Đại sứ Việt Nam tại Algeria đánh giá triển vọng hợp tác song phương

Đại sứ Việt Nam tại Algeria Phạm Quốc Trụ cho rằng chuyến thăm Việt Nam sắp tới của Bộ trưởng Ngoại giao Algeria là một hoạt động quan trọng góp phần tăng cường quan hệ Việt Nam-Algeria.
Đại sứ Việt Nam tại Algeria đánh giá triển vọng hợp tác song phương ảnh 1Đại sứ Việt Nam tại Algeria Phạm Quốc Trụ. (Nguồn: TTXVN)

Chuyến thăm Việt Nam trong các ngày 13-14/7 tới của Bộ trưởng Ngoại giao Algeria Abdelkader Messahel là một hoạt động quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, đặc biệt đánh dấu bước chuyển biến tích cực lên tầm cao mới của quan hệ hợp tác Việt Nam-Algeria.

Trên đây là khẳng định của Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Việt Nam tại Algeria Phạm Quốc Trụ với phóng viên TTXVN tại Algeria trong cuộc trao đổi về sự kiện này.

Theo Đại sứ Phạm Quốc Trụ, đây là sẽ là chuyến thăm chính thức đầu tiên của một Bộ trưởng Ngoại giao Algeria tới Việt Nam kể từ năm 2000. Dự kiến, Bộ trưởng Ngoại giao Messahel sẽ hội kiến với lãnh đạo cấp cao Việt Nam và hội đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh về tình hình và chính sách của mỗi nước, trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, cũng như về quan hệ hợp tác giữa hai nước và hai Bộ Ngoại giao.

Đánh giá về quan hệ song phương Việt Nam-Algeria hiện nay, Đại sứ Phạm Quốc Trụ nhấn mạnh trong những năm qua, quan hệ hợp tác giữa hai nước đã có những bước phát triển đáng ghi nhận trên một số lĩnh vực. Hai nước đã ký 12 hiệp định và gần 20 thỏa thuận, nghị định thư và bản ghi nhớ về hợp tác song phương trên các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế-thương mại, khoa học-kỹ thuật, văn hóa, thể thao, du lịch, tư pháp, bưu chính-viễn thông, kiểm dịch động thực vật, vệ sinh thú y, vận tải biển, giáo dục, đào tạo nghề, tài chính, nông nghiệp, xí nghiệp vừa và nhỏ...

Ủy ban Liên chính phủ do cấp Bộ trưởng hai bên đồng chủ trì được thành lập nhằm điều phối và thúc đẩy hợp tác song phương trên các lĩnh vực. Ủy ban này họp 2 năm/lần và tại kỳ họp lần thứ 11 (tháng 11/2017), hai bên đã nhất trí được nhiều biện pháp cụ thể thúc đẩy hơn nữa hợp tác trong thời gian tới.

Về hợp tác trong lĩnh vực chính trị-ngoại giao, Việt Nam và Algeria đã thiết lập và duy trì cơ chế tham vấn chính trị định kỳ cấp Thứ trưởng Ngoại giao. Các cuộc tham vấn này đã góp phần tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và phối hợp hoạt động tại các diễn đàn quốc tế, đồng thời tăng cường quan hệ và hợp tác song phương.

Hai nước cũng đã dành cho nhau quy chế miễn thị thực đối với hộ chiếu ngoại giao, hộ chiếu công vụ và miễn lệ phí thị thực đối với công dân của nhau; thành lập Nhóm Nghị sỹ hữu nghị của Quốc hội mỗi nước và Hội Hữu nghị nhân dân với nhiều hoạt động đa dạng nhằm tăng cường sự giao lưu và gắn kết giữa nhân dân hai nước.

Trong lĩnh vực kinh tế, Việt Nam và Algeria đã hợp tác đầu tư trong một dự án liên doanh khai thác dầu khí tại mỏ Bir Seba của Algeria. Liên doanh này đã bắt đầu khai thác thương mại từ năm 2015 với công suất 20.000 thùng/ngày. Hiện nay, liên doanh đang triển khai tiếp giai đoạn 2 của dự án để nâng công suất khai thác lên 40.000 thùng/ngày, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2019 đầu năm 2020. Đây là một dự án đầu tư khai thác dầu khí của Việt Nam ở nước ngoài được đánh giá là có hiệu quả tốt. Trong những năm gần đây, trao đổi thương mại giữa hai nước tăng mạnh.

Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Algeria đạt 233 triệu USD, năm 2016 là 271 triệu USD và đến năm 2017 là 281 triệu USD. Algeria hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam ở châu Phi. Ngoài ra, hoạt động xuất khẩu lao động của Việt Nam sang Algeria cũng phát triển khá tích cực. Hiện có khoảng 5.000 người Việt Nam đang làm việc tại Algeria, chủ yếu trong các công trường xây dựng.

Đánh giá về triển vọng hợp tác của Việt Nam và Algeria trong những năm tới, Đại sứ Phạm Quốc Trụ khẳng định với tiềm năng lớn của cả hai nước, dựa trên nền tảng quan hệ chính trị tốt đẹp và quyết tâm của lãnh đạo hai nước đưa mối quan hệ song phương lên một tầm cao mới, hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Algeria, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế-thương mại và xuất khẩu lao động, vốn là các lĩnh vực hai nước có nhiều tiềm năng hợp tác, sẽ có triển vọng phát triển mạnh mẽ hơn.

Tuy nhiên, Đại sứ cũng lưu ý tới những khó khăn, thách thức hiện nay cũng như trong tương lai đối với mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Algeria, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế và hợp tác lao động. Theo Đại sứ Phạm Quốc Trụ, hai nước cần khắc phục những trở ngại chủ yếu để tạo điều kiện cho phát triển hợp tác, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế và xuất khẩu lao động giữa Việt Nam và Algeria hiện nay cũng như trong tương lai.

Thứ nhất, đó là sự bất cập của khuôn khổ pháp lý hiện hành đối với hợp tác kinh tế giữa hai nước. Algeria hiện chưa phải là thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nên các quy định về kinh tế-thương mại của nước này có nhiều cản trở đối với thương mại, đặc biệt là các biện pháp cấm và hạn chế nhập khẩu hiện nay của Algeria đã và đang gây nhiều khó khăn cho xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường nước này. Trong khi đó, hiệp định thương mại mà Việt Nam ký với Algeria năm 1994 hầu như không có ý nghĩa thực tế đối với phát triển trao đổi thương mại giữa hai nước. Mặt khác, khuôn khổ pháp lý song phương hiện nay cũng thiếu các quy định cần thiết để khuyến khích và bảo hộ đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp.

Thứ hai, đó là sự thiếu thông tin, thiếu hiểu biết và thiếu quan tâm của các cơ quan hữu quan cũng như giới doanh nghiệp của hai nước về thị trường và đối tác tiềm năng của nhau ở mỗi nước. Và cuối cùng là thiếu đầu tư nguồn lực cần thiết của Nhà nước để hỗ trợ các chương trình, dự án hợp tác giữa hai nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục