Chuyên gia nói gì về nghi vấn Hà Nội ngập lụt do thủy điện xả lũ?

Giáo sư tiến sĩ Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi khẳng định, thông tin cho rằng vùng Chương Mỹ bị ngập lụt do ảnh hưởng từ việc xả lũ của hồ thủy điện Hòa Bình là hoàn toàn đúng thực tế.
Chuyên gia nói gì về nghi vấn Hà Nội ngập lụt do thủy điện xả lũ? ảnh 1Các cơ quan chức năng đã tiến hành be bờ để ứng phó với mực nước sông Bùi đã lên cao gần 7,5m. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Trước nghi vấn cho rằng ngoại thành Hà Nội ngập lụt là do hồ thủy điện Hòa Bình xả lũ, giới chuyên gia môi trường đã bày tỏ mối quan ngại về khả năng chống chọi của hệ thống đê điều, cũng như mức độ ảnh hưởng từ việc xả lũ của hồ thủy điện.

Trao đổi với phóng viên VietnamPlus sáng 1/8, ông Đào Trọng Tứ, chuyên gia Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cho rằng việc xả lũ của hồ thủy điện Hòa Bình là điều tất yếu, tuy nhiên vấn đề cần nhìn nhận là hệ thống đê điều ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội) có đảm bảo khả năng chống đỡ, chịu đựng của lũ hay không.

“Vì thế, nếu đổ lỗi việc xả lũ của hồ thủy điện Hòa Bình gây ngập lụt ở ngoại thành Hà Nội là không chuẩn về mặt khoa học. Bởi vì bản thân hồ thủy điện Hòa Bình không thể không xả lũ được. Giả dụ không có hồ thủy điện Hòa Bình, thì với tình hình mưa lớn từ các tỉnh dồn về thì lũ vẫn có thể xảy ra,” ông Tứ chia sẻ.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng lưu ý, nếu tình hình mưa gió tiếp tục xảy ra như những ngày qua, và khả năng xả lũ của hồ thủy điện Hòa Bình vẫn còn, thì tác động của việc thủy điện xả lũ đến khu vực ngoại thành Hà Nội vẫn có thể xảy ra.

Trong khi đó, giáo sư tiến sĩ Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) lại khẳng định, thông tin cho rằng vùng Chương Mỹ bị ngập lụt do ảnh hưởng từ việc xả lũ của hồ thủy điện Hòa Bình là hoàn toàn đúng thực tế.

“Thực tế trên càng rõ ràng hơn khi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã phải trực tiếp lên đề nghị đóng khẩn cấp một cửa xả của hồ thủy điện Hòa Bình. Bởi vì dưới hạ du, nước dâng cao đã làm ngập mấy chục nghìn hécta hoa màu của người dân đến mùa thu hoạch,” ông Hồng thông tin.

Ngoài ra, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi cũng cho biết, việc hồ thủy điện Hòa Bình đóng hay mở cửa xả không chỉ phụ thuộc vào tình hình mưa lũ, như mưa lũ cục bộ ở Chương Mỹ, mà còn do quy trình tích nước ngược theo hệ thống bậc thang từ trên cao đã gây ra một loại lũ khác, đó là “lũ nhân tạo.”

“Có thể nói vừa qua, hồ thủy điện Hòa Bình đã gây ra một đợt lũ nhân tạo, chứ không phải do mưa lũ cục bộ,” ông Hồng nhấn mạnh.

[Những hình ảnh mới nhất về tình hình lũ lụt tại Chương Mỹ]

Nhìn nhận từ phía cơ quan quản lý, ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, khẳng định thông tin cho rằng ngoại thành Hà Nội ngập lụt do hồ thủy điện Hòa Bình xả lũ là không chính xác, gây hoang mang dự luận.

“Ở đây, nước lên không phải do xả lũ hồ Hòa Bình, bởi hiện nay hồ Hòa Bình đóng toàn bộ các cửa xả, đây là tình huống do mưa ở rừng ngang và từ trên núi đổ về. Đây là tình huống đặc biệt nhưng không phải tình huống bất thường, bởi năm ngoái đã xảy ra, năm nay lại tiếp tục xảy ra,” ông Hoài khẳng định.

Về việc nước lũ dâng cao tràn qua đê tả Bùi ở huyện Chương Mỹ, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng cho rằng nguyên nhân gây ngập trước hết là do mưa to với cường độ lớn, khiến lũ tập trung nhanh. Do vậy, mưa lũ đã lên cao và uy hiếp các đê cấp 4 với phạm vi ảnh hưởng rất lớn.

Vấn đề thứ hai là có ý kiến cho rằng, khả năng thoát nước của các sông chính kém. Thực tế, sông Bùi đổ ra sông Tích rồi dẫn ra sông Đáy. Do vậy, khả năng thoát nước sông Bùi phụ thuộc vào khả năng thoát nước của sông Đáy. Tuy nhiên, sông Đáy lại đổ ra sông Hồng qua sông Đào, sông Đáy còn đổ ra sông Hoàng Long.

“Có thể đợt lũ vừa rồi do lũ ở ven đường Hồ Chí Minh đổ xuống, đổ ra các sông qua Ninh Bình và đổ ra sông Đáy. Chúng tôi cho rằng, một phần lũ ở sông Hoàng Long dâng cao nên cửa thoát của sông Đáy bị hạn chế,” ông Thắng phân tích thêm.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng lưu ý, là ngoài những khả năng nêu trên, có một vấn đề nữa là trong quá trình phát triển, nhiều hệ thống cơ sở hạ tầng đã lấn ra hành lang thoát nước của các sông, làm giảm khả năng thoát lũ. Việc này không chỉ xảy ra ở sông Bùi mà ở nhiều sông khác trên cả nước.

Vì thế, để khắc phục tình trạng ngập lụt tại các điểm trũng ở Hà Nội, ông Thắng đề nghị, thành phố Hà Nội cần tiếp tục củng cố lại hệ thống hạ tầng thoát lũ. Thành phố cũng phải nhận dạng lại những nơi trũng thấp, đê thấp để củng cố lại./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục