Quảng Nam: Mở rộng, kết nối sinh cảnh tự nhiên cho đàn voọc Chà vá chân xám

Ngày 9/8, ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam dẫn đầu đoàn công tác đã thị sát khu vực núi Hòn Dồ, xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, nơi có đàn voọc Chà vá chân xám sinh sống và nghe các chuyên gia đề xuất các giải pháp cấp bách để bảo vệ đàn voọc quý hiếm này.

Chú thích ảnh
Ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam và đoàn công tác thị sát khư vực núi Hòn Dồ nơi đàn Voọc Chà vá chân xám sinh sống vào ngày 9/8/2018. Ảnh: Hữu Trung, Văn Tuấn/TTXVN

Quần thể voọc Chà vá chân xám tại khu vực núi Hòn Dồ có từ 25 đến trên 30 cá thể, sinh sống trong khu rừng tự nhiên có diện tích hơn 10 ha và tách biệt với không gian sinh trưởng bên ngoài nên ảnh hưởng nhiều đến môi trường sống. Khu vực đàn voọc sinh sống đang chịu tác động lớn từ các hoạt động của con người.

Các hoạt động đốt dọn thực bì để trồng rừng nguyên liệu đã thu hẹp dần không gian sinh trưởng của đàn voọc. Để bảo vệ đàn voọc - một loài linh trưởng đặc hữu của Việt Nam, UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm và huyện Núi Thành thực hiện nhiều giải pháp như tuyên truyền bằng trực quan, nâng cao nhận thức cộng đồng, tăng cường bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống của động vật hoang dã cũng như theo dõi, giám sát, đặc biệt là mở rộng không gian sinh trưởng cho đàn voọc.

Theo các chuyên gia, vấn đề quan trọng là cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp về kỹ thuật, tổ chức quản lý, giáo dục, tuyên truyền các quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã, bảo vệ diện tích rừng hiện có, phục hồi và mở rộng diện tích rừng, mở rộng không gian sinh trưởng và phát triển cho đàn voọc đến cộng đồng.

Trước mắt, các chuyên gia khuyến nghị tỉnh Quảng Nam có kế hoạch mở rộng dải rừng ở khu vực có phân bố đàn voọc tại Tam Mỹ Tây từ hơn 10 ha lên khoảng 100 ha nhằm kết nối và mở rộng sinh cảnh rừng tự nhiên; thực hiện việc hỗ trợ sinh kế cho cư dân quanh khu vực để hạn chế việc lấn rừng sản xuất, ngăn chặn có hiệu quả các hành vi tác động tiêu cực đến môi trường sống tự nhiên của loài voọc quý hiếm này.

Chú thích ảnh
Đàn Voọc Chà vá chân xám phát hiện tại núi Hòn Dồ, xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Hữu Trung, Văn Tuấn/TTXVN

Ông Lê Trí Thanh cho biết, khu vực đàn voọc sinh sống rất hẹp và bị chia cắt bởi rừng sản xuất của người dân và hoạt động công nghiệp. Do đó, môi trường sống của loài linh trưởng này bị đe dọa rất cao. Tỉnh sẽ sớm có những phương án khẩn cấp để bảo vệ đàn voọc.

Trước mắt, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giám sát nhằm ngăn chặn tác động tiêu cực đến đàn voọc, tỉnh có thể sẽ mua lại diện tích rừng sản xuất của người dân xung quanh để kết nối với khu rừng tự nhiên nhằm mở rộng không gian sống cho đàn voọc, đồng thời mở rộng diện tích rừng bảo vệ đặc biệt nhằm kết nối với các khu rừng tự nhiên khác để đảm bảo thức ăn cho đàn voọc.

Ông Lê Trí Thanh nhấn mạnh, voọc Chà vá chân xám tại khu vực núi Hòn Dồ là loài linh trưởng đặc hữu của Việt Nam, nằm trong danh sách các loài cực kỳ nguy cấp trong Sách đỏ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN).

Do đó việc kết nối, mở rộng sinh cảnh rừng, tăng cường công tác tuần tra bảo vệ gắn liền với việc hỗ trợ sinh kế bền vững cho người dân địa phương là những nhiệm vụ cấp bách đang được các ngành chức năng tỉnh Quảng Nam, huyện Núi Thành, cộng đồng và các tổ chức bảo vệ động vật trong và ngoài nước quyết liệt thực hiện nhằm bảo tồn đàn voọc Chà vá chân xám.                                                                          

Đoàn Hữu Trung (TTXVN)
Phục hồi sinh cảnh rừng bảo tồn đàn voọc chà vá chân xám quý hiếm
Phục hồi sinh cảnh rừng bảo tồn đàn voọc chà vá chân xám quý hiếm

Trước thực trạng đàn voọc chà vá chân xám quý hiếm được phát hiện mới đây ở xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành (Quảng Nam) đối diện với nguy cơ bị xâm hại nghiêm trọng, tỉnh Quảng Nam đã vào cuộc quyết liệt, tuyên truyền, phục hồi và mở rộng sinh cảnh rừng, nhằm bảo tồn đàn Voọc chà vá chân xám quý hiếm này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN