thuế với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào ngày 1/1/2019 thì "va chạm" thương mại Trung-Mỹ mới có thể thực sự đi theo hướng hòa dịu.
Không nên quá lạc quan trước tín hiệu thương chiến Mỹ-Trung hạ nhiệt? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Shutterstock)

Theo tờ Đại Công báo - nhật báo có quan điểm thân Trung Quốc của Hong Kong - số ra ngày 8/11, trong bài phát biểu tại phiên khai mạc Diễn đàn Kinh tế mới do hãng tin Bloomberg tổ chức tại Singapore ngày 6/11, Phó Chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn nói rằng Bắc Kinh sẵn sàng thảo luận với Washington về những vấn đề hai bên cùng quan tâm, thúc đẩy đạt được phương án mà cả hai có thể chấp nhận trong vấn đề kinh tế và thương mại.

Vương Kỳ Sơn nêu rõ thế giới ngày nay đang phải đối mặt với nhiều vấn đề lớn, đòi hỏi Trung Quốc và Mỹ hợp tác chặt chẽ để cùng gặt hái thành công. Nếu đối đầu, Trung-Mỹ sẽ cùng chịu thiệt hại, thậm chí còn tác động tiêu cực đến sự phát triển và ổn định toàn cầu.

Vương Kỳ Sơn nhấn mạnh hành động tiêu cực và tức giận không phải là cách thức phù hợp để giải quyết những vấn đề nảy sinh từ quá trình toàn cầu hóa kinh tế. Việc thiết lập những rào cản thương mại hay tranh cãi càng không thể giải quyết được các vấn đề tồn tại của bản thân, đổi lại sẽ chỉ khiến thị trường toàn cầu thêm rối loạn.

Trung Quốc chủ trương từ bỏ tư duy Chiến tranh Lạnh và chính trị cường quyền.

Toàn cầu hóa kinh tế không phải là “trò chơi một mất một còn,” Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì quốc sách cơ bản: mở cửa đối ngoại, không ngừng tạo nên sức hút của thị trường, tạo ra cơ hội phát triển nhiều hơn cho thế giới.

[Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc khó có thể được hạ nhiệt]

Trong một diễn biến khác, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh ngày 6/11 cũng tuyên bố rằng Trung Quốc và Mỹ sẽ tiến hành “Đối thoại Ngoại giao và An ninh” vòng hai tại Washington vào ngày 9/11.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì sẽ cùng với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đồng chủ trì đối thoại.

Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa cũng sẽ tham dự. Hai bên sẽ đi sâu trao đổi ý kiến về quan hệ Trung-Mỹ và những vấn đề quan trọng khác mà hai bên cùng quan tâm.

Điều này được dư luận bên ngoài nhìn nhận là tín hiệu “tan băng” rõ rệt trong quan hệ Trung-Mỹ hiện nay. Trước đó, hai nước từng tiết lộ sẽ tiến hành vòng 2 cuộc đối thoại ngoại giao và an ninh trong tháng 10/2018 nhưng sau đó phải trì hoãn do bất đồng trong vấn đề tranh chấp thương mại, vấn đề Đài Loan và biển Hoa Nam (Biển Đông) gia tăng.

Trước những diễn biến trên, một số chuyên gia trong lĩnh vực ngoại thương của Trung Quốc cho rằng gần đây cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ tuy liên tiếp xuất hiện các tín hiệu hạ nhiệt nhưng cũng không nên quá lạc quan.

Chỉ khi Mỹ đồng ý đưa ra thành ý, đặc biệt là có thể cam kết hủy bỏ phương án gia tăng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào ngày 1/1/2019 thì "va chạm" thương mại Trung-Mỹ mới có thể thực sự đi theo hướng hòa dịu.

Dư Diễu Kiệt, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển quốc gia thuộc trường Đại học Bắc Kinh, cho rằng lãnh đạo cấp cao Trung-Mỹ đã khôi phục tiếp xúc, đặc biệt là việc lãnh đạo hai nước sẽ có cuộc gặp trong tháng 11 này, chắc chắn sẽ góp phần làm dịu cục diện căng thẳng hiện nay.

Thái độ của Trung Quốc đối với cuộc chiến thương mại luôn rõ ràng, muốn tiến hành đàm phán nhưng cũng không sợ chiến đấu. Vì vậy, hướng đi sau này của cuộc chiến thương mại vẫn phụ thuộc nhiều vào thái độ của Mỹ.

Cùng quan điểm trên, Hoàng Vỹ Quốc - chuyên gia về chính trị và quan hệ quốc tế của Trung Quốc - thừa nhận rằng sẽ rất khó nếu kỳ vọng thông qua một hoặc hai cuộc gặp là có thể khiến quan hệ Trung-Mỹ thay đổi 180 độ. Mỹ sẽ xử lý vấn đề thuế quan ra sao mới là vấn đề trọng tâm cần lưu ý.

Trong khi đó, cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger bày tỏ lạc quan về việc Trung Quốc và Mỹ có thể tránh được những xung đột lớn hơn.

Ông cho rằng các đại diện đàm phán thương mại của hai nước không nên đi vào chi tiết, giải thích với nhau về mục tiêu mà mỗi bên đang tìm kiếm thực hiện và những nhượng bộ nào có thể thực hiện./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục