Cải cách WTO: Con đường dài, không hề bằng phẳng

Cải cách WTO là cuộc đấu tranh bảo vệ lợi ích kinh tế và cả ảnh hưởng chính trị giữa các nước, do vậy, đó hẳn sẽ là một con đường dài không bằng phẳng dễ đi.
Cải cách WTO: Con đường dài, không hề bằng phẳng ảnh 1Trụ sở tổ chức WTO tại Geneva, Thụy Sĩ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Nằm dọc bờ sông Leman, một trong những vị trí đẹp nhất tại thành phố Geneva (Thụy Sĩ), trụ sở chính của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) từng được xây dựng nhờ sự hỗ trợ của người Mỹ.

Tuy nhiên, WTO hiện nay đang chao đảo bởi những con sóng dữ với những tranh cãi bên trong tổ chức này về yêu cầu cải tổ của Washington và đặc biệt bởi chủ nghĩa biệt lập của chính quyền Donald Trump.

Theo tờ The Economist, tháng 6/2018, Mỹ đã thách thức nền thương mại tự do khi chính thức áp thuế nhôm-thép với các nước, kể cả các đồng minh.

Ngoài việc khẳng định Mỹ là nạn nhân của những thực tiễn thương mại bất công, chính quyền Trump còn ngăn cản việc bổ nhiệm các thẩm phán mới cho Cơ quan Phúc thẩm (AP) của Cơ quan Giải quyết tranh chấp (DSB) thuộc WTO.

Điều này có thể sẽ làm tê liệt hoạt động của AP kể từ sau năm 2019. Mỹ cũng chính thức phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc khi áp thuế lên hàng chục tỉ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào thị trường nước này.

Một trong những nhiệm vụ chính của WTO là hạn chế và giải quyết các tranh chấp thương mại, ngăn chặn các đòn đáp trả thương mại lẫn nhau giữa các nước thành viên.

Tuy nhiên, trong cuộc xung đột thương mại giữa Mỹ với phần còn lại hiện nay, WTO đang bị biến thành kẻ ngoài cuộc bất đắc dĩ.

Cấu trúc của tổ chức này đang bị các nước thành viên dần phá vỡ. Các diễn biến tại WTO cho thấy những quốc gia ủng hộ tự do thương mại đang hết sức quan ngại. Liệu WTO có phải đã hết sứ mệnh lịch sử của mình?

Nhiều người cho rằng nguồn gốc của cuộc khủng hoảng hiện nay xuất phát từ góc nhìn của chính quyền Trump đối với thương mại quốc tế. Nhận định này đúng một phần, nhưng trước mắt có thể thấy có hai điểm đáng lưu ý trong chính sách thương mại Mỹ.

Thứ nhất, Tổng thống Mỹ Donald Trump không phải là người duy nhất định hình chính sách bảo hộ thương mại hiện nay.

Tại WTO, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và nhiều nước khác còn nhắc tới một nhân vật là Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer, nhà đàm phán trưởng về thương mại khá kín tiếng của Mỹ và là người đang thúc đẩy từ phía sau việc cải tổ WTO.

Ông Trump thường đưa ra những tuyên bố đao to búa lớn nhắm vào WTO và thương mại đa phương - những đe dọa được ông Lighthizer sử dụng như một công cụ đòn bẩy để thương lượng. Ông Lighthizer không chủ trương loại bỏ hoàn toàn vai trò của WTO mà muốn cải tổ tổ chức này.

Thứ hai, tâm điểm của cơn thịnh nộ về thương mại của chính quyền Mỹ hiện nay là nhắm vào Trung Quốc. Thực vậy, kể từ khi gia nhập WTO năm 2001, Trung Quốc đã không chuyển hướng sang nền kinh tế thị trường như phương Tây kỳ vọng.

Thay vào đó, phương Tây cho rằng Bắc Kinh đã làm biến dạng thương mại toàn cầu ở một quy mô lớn hơn cả các biện pháp như bán phá giá hay trợ cấp.

[Mỹ gây sức ép buộc WTO trừng phạt EU vì trợ cấp cho Airbus]

EU, Nhật Bản chia sẻ mong muốn của Mỹ kiềm chế chủ nghĩa trọng thương của Trung Quốc, nhưng cũng không muốn đứng hẳn về phía Mỹ để đối đầu với Trung Quốc.

Diễn biến tại Hội nghị G20 vừa qua ở Argentina cho thấy điều này. Các tập đoàn nhà nước Trung Quốc và các chi nhánh chân rết rộng khắp của họ đã làm bóp méo các thị trường, gây ra sự dư thừa hàng hóa trên phạm vi toàn cầu, thép là một ví dụ điển hình.

Theo báo cáo từ WTO, Trung Quốc không chỉ trợ cấp nhôm thép mà còn trợ cấp và có thể dẫn tới nguy cơ dư cung đối với khoảng 10 mặt hàng khác nhau.

Bên cạnh đó, các công ty nước ngoài hoạt động ở Trung Quốc phải vất vả đối phó với những quy định có tính phân biệt đối xử của chính quyền và được yêu cầu phải chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ như một điều kiện để gia nhập thị trường 1,3 tỷ dân của nước này.

Giải quyết bài toán do Trung Quốc đặt ra vượt khỏi những quy định hiện hành mà WTO có. Làm thế nào đánh giá được quy mô của những biện pháp bóp méo thị trường mà chính phủ Trung Quốc triển khai, cách thu thập thông tin thế nào để nắm được những gì không ổn và cách thiết lập các hạn chế đối với những biện pháp đáp trả thương mại…

Đó là những nội dung cải cách WTO mà EU, Nhật Bản và Mỹ có thể thảo luận nhằm bịt những lỗ hổng của tổ chức này. Tất nhiên, còn rất nhiều nội dung khác nữa mà các quy định hiện nay của WTO cần cập nhật và chỉnh sửa.

Nhu cầu và yêu cầu cải tổ WTO đã trở nên cấp thiết. Đây cũng là đòi hỏi mà Mỹ nhấn mạnh trong thời gian gần đây. Nhiều quốc gia phát triển cho rằng nguyên tắc đồng thuận đã trở thành một rào cản lớn, ngăn cản nhiều quyết định của WTO.

Điển hình là việc Hội nghị Bộ trưởng Thương mại các nước thành viên WTO lần thứ 11 (MC11) tại Buenos Aires hồi tháng 12 năm ngoái không thể đưa ra được bản Thông cáo chung. Cải tổ WTO đã trở thành một nhiệm vụ tất yếu, nếu không Mỹ sẽ tiếp tục trút cơn thịnh nộ của nước này vào tổ chức, thậm chí rút khỏi nó.

Tuy nhiên, cải tổ WTO theo hướng nào cũng là một vấn đề rất lớn bởi vì nó sẽ phải cân bằng được vị thế và lợi ích của cả các quốc gia mới nổi, dẫn đầu là Trung Quốc, với các cường quốc kinh tế phương Tây - vốn là lực lượng đã xây dựng nên hệ thống.

Trung Quốc có lợi ích trong việc bảo vệ trật tự thương mại toàn cầu hiện nay vì đang được hưởng lợi từ nó. WTO được hình thành ở thời điểm Trung Quốc chưa phải là một cường quốc kinh tế. Nay bối cảnh địa chính trị-kinh tế thế giới đã thay đổi, do vậy WTO chắc hẳn cũng sẽ phải thay đổi.

Tại Geneva, các ý tưởng về việc cải tổ WTO cũng đang trong giai đoạn manh nha. Mới đây, một nhóm tư vấn độc lập đã lần đầu tiên nói về việc cần phải loại bỏ cơ chế đồng thuận của WTO - một cơ chế vốn giúp các nước nhỏ có được lá phiếu tương đương với các cường quốc kinh tế. Hay cũng có những ý kiến giải quyết thế bế tắc của Cơ quan phúc thẩm như kéo dài thời hạn phục vụ của các thẩm phán…

Nhưng rõ ràng là để đạt được một thỏa thuận toàn cầu đáp ứng được yêu cầu của 164 quốc gia thành viên WTO là điều cực kỳ gian nan. Vòng đàm phán thương mại toàn cầu đầy tham vọng như Doha hiện đã rơi vào bế tắc do những đòi hỏi lớn từ phía các quốc gia đang phát triển.

Nhiều người đã hình dung rồi đây có thể WTO sẽ hướng tới việc xây dựng các quy tắc thương mại được áp dụng cho từng nhóm nước khác nhau. Đó là những quy định nhiều bên thay vì đa phương như hiện nay. Đó có thể là những giải pháp để giúp WTO thoát khỏi bế tắc của chính mình.

Trung Quốc và EU ngày 16/7 đã nhất trí sẽ hợp tác để cải cách WTO. Nhưng cải cách WTO là cuộc đấu tranh bảo vệ lợi ích kinh tế và cả ảnh hưởng chính trị giữa các nước, do vậy, đó hẳn sẽ là một con đường dài không bằng phẳng dễ đi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục