Thi THPT quốc gia: Nên tách thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học?

"Có thể thấy, với cả hai mục tiêu, kỳ thi đều chỉ gánh một phần. Việc xét tốt nghiệp do học bạ là chính, đề khó tỷ lệ đỗ vẫn cao. Tuyển sinh đại học thì phụ thuộc vào sự chủ động của các trường."
Thi THPT quốc gia: Nên tách thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học? ảnh 1Thí sinh dự thi trung học phổ thông quốc gia. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Thông tin tiêu cực thi Trung học phổ thông quốc gia tại Hà Giang, Sơn La đang gây chấn động dư luận. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã huy động lực lượng cán bộ các trường đại học về các địa phương để tham gia công tác thi và chấm thi, cử lực lượng thanh tra cắm chốt, công an túc trực tại các hội đồng chấm thi, nhằm đảm bảo kỳ thi an toàn, nghiêm túc. Tuy nhiên, gian lận thi cử vẫn xảy ra rất nghiêm trọng.

Nhiều ý kiến đặt ra về việc có nên tổ chức một kỳ thi quy mô nhưng thiếu trung thực như vậy nữa hay không?

Phóng viên VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với tiến sỹ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Đại học FPT.

Nên tách hai kỳ thi

- Thưa tiến sỹ Lê Trường Tùng, quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?

Tiến sỹ Lê Trường Tùng: Năm nay là năm thứ 5 thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục. Kể cả không xảy ra việc ở Hà Giang vẫn phải xem lại tính chất của cuộc thi và công sức mình bỏ ra có để tổ chức thi đã đạt được mục tiêu mình mong muốn hay không.

Kỳ thi được xác định có hai mục đích là dùng kết quả để xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.

[Lạng Sơn không phát hiện sai phạm trong chấm thi, Bộ Giáo dục nói gì?]

Với mục tiêu xét tốt nghiệp thì về lý thuyết, kỳ thi chỉ quyết định 50%, còn cộng thêm 50% số điểm từ học bạ. Tuy nhiên, trên thực tế, nếu điểm học bạ của thí sinh ở lớp 12 là 5 điểm thì tỷ lệ này mới đúng là 50-50. Nếu điểm học bạ của thí sinh càng cao thì vai trò xét tốt nghiệp từ điểm thi trung học phổ thông càng giảm. Giả sử, nếu điểm tổng kết năm lớp 12 của thí sinh là 7 điểm, thì điểm thi trung học phổ thông chỉ có vai trò 30%.

Cũng chính vì điểm thi có vai trò mờ nhạt trong xét tốt nghiệp, trong khi Bộ Giáo dục và Đào tạo lại không tin tưởng vào điểm tổng kết ở các trường phổ thông, nên xét tốt nghiệp không có phân loại khá, giỏi, trung bình như trước đây mà chỉ có đỗ và trượt.

Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của năm nay là gần 97,6%. Tỷ lệ trượt là gần 2,4%.

Một kỳ thi lớn, quy mô, cuối cùng chỉ để phân biệt 97,6% và hơn 2% còn lại. Chúng ta phải bỏ ra quá nhiều công sức chỉ để loại một số rất nhỏ, bị điểm liệt, là những em học không tốt nhưng thầy cô vẫn cố cho lên lớp 12.

Thi THPT quốc gia: Nên tách thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học? ảnh 2Tỷ lệ thí sinh đỗ, trượt tốt nghiệp trung học phổ thông qua các năm 

Với mục tiêu xét đại học, một trường có thể có nhiều hình thức tuyển sinh. Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh có thi riêng, có một phần tuyển thẳng từ tốp 100 trường trung học phổ thông hàng đầu cả nước, một phần tuyển theo điểm kỳ thi quốc gia. Nhiều trường tiến hành song song cả xét học bạ và điểm kỳ thi quốc gia.  

Cách thức tuyển sinh dựa theo các môn học phổ thông là cách cổ điển, kém phát triển, kiểm tra chuyện nắm bắt và vận dụng kiến thức phổ thông trong khi đại học, về bản chất phải là tìm người có tố chất phù hợp với ngành đào tạo.

Các trường trong quá trình dạy đều biết để học tốt ngành học này thì thí sinh cần phải có tố chất gì và cần chọn người phù hợp với ngành sẽ học, chứ không phải chọn người học phổ thông càng giỏi càng tốt. Số ngành học thì có rất nhiều và học phổ thông giỏi chưa chắc phù hợp.

Ví dụ học đồ họa thì đòi hỏi có năng khiếu về đồ họa, phổ thông không có môn tương ứng. Học lập trình đòi hỏi tư duy logic, mô đó không dạy ở phổ thông.

Vì thế, bắt đầu có các trường đặt thêm khâu thi tuyển năng khiếu, như Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh…

Trong bối cảnh đó để thấy vai trò của kỳ thi với việc xét tuyển đại học đang ngày càng mờ nhạt.

Có thể thấy, với cả hai mục tiêu, kỳ thi đều chỉ gánh một phần. Việc xét tốt nghiệp do học bạ là chính, đề khó tỷ lệ đỗ vẫn cao. Tuyển sinh đại học thì phụ thuộc vào sự chủ động của các trường.

Vì thế, tôi cho rằng nên tách hai kỳ thi này.

Thi THPT quốc gia: Nên tách thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học? ảnh 3Tiến sỹ Lê Trường Tùng. (Ảnh: FPT)

Miễn thi tốt nghiệp cho 80% thí sinh?

- Cụ thể là khi tách ra thì việc xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học sẽ được thực hiện thế nào, thưa ông?

Tiến sỹ Lê Trường Tùng: Trước hết, với việc xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông, chương trình phổ thông là chương trình thống nhất toàn quốc, nên xét công nhận tốt nghiệp phổ thông, về mặt nguyên tắc cũng cần phải thống nhất.

Tuy nhiên, với tỷ lệ gần 100% học sinh đỗ tốt nghiệp như hiện nay, việc tổ chức một kỳ thi cho tất cả các em là không cần thiết. Nếu một thí sinh chắc chắn đỗ và không cần phân biệt đỗ loại gì, thì không nên bắt các em phải thi.

[Xem xét trách nhiệm 2 cán bộ vắng mặt khi chấm thi ở Hà Giang]

Nhiều ý kiến cho rằng, nếu chỉ xét mà không thi thì có thể học sinh sẽ không chịu học. Tôi đề xuất phương án mới, để học sinh muốn không phải thi thì phải học, đó là chỉ tổ chức thi cho 20% học sinh có học lực thấp nhất và miễn thi, xét tốt nghiệp cho 80% học sinh tốp cao hơn. Như vậy, để vào tốp được miễn thi, đặc cách, các em sẽ phải cố gắng học tập.

Ngoài ra, việc này cũng sẽ khiến các học sinh phải tự giám sát kết quả xét phân định nhóm thi và không thi.

Khi chỉ phải tập trung cho 20% thí sinh còn lại, thì khối lượng công việc giảm đi rất nhiều, từ khâu tổ chức thi đến chấm thi. Việc tập trung nguồn lực để đảm bảo kỳ thi an toàn, nghiêm túc, khách quan cũng vì thế mà có thể thực hiện được tốt hơn. Điều này vẫn thực hiện đúng yêu cầu của Luật Giáo dục là tổ chức thi để xét tốt nghiệp trung học phổ thông.

Về xét tuyển đại học, nhiều trường xét tuyển dựa trên điểm thi trung học phổ thông, đó là vì họ có chỗ dựa. Nhưng nếu không còn chỗ dựa, họ sẽ vẫn tự tổ chức được.

Tất nhiên, với sự hậu thuẫn của công nghệ thông tin và trong giai đoạn hiện hay, việc tổ chức thi tuyển chắc chắn sẽ nhẹ nhàng và thuận lợi hơn chứ không phải quay lại trường nào tự trường đó tổ chức thi, gây vất vả và tốn kém cho thí sinh như trước đây.

Nếu Bộ buông thì các trường sẽ tự lo được hết. Năm nay, một số trường như Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức thi riêng.

- Tuy nhiên, việc thay đổi đó cũng cần có lộ trình để thí sinh, phụ huynh và cả các trường chuẩn bị. Vậy theo ông, trước mắt, Bộ cần có những điều chỉnh gì để khắc phục tình trạng tiêu cực hiện nay?

Tiến sỹ Lê Trường Tùng: Giải pháp trước mắt hiện nay là Bộ nên tổ chức chấm thi tập trung theo từng cụm, giao cho các trường đại học phụ trách. Như vậy, sẽ đảm bảo được tính khách quan, an toàn, nghiêm túc./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục