Chính sách thuế của Mỹ có "gậy ông đập lưng ông"?

Các doanh nghiệp Mỹ đang lo sợ trở thành nạn nhân tiếp theo của lời bình luận nổi tiếng của Tổng thống Mỹ hồi đầu năm nay là: “Chiến tranh thương mại là tốt và dễ dàng để giành chiến thắng."
Chính sách thuế của Mỹ có "gậy ông đập lưng ông"? ảnh 1Ôtô được xếp tại cảng ở Richmond, California, Mỹ ngày 24/5. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Khi cuộc chiến về thuế giữa Mỹ và Canada chưa có hồi kết, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump có tiếp tục thực hiện việc áp thuế 25% đối với ôtô nhập khẩu từ Canada hay không sẽ phụ thuộc vào kết quả một phiên điều trần tại Thượng viện Mỹ, rằng liệu xe ôtô nhập khẩu có phải là mối đe dọa an ninh quốc gia hay không?

Nếu bị áp thuế thì không chỉ các công ty Canada bị tổn thất mà chính các doanh nghiệp Mỹ cũng sẽ trở thành nạn nhân.

Đây là phân tích của Don Pittis - phóng viên cao cấp của Hãng tin CBC News đăng trên trang web của Hãng cuối tuần vừa qua.

Bài viết cho biết các doanh nghiệp Mỹ đang lo sợ trở thành nạn nhân tiếp theo của lời bình luận nổi tiếng của Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi đầu năm nay là: “Chiến tranh thương mại là tốt và dễ dàng để giành chiến thắng.”

Chính vì thế, ngay trước khi có phiên điều trần, Liên minh các nhà sản xuất ôtô của Mỹ đã viết một bức thư gửi tới Tổng thống Trump đề nghị ông từ bỏ việc áp thuế này.

Liên minh các nhà sản xuất ôtô Mỹ cho biết, ngành công nghiệp ôtô Bắc Mỹ là ngành tích hợp cao, nơi các bộ phận của một chiếc xe vượt qua phạm vi biên giới một quốc gia.

Tác động của kế hoạch thuế quan sẽ làm xáo trộn các mô hình thương mại này, buộc các thành viên phải tìm nhà cung cấp mới trong nước và tăng giá để trang trải các chi phí bổ sung.

Ngay cả khi khu vực Bắc Mỹ có thể điều chỉnh các nguồn mới, chính sách thuế vẫn có thể khiến toàn bộ các quốc gia sản xuất ôtô xuất khẩu vào Mỹ bị suy thoái.

Trong bức thư gửi tới Tổng thống Trump, Liên minh các nhà sản xuất ôtô Mỹ viết: “Việc tăng thuế đối với ôtô và phụ tùng ôtô sẽ là một khoản thuế lớn đối với người tiêu dùng khi mua mới hoặc sử dụng dịch vụ đối với xe hơi, dù là xe nhập khẩu hay sản xuất trong nước. Những chi phí cao hơn chắc chắn sẽ dẫn đến giảm doanh thu và mất việc làm của người Mỹ, cũng như tăng chi phí dịch vụ và sửa chữa xe.” 

[Thuế quan zero: Cái nhìn công bằng hơn cho Tổng thống Trump?]

Chính vì những tổn thất do chính sách thuế này sẽ gây ra nên Phòng Thương mại Mỹ cũng đã lên tiếng phản đối việc thực hiện chính sách thuế quan này.

Không chỉ với ngành sản xuất ôtô, chính sách thuế vừa qua của Tổng thống Trump cũng đã gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế Mỹ.

Ví dụ về thuế thép và nhôm gần đây do chính quyền Trump áp đặt, trong khi các nhà sản xuất thép, nhôm của Mỹ có thể hưởng lợi khi thuế quan đẩy giá hàng hóa nước ngoài tăng lên, nhưng những lợi ích này lại bị giảm do chi phí đối với các ngành khác đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt hoặc tăng giá các thành phần thiết yếu.

Các nhà sản xuất trong nước của Mỹ không sản xuất đủ để thay thế hàng nhập khẩu hiện nay và chi phí của họ cao hơn nhiều. Ngành công nghiệp bia của Mỹ bị ảnh hưởng bởi chi phí mua lon nhôm tăng.

Cũng tương tự, cuộc chiến thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc khiến nhiều người tiêu dùng Trung Quốc bắt đầu tẩy chay thương hiệu Mỹ.

Một nghiên cứu mới được tiến hành bởi tờ Financial Times đã đưa ra kết quả điều tra cho biết 54% trong số 2.000 người được hỏi ở 300 thành phố trên khắp Trung Quốc “sẽ có thể” hoặc “chắc chắn” ngừng mua hàng hóa mang nhãn hiệu Mỹ.

Trong khi đó, nông dân trồng đậu nành và ngô của Mỹ phải chuyển đổi trồng hoa màu khác và tìm nơi khác để xuất khẩu vì không thể xuất khẩu được sản phẩm vào thị trường Trung Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục