17 đội Việt Nam tham dự Cuộc thi Learning Across Borders toàn cầu 2018

Ngày 21/7, tại trường Đại học Sư Phạm Hà Nội đã diễn ra Cuộc thi Learning Across Borders (LAB) toàn cầu 2018 với sự tham dự của 81 đội thuộc 11 quốc gia.

Việt Nam có 17 đội tham gia cuộc thi, đến từ các trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông trên khắp cả nước.

Chú thích ảnh
Đội Trường Trung học cơ sở Dịch Vọng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) với công trình nghiên cứu về ô nhiễm môi trường nước và các tác hại của nó đối với hệ sinh thái, đối với cuộc sống của con người.

Với chủ đề "Humans: Incorporating ourselves into nature" - Con người hòa mình với thiên nhiên, các đội thi đã mang tới cuộc thi những phát minh thiết thực liên quan đến sự kết nối giữa con người và thế giới tự nhiên.


Điển hình như: Công trình nghiên cứu của nhóm học sinh lớp 7E trường Trung học cơ sở Dịch Vọng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) về ô nhiễm môi trường nước và các tác hại của vấn đề ô nhiễm môi trường nước đối với hệ sinh thái, đối với cuộc sống của con người; Công trình sáng tạo ra sản phẩm lát nền làm từ thân, lá cây dứa kết hợp với hạt nhựa của đội đến từ Thái Lan; Công trình nghiên cứu về bệnh ghẻ và các phương pháp chữa bệnh bằng các loại lá cây của nhóm học sinh trường Trung học phổ thông Ngô Quyền (huyện Ba Vì, Hà Nội); Công trình nghiên cứu đặc tính và cách bảo vệ loài quạ của các học sinh đến từ Trung Quốc…


Tại cuộc thi toàn cầu, học sinh trình bày những phát hiện của mình cho nhiều nhóm người, bao gồm các giáo viên và sinh viên khác, nhưng chỉ có ban giám khảo gồm các nhà khoa học tự nhiên, các nhà giáo dục hoặc các chuyên gia tham gia đánh giá.


Ban giám khảo sẽ đặt câu hỏi để xác định sự hiểu biết của học sinh về công việc của mình, cách các em tiến hành nghiên cứu và cách tác động của dự án. Mục đích chính của quá trình đánh giá là đưa ra phản hồi mang tính xây dựng cho cả sinh viên và người cố vấn của các em về dự án các em thực hiện.

Chú thích ảnh
Công trình nghiên cứu về căn bệnh ghẻ và các phương pháp chữa bệnh bằng lá cây của học sinh trường Trung học phổ thông Ngô Quyền (huyện Ba Vì, Hà Nội).

Em Vũ Thị Hà Anh, học sinh lớp 7E trường Trung học cơ sở Dịch Vọng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, em và bạn cùng nhóm đã trực tiếp lấy mẫu nước từ hồ Nghĩa Tân và sông Tô Lịch mang đi xét nghiệm, tính toán các thông số như độ dẫn, độ pH, độ DO và độ COD để tìm ra được nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường. Sự khác nhau về các thông số giữa hai nguồn nước cũng được các em phân tích kỹ, từ đó đưa ra lời cảnh báo đối với người dân về vấn đề ô nhiễm môi trường nước.


“Cũng như nhiều cuộc thi tìm hiểu về biến đổi khí hậu, chống ô nhiễm môi trường của các anh chị lớp trên, trong cuộc thi này, chúng em nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của Ban giám hiệu nhà trường. Đây chính là sự động viên, cổ vũ rất lớn cho chúng em tự tin với phần thuyết trình trước các giám khảo quốc tế”, em Vũ Thị Hà Anh cho biết thêm.


Cô giáo Vũ Bích Phương, trường Trung học cơ sở Dịch Vọng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, để vào được vòng thi toàn cầu, các đội phải trải qua 2 vòng khi của khu vực. Nhiều công trình dự thi của học sinh đã thực sự gây bất ngờ cho Ban giám khảo về độ sáng tạo, tính thực tiễn cũng như khả năng thuyết trình bằng tiếng Anh của các em.

Chú thích ảnh
Ban Giám hiệu và các giáo viên Trường Trung học cơ sở Dịch Vọng (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cổ vũ các học sinh tham dự cuộc thi.

Learning Across Borders (LAB) là một chương trình giáo dục phi lợi nhuận tập trung vào học sinh và nhà giáo dục từ nhiều quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Chương trình tập trung vào việc thúc đẩy bốn nguyên tắc chuyên đề: Khoa học môi trường, Học tập theo dự án, Kỹ năng lãnh đạo và Hướng tới đa văn hóa.


Chương trình hướng tới việc chuyển đổi các hệ thống giáo dục thành các hệ thống giáo dục lấy học sinh làm trung tâm, toàn diện và thực hành, được điều khiển bởi một mạng lưới các nhà giáo dục có cùng quan điểm.


Dự kiến, ngày 24/7, Ban tổ chức cuộc thi sẽ công bố kết quả và trao giải cho những công trình xuất sắc.

Tin, ảnh: Thu Trang
Không tăng học phí để bù vào nghiên cứu khoa học
Không tăng học phí để bù vào nghiên cứu khoa học

Ngày 18/7, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các bộ ngành, cơ sở giáo dục đại học về dự thảo Nghị định của Chính phủ về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN