The Meg: Cá mập thời cổ đại làm sống lại nỗi ám ảnh sát thủ đại dương

"The Meg" đã làm hồi sinh loài cá mập khổng lồ thời cổ đại Megalodon, đồng thời cũng làm sống lại nỗi ám ảnh về sát thủ đại dương ytreen màn bạc kể từ khi "Jaws" ra đời cách đây 40 năm.
The Meg: Cá mập thời cổ đại làm sống lại nỗi ám ảnh sát thủ đại dương ảnh 1Dàn diễn viên chính trong The Meg (Nguồn: Warner Bros)

Năm 2001, Viện Lưu trữ phim quốc gia Mỹ đã đưa bộ phim “Jaws” (Hàm Cá Mập) vào danh sách bảo tồn nhờ những ảnh hưởng lớn lao tới điện ảnh và văn hóa đương đại.

Ra đời vào năm 1975, “Jaws” đã có công lớn trong hai việc: tạo ra mô hình phim bom tấn hè và khiến con người... sợ xuống nước. Ra đời sau tượng đài “Jaws” 43 năm, bộ phim “The Meg” (tựa Việt là Siêu cá mập khổng lồ) cũng mang lại sự giải trí cần thiết của một bom tấn hè và nỗi sợ cho khán giả, dù ở mức thấp hơn "Jaws."

Dưới tay đạo diễn Jon Turteltaub, “The Meg” tập trung xoay quanh chuyến tàu thám hiểm khu vực biển sâu nhất Trái Đất của một nhóm nhà khoa học đại dương được trang bị đầy đủ thiết bị hiện đại. Tuy nhiên, đoàn thám hiểm đã bị mắc kẹt dưới đáy biển sâu thẳm sau khi đụng độ kẻ săn mồi đầy ám ảnh Megalodon - loài cá mập khổng lồ tưởng như đã tuyệt chủng từ hàng triệu năm.

Trước tình hình ngàn cân treo sợi tóc kể trên, thợ lặn chuyên gia Jonas Taylor (Jason Statham) đã được cầu viện để giải cứu những người bị mắc kẹt với tính mạng chỉ còn tính bằng giờ. Họ không phải là những nạn nhân tiềm tàng duy nhất của quái thú “Meg,” khi gần với trạm nghiên cứu là một bãi biển đầy ắp khách du lịch...

Hình ảnh những “hung thần đại dương” với thân mình khổng lồ, hàm răng sắc nhọn đem theo nỗi ám ảnh chết chóc được tái hiện trên màn ảnh rộng đã đem đến nỗi ác mộng cho biết bao thế hệ khán giả xem phim, dù rằng không phải tác phẩm nào cũng có chất lượng thực sự tốt như “Jaws.”

Những phim có chất lượng xem được như “Deep Blue See” hay “Bait” là thiểu số, trong khi loạt phim cá mập “Sharknado” được sản xuất theo kiểu mỳ ăn liền đã lên tới tám tập phim.

Đạo diễn Jon Turteltaub hiểu rằng làm một bộ phim hè kinh điển như “Jaws” ở thời điểm hiện tại là không tưởng, khi những chiêu hù doạ khán giả bằng âm nhạc hay vây cá mập lướt trên mặt biển đã không còn tác dụng như thập niên 1970s.

Không phải ngẫu nhiên mà dự án “The Meg” đã bị đắp chiếu từ thập niên 1990s, khi hãng Disney e sợ rằng phiên bản chuyển thể cuốn “Meg: A Novel of Deep Terror” của tác giả Steve Alten sẽ không thành công bằng “Deep Blue Sea” của hãng Warner Bros.

The Meg: Cá mập thời cổ đại làm sống lại nỗi ám ảnh sát thủ đại dương ảnh 2Poster phim The Meg

Turteltaub chọn hướng đi đúng đắn cho bộ phim giống cách từng thực hiện hai phần phim phiêu lưu “National Treasure”: đậm chất giải trí qua sự pha trộn nhiều yếu tố gay cấn, hài hước và tình cảm. Ông thậm chí còn không quên tri ân “Jaws” với tình tiết của chú chó Pippin trong “The Meg” được đặt theo tên của chú khuyển mất tích trong “Jaws” năm nào.

Là một phim “hạng B” nhưng “The Meg” có kinh phí lên tới 150 triệu USD. Khoản tiền trên giúp tác phẩm có những hiệu ứng thị giác tốt, đặc biệt là khi xem phim dưới định dạng 3D.

Các cảnh quay dưới đáy biển đem tới cảm giác choáng ngợp, khiến con người cảm thấy nhỏ bé trước những gì chưa khám phá hết của thiên nhiên. Trong những phân cảnh ly kỳ, không ít lần khán giả giật mình khi hiệu ứng 3D đem lại cảm giác như cá mập đang lao thẳng ra từ màn hình.

Trong khoảng một phần ba đầu phim, câu chuyện được kể với tốc độ vừa phải trước khi tăng tốc đáng kể ở hai phần ba cuối. Hình ảnh cá mập Meg dài hơn 20m được sớm phô bày từ đầu phim và trở thành nỗi sợ hãi hữu hình cho loài người. Mối nguy cấp của hiểm hoạ “siêu cá mập” và cách những thành viên của trạm nghiên cứu trở thành những người hùng bất đắc dĩ đem tới cho “The Meg” sự lôi cuốn, khiến khán giả bỏ qua những thiếu hụt trong khâu phát triển nhân vật và những lỗi logic nhỏ nhặt.

Dàn diễn viên phim về cơ bản đã thực hiện tốt vai trò của mình. Ngôi sao người Anh Jason Statham có dịp được là ngôi sao chính của một bom tấn trăm triệu USD và được phô bày sở trường là chất nam tính.

Nhân vật Taylor của anh là một kẻ “nói ít làm nhiều” và luôn có mặt ở những thời điểm nguy khốn, đúng tuýp vai diễn quen thuộc của Statham. Điểm khác biệt duy nhất là thay vì chiến đấu với những kẻ lăm lắm vũ khí, đối thủ của “người vận chuyển” là quái vật từ thời tiền sử.

Là một phim do Trung Quốc hợp tác sản xuất với Mỹ, “The Meg” có sự xuất hiện của nhiều diễn viên Trung Quốc. Nổi bật là người đẹp Lý Băng Băng trong vai nhà nghiên cứu Suyin. So với “bình hoa di động” Cảnh Điềm, người đẹp họ Lý nói tiếng Anh tốt hơn và đóng một phần quan trọng trong câu chuyện.

Điểm sáng thú vị của phim là diễn viên nhí Sophia Cai trong vai bé Meiying. Đây là nhân vật đem lại nhiều khoảnh khắc thư giãn cho khán giả với sự láu lỉnh và những biểu cảm dễ thương.

Về nội dung, “The Meg” không có gì nổi bật về mặt thông điệp hay nội dung. Nhưng mục đích bộ phim được làm ra là để mang lại sự giải trí, và đây là điểm mà “The Meg” thậm chí còn vượt qua cả kỳ vọng ban đầu. 113 phút của bộ phim mang tới nhiều tính giải trí qua những cảnh hành động ly kỳ xen lẫn tiếng cười mà một bộ phim bom tấn hạng B nên có.

Trailer phim The Meg:

The Meg (tựa Việt là Siêu cá mập khổng lồ)

Đạo diễn: Jon Turteltaub
Diễn viên: Jason Statham, Lý Băng Băng
Thể loại: Ly kỳ, Hành động
Thời lượng: 113 phút
Ngày khởi chiếu tại Việt Nam: 10/8
*Phim hạn chế khán giả dưới 16 tuổi
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục