Chuyện lạ tuyển sinh 2018: Trường buộc lòng đánh trượt thí sinh

“Hội đồng tuyển sinh của trường đã phải họp rất nhiều lần và quyết định đưa điểm chuẩn lên cao hơn điểm của thí sinh để thí sinh không đủ điểm đỗ. Đó là một quyết định rất đau lòng," bà Hà nói.
Chuyện lạ tuyển sinh 2018: Trường buộc lòng đánh trượt thí sinh ảnh 1Thí sinh dự thi trung học phổ thông quốc gia. (Ảnh: TTXVN)

“Hội đồng tuyển sinh của trường đã phải họp lên họp xuống rất nhiều lần và quyết định đưa điểm chuẩn lên cao hơn điểm của thí sinh để thí sinh không đủ điểm đỗ vào trường. Đó là một quyết định rất đau lòng,” tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Hà, Phó hiệu trưởng Phụ trách đào tạo, Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai, chia sẻ.

Mùa tuyển sinh năm nay, Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai tuyển sinh 345 chỉ tiêu cho 11 ngành đào tạo sư phạm, trong đó có 285 chỉ tiêu tuyển theo hình thức xét từ điểm thi Trung học phổ thông quốc gia 2018.

Theo công bố của trường, điểm chuẩn nguyện vọng một ở mức rất cao, chỉ trừ Giáo dục Tiểu học và Giáo dục Mầm non có điểm chuẩn 15 điểm, các ngành học khác đều từ 18 điểm trở lên, thậm chí ngành Sư phạm Ngữ văn lên đến 23 điểm. Tuy nhiên, danh sách chỉ vẻn vẹn 71 thí sinh trúng tuyển của trường, không có thí sinh nào đạt đến 20 điểm.

Phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Hà, Phó hiệu trưởng Phụ trách đào tạo, Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai, về mâu thuẫn này.

Đánh trượt vì... quyền lợi thí sinh?

- Thưa bà, vì sao lại có nghịch lý là điểm chuẩn của trường cao hơn điểm của thí sinh đăng ký? Phải chăng trường cố tình đánh trượt thí sinh?

Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Hà: Chúng tôi đưa điểm chuẩn lên cao như vậy vì các ngành đó chỉ có một, hai thí sinh đăng ký. Nói trường cố tình đánh trượt thí sinh là khá nặng nề vì đây thực sự là một quyết định rất đau lòng của Hội đồng tuyển sinh nhà trường.

Số lượng thí sinh đăng ký vào trường năm nay rất ít. Chỉ hai ngành là Giáo dục Tiểu học và Giáo dục Mầm non là có nhiều thí sinh đăng ký.

Các ngành khác chỉ có một, hai thí sinh xét tuyển. Với số lượng đó thì không thể mở lớp. Tuy còn có các đợt xét nguyện vọng bổ sung nhưng hội đồng tuyển sinh của trường xét thấy, với ngưỡng điểm sàn Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cho cao đẳng sư phạm năm nay là 15 điểm, nếu xét tuyển theo điểm thi Trung học phổ thông quốc gia và phải là thí sinh có học lực khá nếu xét tuyển theo học bạ, thì dù có xét nguyện vọng bổ sung cũng không đủ thí sinh để mở lớp.

Vì thế, hội đồng tuyển sinh đã quyết định lấy điểm chuẩn nhích lên một chút so với điểm của thí sinh có điểm cao nhất nộp hồ sơ vào trường. Ví dụ ngành Ngữ văn chỉ có hai em đăng ký nguyện vọng một, trong đó có một em đạt 22,5 điểm, thì trường đặt điểm chuẩn lên 23 điểm.

Chúng tôi buộc phải làm điều đó, dù rất đau lòng, để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.

Trong xét tuyển đợt một, thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng vào nhiều trường và các nguyện vọng đó là bình đẳng như nhau, không phân biệt thứ tự nguyện vọng, chỉ cạnh tranh theo điểm số.

Vì thế, khi các em không đỗ vào Cao đẳng Sư phạm Gia Lai thì có thể xét các nguyện vọng khác mà các em đã đăng ký. Ví dụ với thí sinh được 22,5 điểm, em có rất nhiều lựa chọn.

[Nguy cơ vỡ trận đào tạo sư phạm chất lượng cao tại Thanh Hóa]

Chúng tôi có thể chọn phương án lấy điểm chuẩn thấp hơn để các em đỗ vào trường, sau đó vận động thí sinh chuyển ngành khác.

Nhưng điều đó có nghĩa là trường đã không giữ đúng cam kết như khi thông báo tuyển sinh với các em, thông báo tuyển sinh ngành này nhưng lại cho các em học ngành khác. Và đó có thể là ngành mà các em không thích học, trong khi mỗi thí sinh và thậm chí cả gia đình các em đều đã có sự lựa chọn ngành học từ trước.

Nếu các em không muốn chuyển ngành và rút hồ sơ để tham gia xét tuyển đợt bổ sung, thì rất thiệt thòi cho các em, vì đa số các trường đã tuyển đủ chỉ tiêu từ tuyển sinh đợt một.

Nếu chọn phương án này, nhà trường thấy mình rất có lỗi với thí sinh, với phụ huynh, và với xã hội. Vì thế, chúng tôi buộc lòng phải đưa ra quyết định nâng điểm chuẩn lên cao hơn điểm của thí sinh. Đó là phương án an toàn nhất để trường bảo vệ quyền lợi cho thí sinh của mình trong hoàn cảnh này.

Chuyện lạ tuyển sinh 2018: Trường buộc lòng đánh trượt thí sinh ảnh 2Điểm chuẩn của trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai năm 2018

- Những năm trước thì việc tuyển sinh của trường như thế nào, thưa bà?

Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Hà: Những năm gần đây, chúng tôi cũng giống như các trường cao đẳng sư phạm khác, chỉ mở được một số ngành. Trong đó, ổn định nhất là Giáo dục Mầm non và Giáo dục Tiểu học. Tiếp đó là các ngành Sư phạm Toán, Sư phạm Ngữ văn và Sư phạm Tiếng Anh, nhưng năm nay rất đau lòng là cả ba ngành này cũng đều không thể mở lớp được.

Năm trước, điểm chuẩn vào trường cũng tầm 16, 17 điểm với Giáo dục Mầm non và Giáo dục tiểu học, tầm 13 đến 14 điểm với các ngành còn lại, là ở mức tương đối so với các trường cao đẳng sư phạm nói chung. Năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đặt ngưỡng đảm bảo chất lượng riêng cho khối trường sư phạm nên việc tuyển sinh khó khăn hơn.

Cần có lộ trình nâng chuẩn đầu vào

- Là lãnh đạo một trường cao đẳng sư phạm, đối tượng chịu tác động trực tiếp từ quy định mới này của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bà nghĩ sao về chủ trương này của Bộ?

Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Hà: Đứng về phía ngành thì tôi hoàn toàn nhất trí với chủ trương nâng chuẩn đầu vào. Chất lượng giáo viên có ý nghĩa hết sức quan trọng trong giáo dục đào tạo. Vì vậy, nâng điểm đầu vào ngành sư phạm là hoàn toàn đúng.

Tuy nhiên, từ chỗ lâu nay không có chuẩn riêng và bây giờ có chuẩn, thì đó là một bước chuyển, mà bước chuyển thì đòi hỏi phải có một lộ trình nhất định, và cần phải có thời gian.

[Tuyển sinh sư phạm: Thí sinh chê đầu ra, Bộ siết đầu vào, trường lo ế]

Bên cạnh đó, phải có các giải pháp đồng bộ từ đầu vào đến đầu ra, từ nâng điểm chuẩn đến tạo cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp, chế độ đãi ngộ khi đi làm.. Khi đó mới thu hút được thí sinh và cải thiện được chất lượng đầu vào. Đó là những việc cần làm và phải làm đến nơi đến chốn.

- Vậy trong giai đoạn hiện nay, khi chúng ta mới chỉ có thắt đầu vào thì với các trường sẽ như thế nào, thưa bà?

Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Hà: Hiện các trường sư phạm nói chung, nhất là cao đẳng sư phạm, việc tuyển sinh đều hết sức khó khăn khi thí sinh không còn mặn mà. Nếu chỉ có ngưỡng đầu vào mà không có chế độ đầu ra sau tốt nghiệp thì càng cực kỳ khó khăn.

Sinh viên được miễn học phí nhưng miễn một năm vài triệu thì không là gì so với việc người học xác định tương lai sau này khó có việc làm. Vì thế, miễn học phí cũng không đủ sức hút. Tôi cho rằng kể cả không miễn học phí mà đầu ra được giải quyết thỏa đáng thì vẫn có sức hút tốt hơn.

- Trước những khó khăn trong tuyển sinh, rất nhiều trường sư phạm ở các địa phương đã chuyển sang đào tạo đa ngành. Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai có tính đến phương án này, thưa bà?

Tiến sỹ Nguyễn Thị Thu Hà: Phương án này cũng là một chủ trương chung của tỉnh.

Về phía trường, chúng tôi cũng đã từng loay hoay thử nghiệm nhưng không thành công. Chúng tôi đã từng xin phép để mở một số ngành ngoài sư phạm, như việc mở đào tạo nhân lực văn phòng cho cán bộ văn phòng ở các ủy ban nhân dân xã. Tuy nhiên, cũng chỉ được một thời gian ngắn để bù đắp cho việc thiếu nhân sự của địa phương, sau đó phải đóng cửa.

Các ngành khối kinh tế thì trường không đủ nhân lực để mở, vì phải có nhiều yếu tố để đảm bảo chất lượng đào tạo. Mặt khác, trong khi sinh viên đại học cũng khó khăn trong tìm việc làm thì trường cao đẳng càng không có nhiều hy vọng để thu hút được thí sinh.

- Xin cảm ơn bà!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục