Tái cấu trúc đầy tham vọng: Cổ phiếu Sabeco có lấy lại vị thế?

Mặc dù sản lượng tiêu thụ bia của Sabeco có dấu hiệu suy giảm song vẫn được dự báo có mức tăng trưởng khoảng 5% /năm. Bên cạnh đó, các sản phẩm của SAB tiếp tục chiếm ưu thế ở khu vực thành thị.
Tái cấu trúc đầy tham vọng: Cổ phiếu Sabeco có lấy lại vị thế? ảnh 1(Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Sau đại hội cổ đông 2018, Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn – Sabeco (mã SAB – HoSE) ra mắt ban lãnh đạo mới với một kế hoạch tái cấu trúc đầy tham vọng. Động thái này của Sabeco có lấy lại được vị thế cho cổ phiếu mình trên thị trường chứng khoán?

[Thực hư quan ngại về nợ công Indonesia trước thềm bầu cử tổng thống]

Thị phần trong nước giảm

Theo thống kê từ Hãng nghiên cứu thị trường Statista của Đức, tổng sản lượng tiêu thụ bia của Việt Nam đạt 4 tỷ lít/năm 2017, trong đó sản lượng tiêu thụ của Sabeco đạt 1,791 tỷ lít (chiếm 44%). Điều này cho thấy, Công ty vẫn nắm vị trí dẫn đầu về sản xuất bia trong ngành. Tuy nhiên nhìn lại từ những năm trước, thị phần của SAB có dấu hiệu giảm nhẹ từ mức 45,8% tại năm 2015.

Trên thị trường nội địa, đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Sabeco là Heineken Việt Nam - VBL (với các nhãn hiệu Heineken, Tiger Beer, Larue Beer) đang có mức tăng trưởng ổn định. Bên cạnh đó, các nhà sản xuất bia khác như San Miguel và Foster cũng dần xác định chỗ đứng trên thị trường khi từng bước có được niềm tin của người tiêu dùng.

Báo cáo từ Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam cho thấy, sau khi nâng cấp đầu tư hệ thống công nghệ, năng suất được cải thiện cùng với hoạt động tiếp thị mạnh mẽ, đối thủ của Sabeco là Heineken Việt Nam đã giành 25% thị phần/năm 2017 (trước đó là 17,3%/năm 2015).

Để đối phó với những cạnh tranh khốc liệt trên thị trường, Sabeco tung ra sản phẩm cao cấp đầu tiên là Saigon Gold (vào tháng 8/2017) với mục tiêu nắm bắt nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng tại phân khúc Heineken Việt Nam luôn dẫn đầu.

Bên cạnh đó, bia của SAB cũng được xuất khẩu được sang 33 quốc gia trong năm 2017, với tổng khối lượng 28,6 triệu lít và cao hơn 4 lần so với năm 2016.

Theo Báo cáo tài chính, doanh thu bán bia của SAB đạt 29.838 tỷ đồng (tăng 13,3%/năm) và chiếm 87,3% doanh thu thuần (so với 86,4% năm 2016). Nhờ đó, lợi nhuận gộp của Công ty đạt được 8.866 tỷ, tăng 8,6% so với cùng kỳ và phù hợp với tốc độ tăng trưởng của doanh thu. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp đang giảm nhẹ từ mức 26,8%/năm 2016 xuống còn 25,9%/năm 2017.

Năm 2018, tỷ lệ thuế tiêu thụ đặc biệt của ngành bia tăng lên 65%, nhiều khả năng SAB sẽ phải điều chỉnh giá bán để bù đắp lại sự gia tăng này.

Cột mốc “tái cơ cấu”

Năm 2018, sự có mặt chính thức của Công ty Vietnam Beverage tham gia vào quản lý và tổ chức sản xuất đã đánh dấu một cột mốc quan trọng về tái cơ cấu và phát triển chiến lược kinh doanh của Sabeco trong dài hạn.

Theo đó, SAB có một chiến lược kinh doanh mới nhằm cải thiện hình ảnh thương hiệu Sabeco cũng như sự phát triển các dòng sản phẩm, nâng cao hiệu quả các chuỗi cung ứng, giảm chi phí hậu cần tại các kênh phân phối cần và tối ưu hóa trong quá trình sản xuất lên công suất 2 tỷ lít/năm.

Đánh giá tiềm năng của Sabeco trong giai đoạn mới, bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng tổ chức – Công ty Chứng khoán Sài Gòn cho hay, mặc dù sản lượng tiêu thụ bia của Sabeco có dấu hiệu suy giảm song vẫn được dự báo có mức tăng trưởng khoảng 5% /năm. Bên cạnh đó, các sản phẩm của SAB tiếp tục chiếm ưu thế ở khu vực thành thị và phân khúc tiêu chuẩn.

“Tầng lớp trung lưu đang phát triển cùng xu hướng đô thị hóa gia tăng là động lực chính cho tăng trưởng doanh thu dài hạn của SAB,” bà Phương nhận định.

Song, Sabeco cũng không tránh khỏi những áp lực cạnh trong khốc nghiệt giữa các nhà sản xuất trong ngành trong ngành. Và, xu thế tăng giá nguyên vật liệu từ thị trường quốc tế và việc thuế tiêu thụ đặc biệt tăng lên 65% cũng là những thách thức lớn đối với SAB.

“Thêm vào đó, dòng sản phẩm cao cấp tại SAB chưa phát triển mạnh để tiếp cận tới phân khúc người tiêu dùng trẻ có thu nhập cao,” bà Phương chỉ ra.

Trước những thách thức đến từ thị trường, SAB đặt mục tiêu trong năm 2018 với doanh thu 36.092 tỷ đồng doanh thu thuần (tăng 5,6%/năm) và 4.007 tỷ lợi nhuận ròng (giảm 19%/năm) và sản lượng bia ước đạt 1.803 tỷ lít (tăng 0,7%/năm) và tỷ lệ cổ tức 35% trên mệnh giá (tương đương năm 2017).

“Mặc dù kế hoạch tái cấu trúc của Sabeco là đầy tham vọng nhưng cũng  cần phải có thời gian để tỷ suất lợi nhuận kỳ vọng của Công ty có thể cải thiện trong tương lai. SAB đang trải qua quá trình tái cơ cấu lớn và là chất xúc tác cho tăng trưởng, do đó thời điểm tích lũy cổ phiếu dự kiến sớm nhất cũng là năm 2019,” trên cơ sở đó bà Phương đưa ra tính toán, sau khi trừ khoản ngân sách quỹ khen thưởng và phúc lợi 6%, chỉ số EPS (lợi nhuận/cổ phiếu) của SAB có thể đạt 6.496 đồng/năm 2018 và 7.089 đồng/năm 2019.

Hiện, giá bình quân của SAB trên thị trường là 200.000đồng/cổ phiếu, cho thấy mức P/E (tỷ số giá /thu nhập) là khoảng 31 lần/năm 2018. Với kế hoạch của Công ty, dự báo P/E sẽ điều chỉnh xuống khoảng 28 lần/năm 2019, song vẫn cao hơn so mức P/E đang giao dịch của các cổ phiếu trụ cột trong nhóm tiêu dùng, như VNM: 25x, KDC: 20x và MCH: 17x. Do đó, bà Phương đưa ra khuyến nghị mức nắm giữ cổ phiếu SAB tại giá mục tiêu 184.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng với P/E 27 lần./.

Tái cấu trúc đầy tham vọng: Cổ phiếu Sabeco có lấy lại vị thế? ảnh 2(Nhấp chuột vào ảnh để xem kích thước chuẩn.)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục