Hà Nội giải 'bài toán' về ô nhiễm môi trường khi mở rộng địa giới

Với tầm vóc của một thành phố có quy mô lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn cả nước, Hà Nội đối diện với thử thách vô cùng lớn trong công tác xử lý ô nhiễm môi trường.
Hà Nội giải 'bài toán' về ô nhiễm môi trường khi mở rộng địa giới ảnh 1Sông Tô Lịch sau khi được cải tạo cảnh quan, giải tỏa các điểm lấn chiếm. (Ảnh: Hoàng Lâm/TTXVN)

Sau Nghị quyết của Quốc hội về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội vào năm 2008, tổng diện tích đất tự nhiên của Hà Nội lên đến gần 335 ngàn ha.

Với tầm vóc của một thành phố có quy mô lớn nhất từ trước đến nay trên địa bàn cả nước, Hà Nội đối diện với thử thách vô cùng lớn trong công tác xử lý ô nhiễm môi trường, đảm bảo cuộc sống an toàn và giữ gìn sức khỏe cho gần 6,3 triệu người dân.

Diện tích lớn, mối lo cao

Những vấn đề cấp bách nhất cần giải quyết vào thời điểm bắt đầu sáp nhập được tổng hòa từ những bức xúc nội tại của Hà Nội cũ cộng thêm những nỗ lo mới từ thực trạng ô nhiễm môi trường của Hà Tây xưa. Đó là tình trạng ô nhiễm môi trường các dòng sông, không khí nội đô, nước thải các làng nghề và vấn đề xử lý chất thải rắn, rác thải sinh hoạt và công nghiệp...

Theo số liệu thống kê, sau hợp nhất, Hà Nội có 266/1.350 làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng với khoảng 60.000m3 nước thải chưa qua xử lý xả trực tiếp ra môi trường mỗi ngày.

Thủ đô mới có tới 8 khu công nghiệp, 1 khu công nghiệp cao, 48 cụm công nghiệp và trên 1,6 vạn cơ sở sản xuất nằm ngoài các khu, cụm công nghiệp; 2.580 bệnh viện, phòng khám; gần 58.000 cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, kích thích tăng trưởng; trên 5.300 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố.

Sau điều chỉnh địa giới, Hà Nội có lượng nước thải sinh hoạt rất lớn và ô nhiễm. Tổng lượng nước thải hàng ngày khoảng hơn 300.000m3; trong đó, có tới 1/3 là nước thải công nghiệp.

Hầu hết các cơ sở công nghiệp đều xả trực tiếp nước thải vào các sông thoát nước chính là Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét và các mương, hồ. Điều này khiến phần lớn các sông hồ của Hà Nội đều bị ô nhiễm cả về cơ học, hóa học và sinh hoạt, có sự phân hủy yếm khí tạo ra khí độc như H2S, NH4. Hàm lượng NO2, NO3 đều cao, BOD5 quá tiêu chuẩn cho phép tới 3 lần. Thậm chí, hàm lượng coliform của một số hồ gần khu vực dân cư vượt quy định tới 100-200 lần, vào mùa khô vượt tới 700 lần...

Đi từ bức xúc đến lâu dài

Với quyết tâm cao, cách làm đồng bộ, khoa học, “đi từ bức xúc đến lâu dài," Hà Nội đã triển khai hiệu quả Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, coi đây là nhiệm vụ hàng đầu trong việc gìn giữ môi trường Thủ đô.

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã phối hợp cùng các sở, ngành tham mưu Ủy ban Nhân dân thành phố xử lý triệt để 25/25 cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Để xử lý các cơ sở công nghiệp tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm cao, không phù hợp quy hoạch, Sở tham mưu thành phố di dời các cơ sở này ra khỏi khu vực đô thị để ngăn chặn nguồn ô nhiễm cho người dân.

[Tiếp thêm niềm tin, khí thế và vận hội mới cho Thủ đô phát triển]

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết đến nay, 67 cơ sở công nghiệp phải di dời đã có quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng đất và 27 cơ sở phải di dời được thành phố chấp thuận chủ trương hoặc phê duyệt quy hoạch cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Ngoài ra, Sở đề xuất thành phố các giải pháp xử lý ô nhiễm 187 “điểm đen," khu vực ô nhiễm và bức xúc về môi trường tại 21 quận, huyện, thị xã.

Cũng theo ông Đông, sau mở rộng địa giới, vấn đề khắc phục cải tạo môi trường của sông Tô Lịch và sông Nhuệ đã được thành phố đặt lên hàng đầu để tìm hướng giải quyết. Nhiều chương trình, dự án, nạo vét, cải tạo, nâng cấp lòng dẫn kết hợp với làm đường giao thông cải thiện môi trường gắn với chỉnh trang, nâng cấp công trình bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực.

Thành phố đã tiến hành điều tra, khảo sát tại 12 làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng và đề xuất đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại một số làng nghề.

Đồng thời, để tiếp tục triển khai có hiệu quả việc xã hội hóa về môi trường, Sở đã lắp đặt và vận hành ổn định 10 trạm quan trắc không khí tự động, 6 trạm quan trắc nước mặt…

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, thực hiện các dự án cải tạo môi trường các hồ bằng nguồn vốn xã hội hóa, thành phố đã xử lý ô nhiễm môi trường nước đối với 8 hồ nội thành. Đặc biệt từ quý 4/2016, sau khi nhân rộng xử lý ô nhiễm môi trường nước hồ bằng chế phẩm Redoxy 3C đã có 130 hồ được xử lý, trong đó có 86 hồ nội thành.

Đồng thời, thành phố bổ sung lắp đặt máy sục khí, bè thủy sinh trên hồ, nạo vét bùn để tăng cường khả năng làm sạch của hồ. Việc thực hiện xử lý, duy trì chất lượng nước các hồ đã đem lại hiệu quả thiết thực cho cộng đồng, tạo ra một môi trường hồ xanh, sạch đẹp.

Đến nay, thành phố đã đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động các trạm, nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt đô thị một cách hiệu quả, đảm bảo chất lượng nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn môi trường, nâng tổng công suất nước thải được xử lý lên 261.300 m3/ngày, đêm, đạt 32% tổng lượng nước thải cần xử lý.

Bên cạnh đó, tại 43 cụm công nghiệp hoạt động ổn định, 21 trạm xử lý nước thải đã được hoàn thành, đưa vào vận hành ổn định.

Cũng theo Sở Xây dựng Hà Nội, sau 10 năm sáp nhập, tỷ lệ thu gom chất thải sinh hoạt các quận nội thành trung tâm đạt 98%, khu vực các huyện ngoại thành đạt khoảng 87%. Các cấp chính quyền địa phương đã sát sao hơn trong việc giám sát các đơn vị thực hiện duy trì vệ sinh môi trường; xây dựng được phương án duy trì vệ sinh theo hướng tăng cường cơ giới hóa, tiến hành đầu tư mua sắm trang thiết bị; giám sát qua hệ thống giám sát hành trình GPS đối với xe cơ giới thu gom, vận chuyển rác thải.

Đáng chú ý, thành phố đã triển khai đầu tư 12/17 khu xử lý chất thải rắn; tập trung đầu tư mở rộng, nâng cấp 2 khu xử lý có quy mô lớn, trọng điểm là Khu xử lý chất thải rắn Sóc Sơn và Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn tại thị xã Sơn Tây và huyện Ba Vì.

Đồng bộ và toàn diện hơn

Những kết quả đạt được sau 10 năm sáp nhập địa giới hành chính đã giải quyết được một cách căn bản những tồn tại, bức xúc về môi trường trên địa bàn Thủ đô. Tuy nhiên, về lâu dài, Hà Nội vẫn cần đến những biện pháp đồng bộ, toàn diện hơn để phát triển bền vững.

Một số chuyên gia cho rằng để các dòng sông được sống lại, Hà Nội cần kiên quyết xử lý vấn đề nước thải trước khi đổ xuống sông nhằm trả lại cho dòng sông màu nước xanh.

Bên cạnh đó, thành phố cần triển khai xây dựng cống gom nước thải dọc tuyến sông để chuyển về điểm xử lý tập trung, kết hợp xử lý các nguồn nước thải trước khi đổ vào sông, thường xuyên các hoạt động vớt rác và nạo vét lòng sông mới giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm.

Đối với vấn đề ô nhiễm không khí, nhiều ý kiến đề nghị thành phố cần kiên quyết hơn trong kiểm tra, kiểm soát các nguồn thải chính để có bức tranh tổng thể về các nguồn gây ô nhiễm không khí. Trước mắt, cần tăng cường lắp đặt các trạm quan trắc tại nhiều điểm để có một hệ thống quan trắc toàn diện.

Hà Nội giải 'bài toán' về ô nhiễm môi trường khi mở rộng địa giới ảnh 2Cải thiện chất lượng nước tại các hồ tại Hà Nội. (Nguồn: TTXVN)

Các chuyên gia khuyến nghị cùng với các biện pháp kiểm soát chất lượng khí thải của phương tiện, thành phố cần xem xét đến quy hoạch đô thị hợp lý và phân bổ, bố trí thời gian đi lại của các phương tiện; khuyến khích người dân từ bỏ các phương tiện giao thông cá nhân để chuyển sang sử dụng các phương tiện công cộng.

Đặc biệt, Hà Nội cần tổ chức điều tra, thống kê các nguồn thải, các loại chất thải và lượng phát thải; xây dựng, hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường cùng với các cơ chế, chính sách nhằm đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường, kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường các khu công nghiệp và làng nghề... 

Một thập kỷ sau mở rộng địa giới, với tâm thế đổi mới, kiến tạo, phục vụ ngày càng tốt hơn người dân và doanh nghiệp, thủ đô Hà Nội đang đứng trước những cơ hội mới trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

Trong tiến trình phát triển, thành phố luôn quán triệt tinh thần không phát triển bằng bất cứ giá nào, không đánh đổi môi trường lấy kinh tế. Đó là phương châm, quan điểm nhất quán để Hà Nội phát triển bền vững, tương xứng với một Thủ đô tầm cỡ khu vực và quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục