Điểm tên những thợ lặn anh hùng trong cuộc giải cứu đội bóng thiếu niên Thái Lan

Nhiệm vụ tưởng như bất khả thi đã hoàn thành: 13 thành viên đội bóng Thái Lan mắc kẹt trong hang Tham Luang đã được giải cứu an toàn. Đằng sau điều thần kỳ đó là nỗ lực to lớn của rất nhiều thợ lặn Thái Lan và quốc tế, những người anh hùng trong chiến dịch giải cứu.

Nỗ lực toàn cầu

Lực lượng giải cứu hùng hậu tham gia chiến dịch cứu đội bóng Wild Boars gồm các thợ lặn tới từ nhiều nước phối hợp cùng Hải quân Thái Lan.

Chú thích ảnh
Các thợ lặn nước ngoài tham gia chiến dịch giải cứu tại hang Tham Luang. Ảnh: AFP

Đội bóng mắc kẹt từ ngày 23/6 và được hai thợ lặn người Anh tìm thấy đầu tiên, nhưng nỗ lực giải cứu họ thực sự là một chiến dịch toàn cầu.

Rất nhiều thợ lặn Thái Lan và thế giới đã tham gia giải cứu đội bóng thiếu niên, trong đó một cựu thợ lặn Hải quân Thái Lan tên Saman Gunan đã thiệt mạng.

Theo CNN, trong đợt giải cứu đầu tiên ngày 8/7, có 13 thợ lặn nước ngoài cùng 5 thợ lặn Hải quân Thái Lan tham gia.

Tổng cộng có 110 thành viên SEAL Hải quân Thái Lan được triển khai tới hiện trường hang Tham Luang, gồm cả những người đang nghỉ phép và cựu thành viên đội tinh nhuệ.

Bên cạnh các tình nguyện viện, các nước đã cử đội chuyên gia tới Thái Lan. 17 thợ lặn cảnh sát Australia, 36 quân nhân từ Bộ chỉ huy Thái Bình Dương thuộc quân đội Mỹ, 6 chuyên gia giải cứu từ Bắc Kinh… đã tham gia chiến dịch giải cứu.

Bà Jessica Tait, quan chức phục trách các vấn đề công cộng thuộc Không quân Mỹ cho biết: “Đây là một chiến dịch giải cứu đa quốc gia do Thái Lan dẫn đầu, điều tuyệt vời là bạn thấy ở đây có người Mỹ, người Australia, Trung Quốc, Anh… Nó cho thấy khi quân đội các nước phối hợp cùng nhau, đó là vì thế giới thực sự”.

Thông tin về các thợ lặn hầu như không có nhiều. Sau đây chỉ là một vài người trong số đội thợ lặn lên tới cả trăm người tham gia chiến dịch ở hang Tham Luang.

John Volanthen và Richard Stanton

Giọng nói của thợ lặn người Anh John Volanthen là âm thanh đầu tiên mà 12 thành viên đội bóng cùng huấn luyện viên 25 tuổi nghe thấy sau 10 ngày bị mắc kẹt trong hang Tham Luang.

Chú thích ảnh
Hai thợ lặn John Volanthen và Richard Stanton. Ảnh: Telegraph

Ông là người đầu tiên nhìn thấy đội bóng nguyên vẹn ngồi trên khu vực khô ráo chờ cứu hộ.

Ông và đồng nghiệp là thợ lặn người Anh Stanton đã được giới chức Thái Lan kêu gọi tham gia cuộc giải cứu cùng với chuyên gia hang động người Anh Robert Harper.

Video khoảnh khắc thợ lặn Volanthen tìm thấy đội bóng (Nguồn: Facebook Hải quân Thái Lan)

Bộ ba tới Thái Lan ba ngày sau khi đội bóng mất tích.

Ông Volanthen, một cố vấn công nghệ thông tin, và ông Stanton, cựu lính cứu hỏa, đều là thành viên Đội Giải cứu Hang động Trung và Nam xứ Wales.

Richard Harris

Chú thích ảnh
Tiến sĩ Harris. Ảnh: Twitter

Tiến sĩ Harris tới từ thành phố Adelaide ở Australia. Ông có hàng chục năm kinh nghiệm lặn. Ông là người kiểm tra sức khỏe cho các thành viên đội bóng trong hang và xác nhận họ đủ sức khỏe để vượt chặng đường gian nan ra ngoài hang.

Nếu các em quá yếu, nỗ lực giải cứu bằng cách lặn ra ngoài sẽ quá nguy hiểm.

Theo thông tin trên báo chí, tiến sĩ Harris đã tham gia các cuộc thám hiểm lặn ở Australia, Trung Quốc, quần đảo Christmas và New Zealand. Được đào tạo chuyên ngành gây mê, ông cũng có kiến thức chuyên môn về y khoa thám hiểm và chiến dịch giải cứu.

Năm 2011, ông đã tìm lại được xác của người bạn là thợ lặn hang động giàu kinh nghiệp Agnes Milowka – người hết dưỡng khí trong khi tham gia một chuyến thám hiểm cực kỳ nguy hiểm ở Nam Australia.

Các thợ lặn người Anh đã đặc biệt đề nghị chính phủ Thái Lan mời ông Harris tới tham gia giải cứu đội bóng.

Đặc nhiệm SEAL Hải quân Thái Lan

Nhiều lực lượng đặc biệt của Thái Lan đã tham gia nỗ lực giải cứu. Đáng chú ý nhất là một bác sĩ tên là Pak Loharnshoon và ba thợ lặn chưa rõ danh tính đã tình nguyện ở lại bên cạnh các thành viên đội bóng sau khi tìm thấy họ tối 2/7.

Chú thích ảnh
Bốn thành viên cuối cùng rời hang Tham Luang. Ảnh: Facebook Hải quân Thái Lan

Trong video mà trang Facebook của lực lượng SEAL Hải quân Thái Lan đăng, có thể thấy bác sĩ Pak đang bôi thuốc cho các thành viên bị vài vết thương nhỏ.

Bốn người kể trên là những người cuối cùng rời hang tối 10/7 sau khi toàn bộ 13 người bị mắc kẹt đã ra ngoài an toàn.

Saman Gunan

Chú thích ảnh
Saman Gunan. Ảnh: BBC

Hạ sĩ quan Hải quân Saman Gunan, 38 tuổi là một thợ lặn Hải quân Thái Lan về hưu và tình nguyện tham gia nỗ lực giải cứu.

Anh bị bất tỉnh khi trên đường ra khỏi hệ thống hang động Tham Luang phức tạp. Anh đã ra vào hang liên tục từ ngày 6/7 để chuyển bình dưỡng khí vào.

Người lặn cùng anh đã cố gắng cứu nhưng không được. Thi thể Gunan đã được đưa ra khỏi hang.

Phát biểu với kênh BBC, vợ của thợ lặn Gunan nói: “Họ ca ngợi anh ấy là anh hùng vì anh ấy đúng là như vậy. Anh ấy thích giúp đỡ người khác, thích làm từ thiện và hoàn thành mọi việc”.

Thiếu tướng Hải quân Arpakorn cho biết khi nghe tin về cái chết của người thợ lặn giàu kinh nghiệm: “Chúng tôi sẽ không dừng nhiệm vụ, chúng tôi sẽ không để bạn chúng tôi hy sinh vô ích”.

Ben Reymenants

Chú thích ảnh
Ben Reymenants cùng Tỉnh trưởng Chiang Rai, ông Narongsak Osotthanakorn và thợ lặn Maksym Polejaka. Ảnh: Facebook của Reymenants

Ben Reymenants, người Bỉ, có một cửa hàng chuyên đồ lặn ở Phuket, Thái Lan. Anh là người tham gia nhóm thợ lặn phát hiện ra đội bóng đầu tiên vào tối 2/7.

Claus Rasmussen

Chú thích ảnh
Rasmussen đang ở trong hang Tham Luang: Ảnh:  Facebook của Paasi

Claus Rasmussen là một người Đan Mạch sống ở Thái Lan nhiều năm, làm việc cho nhiều trường dạy lặn khác nhau ở đây.

Anh hiện là hướng dẫn viên lặn làm việc tại công ty của Ben Reymenants – Blue Label Diving.

Anh đã lặn ở nhiều nước khắp châu Á và cũng làm việc ở một số quốc gia Đông Nam Á.

Mikko Paasi

Chú thích ảnh
Mikko Paasi. Ảnh: Facebook của Paasi

Thợ lặn người Phần Lan Mikko Paasi là sáng lập viên một trung tâm lặn trên đảo Koh Tao ở Thái Lan. Anh chuyên dạy lặn kỹ thuật, lặn hang động.

Ngày 2/7, ngày mà đội bóng Thái Lan được tìm thấy, vợ của Mikko đã viết trên Facebook rằng cô đã mua vé cho chồng bay tới Chiang Rai để gia nhập chiến dịch giải cứu vào đúng ngày kỷ niệm 8 năm đám cưới của họ.

Ivan Karadzic

Chú thích ảnh
Thợ lặn Ivan ngoài cửa hang. Ảnh: Skynews

Ivan Karadzic, một người Đan Mạch, chuyển tới đảo Koh Tao sống vài năm sau Paasi. Họ cùng điều hành trung tâm lặn trên đảo.

Phát biểu với BBC, ông cho biết đã rất sợ khi nhìn thấy thành viên đội bóng đầu tiên và thợ lặn tiến tới từ phía xa, vì ông không biết thợ lặn mang theo một đứa trẻ còn sống hay một thi thể. Khi nhận ra cậu bé đã an toàn, ông mới thở phào nhẹ nhõm.

Erik Brown

Chú thích ảnh
Erik Brown (trái), Mikko Paasi (giữa) và Claus Rasmussen (phải) sau khi chiến dịch kết thúc. Ảnh: Facebook của Paasi

Erik Brown người Canada là một hướng dẫn viên lặn kỹ thuật tới từ Vancouver.

Anh bắt đầu lặn cách đây hơn chục năm và đồng sáng lập Team Blue Immersion, một trường dạy lặn kỹ thuật ở Ai Cập.

Vào đêm 10/7, Erik viết trên Facebook rằng anh đã thực hiện 7 lần lặn trong 9 ngày với tổng số 63 giờ trong hang Tham Luang.

 

Thùy Dương/Báo Tin tức
Lý do Thái Lan không dùng tàu ngầm mini của tỷ phú Elon Musk trong cuộc giải cứu
Lý do Thái Lan không dùng tàu ngầm mini của tỷ phú Elon Musk trong cuộc giải cứu

Chiếc tàu ngầm mini vị tỷ phú người Mỹ Elon Musk gửi đến Thái Lan để hỗ trợ cuộc giải cứu các thành viên đội bóng và huấn luyện viên mắc kẹt trong hang Tham Luang đã không có cơ hội được sử dụng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN