Xuất khẩu da giày vẫn phụ thuộc doanh nghiệp đầu tư nước ngoài

Xuất khẩu da giày, túi xách của Việt Nam liên tục tăng trưởng cao, từ 10,4 tỷ USD năm 2013 lên 17,96 tỷ USD năm 2017 và thị trường cũng được mở rộng lên 100 nước.
Xuất khẩu da giày vẫn phụ thuộc doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ảnh 1Sản xuất giày xuất khẩu. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Xuất khẩu da giày, túi xách của Việt Nam liên tục tăng trưởng cao, từ 10,4 tỷ USD năm 2013 lên 17,96 tỷ USD năm 2017 và thị trường cũng được mở rộng lên 100 nước; trong đó, có 72 nước nhập khẩu có giá trị từ 1 triệu USD trở lên.

Điều đó cho thấy, sản xuất, xúc tiến thương mại của các doanh nghiệp da giày Việt Nam đã đáp ứng được yêu cầu của thị trường thế giới cùng với việc giao lưu thương mại của Việt Nam không ngừng tăng lên.

Thuận lợi lớn, nhưng khó khăn của ngành da giày, túi xách cũng không hề nhỏ khi thế giới đang "nín thở" theo dõi cuộc chiến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu; trong đó có Việt Nam.

Nhiều xung lực

Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày và túi xách Việt Nam (Lefaso) nhận xét, hoạt động xuất khẩu của ngành da giày Việt Nam đang tăng trưởng ổn định, có nhiều tín hiệu tốt trong 6 tháng cuối năm nay và những năm tiếp theo.

Dự báo kinh tế thế giới năm nay có xu hướng tích cực nên nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… sẽ tốt hơn năm ngoái.

Trung Quốc tiếp tục chủ trương giảm ưu đãi đầu tư trong lĩnh vực dệt may và da giày để tập trung cho các ngành công nghệ cao nên đơn hàng gia công giày dép, túi xách sẽ tiếp tục xu hướng chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam chờ cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) và Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đang được các nước xem xét phê chuẩn, ông Kiệt phân tích.

Theo Lefaso, ước tính 6 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành da giày đạt 9,45 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2017. Dự báo, tổng kim ngạch xuất khẩu da giày của năm nay sẽ đạt 19,5 tỷ USD, tăng 10% so với năm trước đó.

Đầu tư của doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực da giày tăng lên trong năm 2017 để đón đầu các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực. Đây chính là nguyên nhân xuất khẩu da giày của Việt Nam năm nay tiếp tục tăng nhờ xuất khẩu của khối FDI tăng, ông Kiệt đánh giá.

Tuy nhiên, một tác động quan trọng khác của “làn sóng” chuyển hướng sang thị trường Việt Nam của doanh nghiệp nước ngoài không chỉ đến từ tác động của các hiệp định thương mại tự do mà còn xuất phát từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ-Trung Quốc.

[Tạo đà để xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng mạnh hơn]

Ông Nguyễn Hữu Anh, Phó Giám đốc Công ty giày Phong Châu (Hà Nội) cho biết, thời gian qua có nhiều doanh nghiệp Mỹ, châu Âu, thậm chí cả doanh nghiệp Đài Loan (Trung Quốc) đang sản xuất tại Trung Quốc cũng đã tiến hành thăm dò để chuyển dịch sang Việt Nam.

Sự xáo động này sẽ thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam có thể "chớp" cơ hội để xúc tiến thương mại mạnh hơn, tạo đà tăng trưởng cho ngành da giày trong 6 tháng cuối năm nay và giai đoạn tới.

Nhiều công ty da giày hiện nay đang rất quan tâm thị trường Bắc Mỹ vì nhu cầu tiêu dùng tại Mỹ tăng và hàng Trung Quốc đang giảm sức cạnh tranh tại Mỹ.

Đợt áp thuế thứ hai của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc đã tác động lên các nhóm ngành khác, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng; trong đó có ngành dệt may nhưng vẫn chưa tác động đến ngày da giày.

Tuy nhiên, sự thăm dò thị trường Việt Nam nói trên đã phản ánh “nhạy cảm” của các doanh nghiệp nước ngoài trước sự kiện cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung Quốc.


Hãy cẩn trọng

Những vấn đề trên không chỉ là cơ hội mà còn là những thách thức khi nhiều doanh nghiệp da giày dự báo sẽ cạnh tranh mạnh mẽ về đất đai xây dựng nhà máy, lao động…, đầu tư ồ ạt sang Việt Nam.

Thậm chí, phía Lefaso còn cảnh báo nguy cơ có thể xảy ra tình trạng một số doanh nghiệp Việt Nam bị lợi dụng làm “bàn đạp” để xuất hàng chuyển tải bất hợp pháp (những sản phẩm da giày bán thành phẩm từ Trung Quốc chuyển về Việt Nam để thực hiện công đoạn cuối).

“Nguy cơ xảy ra rất cao vì khó kiểm soát do Việt Nam và Trung Quốc có đường biên giới chung. Song song đó, khi mà xuất khẩu sang Mỹ từ Việt Nam tăng đột biến thì chúng ta rất có thể sẽ bị đặt trước cuộc điều tra chống bán phá giá hay điều tra về áp thuế…

Do vậy cần phải theo dõi chặt chẽ để có những kiểm soát kịp thời để tránh xáo trộn thị trường,” ông Diệp Thành Kiệt nhìn nhận.

Hiện Mỹ là thị trường nhập khẩu da giày lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 37% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, xấp xỉ 18,1 tỷ USD của năm 2017.

Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan, tính đến ngày 31/5 vừa qua, ngành da giày Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường Mỹ, với kim ngạch đạt 2,8 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2017.

Dự báo từ đây cho đến hết năm nay, kim ngạch xuất khẩu da giày sang Mỹ sẽ đạt gần 8 tỷ USD.

Nhìn vào số liệu tăng trưởng của ngành da giày rất đáng mừng, nhưng tìm hiểu sâu hơn sẽ thấy, hiện Việt Nam có hơn 800 doanh nghiệp FDI sản xuất da giày, nhưng đã chiếm 65% kim ngạch xuất khẩu và các doanh nghiệp da giày lớn của Việt Nam lại ít quan tâm đến thị trường trong nước mà chỉ tập trung vào sản xuất gia công giày dép.

Do vậy, thị trường nội địa với quy mô khoảng 5 tỷ USD/năm cũng đang bị chi phối phần lớn bởi sản phẩm nước ngoài hoặc doanh nghiệp nước ngoài.

Xuất khẩu da giày vẫn phụ thuộc doanh nghiệp đầu tư nước ngoài ảnh 2Sản xuất giày xuất khẩu. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, các doanh nghiệp lớn cũng nên chú ý đến thị trường trong nước bởi các doanh nghiệp này đủ tiềm lực để xây dựng hệ thống phân phối, đây là khâu rất tốn kém và tốn nhiều công sức thiết kế.

“Các doanh nghiệp có thể tập trung vào sản phẩm với số lượng lớn như giày dép đồng phục dùng trong công sở, bảo hộ lao động, hay cặp sách dùng cho học sinh, nhân viên công sở.

Song song đó, là các ngành liên quan cần phải ưu tiên hơn nữa thúc đẩy cuộc vận động “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam,” bà Lê Việt Nga cho biết.

Một thách thức khác, theo ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Lefaso, tăng được sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam đang là vấn đề khi những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 lại là những thách thức của ngành da giày trong giai đoạn sắp tới.

Hiện nay, các doanh nghiệp áp dụng máy móc tiên tiến đã đạt 1,2 đôi/giờ lao động, trong khi năng suất trung bình của các doanh nghiệp Việt Nam mới được 0,7 đôi/giờ.

“Cái cần nhất hiện nay là doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi cách quản trị cơ bản trên nền tảng quản trị số và sản xuất phải tinh gọn thì mới theo kịp năng suất lao động của các nước trên thế giới.

Mục tiêu đặt ra làm doanh nghiệp Việt Nam có xây dựng năng suất lao động tối thiểu phải bằng 80-90% so với các công ty tiên tiến. Có như vậy, mới đủ sức cạnh tranh từ 3-5 năm tới vì sau đó, quá trình thay đổi về công nghệ quản trị, sản xuất tự động còn lên cao hơn nữa,” ông Thuấn cho hay.

Thời gian tới, phía Hiệp hội sẽ có kiến nghị với Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ về các giải pháp thúc đẩy ứng dụng công nghệ 4.0 vào các doanh nghiệp Việt Nam; trong đó, đặc biệt lưu ý đến những tác động của cuộc cách mạng này tới lao động và việc làm vì nếu không có những bước chuẩn bị để đào tạo thích nghi với công nghệ mới sẽ bị đào thải./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục