Gian lận thi THPT: 'Người dân không thấy Bộ trưởng nhận trách nhiệm'

'Tại sao quy trình ngày càng hoàn thiện' mà lại xảy ra tiêu cực lớn như vậy, lỗ hổng lớn như vậy? Gian lận không chỉ xảy ra ở một tỉnh mà là vài tỉnh," nguyên đại biểu Quốc hội khoá 13 Bùi Thị An nói.
Gian lận thi THPT: 'Người dân không thấy Bộ trưởng nhận trách nhiệm' ảnh 1Đại biểu Quốc hội khoá 13 Bùi Thị An. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Gian lận thi trong Kỳ thi Trung học phổ thông Quốc gia 2018 tại Hà Giang, Sơn La đang gây chấn động dư luận cả nước khi có quy mô lớn, có sự tham gia của lãnh đạo các sở giáo dục và đào tạo.

Tuy nhiên, tối ngày 25/7, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã có phát biểu trả lời báo chí khẳng định quy trình tổ chức thi ngày càng hoàn thiện.

Phóng viên VietnamPlus đã có trao đổi với bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khoá 13, đoàn Hà Nội, xung quanh vấn đề này.

- Thưa bà, bà nhận định thế nào về những tiêu cực thi Trung học phổ thông quốc gia 2018 xảy ra tại Hà Giang, Sơn La?

Bà Bùi Thị An: Trước tiên, phải khẳng định việc đưa tổ chức kỳ thi về địa phương là tốt vì đã giảm được áp lực cho học sinh, phụ huynh trong việc phải đi lại xa xôi, vất vả, tốn kém để dự thi như trước đây.

Tuy nhiên, thi là để đánh giá kiến thức của học sinh, phân loại học sinh, làm sao phải đánh giá thật khách quan, nếu thi không đánh giá được khách quan, chính xác năng lực học sinh thì mục tiêu của cuộc thi đã không đạt được. Sự việc xảy ra tại Hà Giang là vô cùng đáng tiếc, nhất là trong lĩnh vực giáo dục.

Các em học sinh vừa 17, 18 tuổi, tâm hồn đang rất trong trẻo, nhưng những gian lận thi cử có tổ chức với quy mô như vậy đã làm cho học sinh cảm thấy bất công, mình học giỏi nhưng điểm không bằng các bạn học kém hơn. Ngay trong giai đoạn định hướng bước vào đời, thay vì giúp các em hình thành phẩm cách tốt, người ta đã gieo vào tâm hồn trong trẻo của các em những điểm tối. Như thế, mục tiêu giáo dục đạo đức, hình thành nhân cách cho học sinh đã không đạt được.

[Gian lận thi THPT tại Sơn La: Quá tinh vi, gây khó khăn trong điều tra]

Với những tiêu cực thi cử như ở Hà Giang, Sơn La là vừa không đạt được mục tiêu kỳ thi, vừa không đạt mục tiêu giáo dục. Kỳ thi đã không đánh giá đúng năng lực học sinh, không khách quan, không công bằng và đánh mất niềm tin với xã hội, với nhân dân, với học sinh, với cả những em được can thiệp nâng điểm. Đó là điều vô cùng đáng tiếc.

Trong chuyện này, cũng có lỗi của một số phụ huynh khi con mình học kém lại muốn có kết quả thi cao để vào trường tốt. Sai lầm của phụ huynh đã góp phần nảy sinh tiêu cực. Đó là một tâm lý vô cùng xấu, khiến học sinh không tự lập, gieo sự không trong sạch trong bước đi tới của các em, có thể làm ảnh hưởng đến nhân cách của chính con em họ, nhưng học sinh còn non trẻ mới chập chững vào đời. Tất nhiên, tôi vẫn xin khẳng định lại, trách nhiệm chính là của ngành giáo dục.

Gian lận thi THPT: 'Người dân không thấy Bộ trưởng nhận trách nhiệm' ảnh 2Những gian lận trong Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2018 đã làm mất niềm tin của học sinh, phụ huynh và xã hội. (Ảnh minh họa/TTXVN)

- Theo bà, phải làm thế nào để khắc phục những tiêu cực đó?

Bà Bùi Thị An: Trước hết phải làm rõ nguyên nhân nào đã dẫn đến những tiêu cực đó, do quy trình tổ chức còn có kẽ hở, do giám sát thiếu chặt chẽ… Chỗ nào hổng phải xử lý chỗ đó, để có một quy trình chặt chẽ khó có thể can thiệp được.

Đáng tiếc là trong vụ việc này đã cho thấy những người làm trong ngành giáo dục đã bị nhuốm bẩn, trong khi đáng lẽ ra họ phải là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Học sinh đang trong giai đoạn hình thành nhân cách nên nhà giáo có ảnh hưởng rất lớn đến các em. Vì thế, hình ảnh nhà giáo xấu xí, với nhân cách không tốt, sẽ có tác động tiêu cực đến hình thành nhân cách học sinh.

Bên cạnh đó, phải xem xét lại cả hệ thống, đầu tiên là từ khâu quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Tối qua, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã lên tiếng khẳng định là quy trình ngày càng hoàn thiện, thưa bà?

Bà Bùi Thị An: Phải thừa nhận việc tổ chức thi đã có chuyển biến. Bộ trưởng nói việc đưa kỳ thi về địa phương là một chủ trương đúng. Đúng là nó đã gỡ cho học sinh, phụ huynh nhiều cái khó trong di chuyển.

Nhưng mới chỉ đúng chứ chưa đủ, còn phải kèm theo khâu tổ chức được thực hiện như thế nào?

[Hà Giang: Thí sinh được ‘phù phép’ tăng 29,95 điểm so với điểm thật]

Nếu Bộ trưởng nói “mong phấn đấu quy trình tổ chức thi ngày càng hoàn thiện” thì được, nhưng việc Bộ trưởng khẳng định “quy trình ngày càng hoàn thiện” khiến cho người nghe không thể không phản ứng, ngay cả bản thân tôi cũng vậy.

Nói như thế liệu đã chuẩn chưa? Tại sao "quy trình ngày càng hoàn thiện" mà lại xảy ra tiêu cực lớn như vậy, lỗ hổng lớn như vậy? Gian lận không chỉ xảy ra ở một tỉnh mà là vài tỉnh.

Bộ trưởng có nói vấn đề là do con người vận hành, nhưng con người cũng là một thành phần trong quy trình tổ chức thi và việc lựa chọn con người tham gia tổ chức thi là của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Người dân cũng không thấy Bộ trưởng nhận trách nhiệm cá nhân. Quan điểm của tôi là với sự việc lớn như vậy, dù xảy ra ở địa phương, thì người trưởng ngành phải chịu trách nhiệm cá nhân trước nhân dân, trước Đảng, trước Quốc hội. Rõ ràng, đồng chí ngồi ở vị trí đó, đồng chí được giao nhiệm vụ quản lý cả nước trong lĩnh vực giáo dục thì đồng chí phải chịu trách nhiệm, còn chuyện phân cấp, xảy ra ở đâu, thì đó vẫn là cấp dưới của đồng chí.

- Xin cảm ơn bà!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục