Tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở thanh thiếu niên Việt Nam giảm mạnh

Mỗi năm trên thế giới có khoảng 7 triệu ca tử vong do các căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá trong đó con số của Việt Nam là khoảng 40.000 ca tử vong/năm.
Tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở thanh thiếu niên Việt Nam giảm mạnh ảnh 1Đoàn thanh niên Bộ Y tế hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Điều tra toàn cầu năm 2014 về tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh từ 13-15 tuổi cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu ở thanh thiếu niên Việt Nam giảm từ 3,3% năm 2007 xuống 2,5% năm 2014.

Bênh cạnh đó, tỷ lệ hút thuốc lá thụ động trong học sinh giảm từ 66,5% năm 2007 xuống 47,7% năm 2014.

[Khói thuốc: Những lời hối hận muộn màng]

Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Giám đốc Qũy phòng chống tác hại thuốc lá cho hay, những con số trên cho thấy hiện nay việc sử dụng thuốc lá đang được ngăn chặn và có xu hướng giảm trong học sinh.

62/63 tỉnh vào cuộc mạnh mẽ

Phân tích về tác hại của thuốc lá gây ra với sức khỏe con người, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay, trên thế giới, theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm trên thế giới có khoảng 7 triệu ca tử vong do các căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Tại Việt nam, mỗi năm có khoảng 40.000 ca tử vong do các căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá.

Tại Việt Nam, số trường hợp tử vong do các bệnh không lây nhiễm chiếm 73% tổng số ca tử vong do bệnh tật và thương tích, mà một trong những nguyên nhân là do tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao.

Chính vì vậy, thời gian qua, công tác phòng chống tác hại của thuốc lá cũng đang được Quốc hội, Chính phủ quan tâm thông qua các cam kết chính trị mạnh mẽ khi phê chuẩn Công ước Khung về kiểm soát thuốc lá, ban hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và cho phép thành lập Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá.

Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá đã ban hành và hiệu lực từ 01/5/2013. Thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành, các tổ chức chính trị xã hội và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố để thực hiện công tác phòng chống tác hại của thuốc lá tích cực và hiệu quả.

Sau hơn 4 năm thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá của thuốc lá, Quỹ phòng chống tác hại của thuốc lá của thuốc lá đã hỗ trợ kinh phí cho các bộ, ngành, các tổ chức chính trị xã hội các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá rộng khắp trong toàn quốc.

Hiện có 20 bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội và 62/63 tỉnh, thành phố thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tác hại của thuốc lá của thuốc lá.

Tại các tỉnh, thành phố, với sự ủng hộ của lãnh đạo, nhiều cơ quan, đơn vị đã đưa nội dung phòng, chống tác hại thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hàng năm; đưa quy định cấm hút thuốc nơi làm việc vào quy chế nội bộ của cơ quan, đơn vị.

Tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở thanh thiếu niên Việt Nam giảm mạnh ảnh 2Sinh viên tuyên truyền về Luật phòng, chống tác hại thuốc lá. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Đẩy mạnh môi trường không khói thuốc

Trong 4 năm qua, từ khi Luật phòng chống tác hại thuốc lá được ban hành, hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá đang ngày càng được triển khai rộng khắp.

Nhiều cơ quan, đơn vị và tỉnh, thành phố đã thực hiện rất tốt quy định về môi trường hoàn toàn không khói thuốc như Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, thành phố Hạ Long, thành phố Hội An, Đà Nẵng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk... Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện huyện Hải hậu (Nam Định). Nhiều khách sạn nhà hàng thực hiện tốt môi trường không khói thuốc. Chính vì vậy, tỷ lệ hút thuốc lá thụ động đã giảm nhanh ở nhiều địa điểm.

Công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Theo thống kê của Bộ Y tế, so với năm 2010, năm 2015 tỷ lệ hút thuốc trong nam giới trưởng thành giảm khoảng 2%; Tỷ lệ hút thuốc lá điếu của nam giới khu vực thành thị giảm được 6,5%.

Tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động giảm đáng kể tại hầu hết các địa điểm: Tại nơi làm việc giảm 13,3%, tại các trường đại học, cao đẳng giảm 16,4%, trên phương tiện giao thông công cộng giảm 15%, tại gia đình giảm 13,2%.

Kết quả này cho thấy ý thức tuân thủ quy định cấm hút thuốc và nhận thức về tác hại của thuốc lá trong cộng đồng ngày càng được nâng cao và Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá dần đi vào thực tiễn.

Bên cạnh những kết quả và những thuận lợi, công tác phòng chống tác hại thuốc lá còn gặp rất nhiều khó khăn vì thuốc lá là sản phẩm gây nghiện, giá thuốc lá còn rất rẻ và được bày bán khắp nơi, tạo điều kiện cho thanh thiếu niên và người nghèo dễ dàng tiếp cận và sử dụng thuốc lá.

Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá mặc dù đã được đẩy mạnh trong thời gian qua nhưng còn chưa thường xuyên.

Vì vậy Bộ Y tế kêu gọi các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo tăng cường thực thi Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá.

Bên cạnh đó các đơn vị cần đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ của các cơ quan, đơn vị; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ quy định cấm hút thuốc tại các nơi làm việc, trên các phương tiện giao thông công cộng, tại các khách sạn, nhà hàng và các địa điểm cấm hút thuốc khác theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá thuốc lá./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục