Bước phát triển mạnh mẽ của Hà Nội sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính

09:25' - 08/07/2018
BNEWS Sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, Thủ đô tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, diện mạo với những thành tựu to lớn, toàn diện góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước...
Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Ảnh: Trọng Đạt - TTXVN

Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVI. 

* Nhiều kết quả nổi bật 

Một trong những nội dung chính của Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVI là thảo luận về Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận Hội nghị Trung ương 6 (khóa X) và Nghị quyết 15/2008/QH12 của Quốc hội (khóa XII) về điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính Thủ đô. 

Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn đã trình bày báo cáo này. Theo đó, sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính, Thủ đô tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ cả về quy mô, diện mạo với những thành tựu to lớn. 

- Kinh tế phát triển ổn định và đạt mức tăng trưởng khá 

Trong 10 năm qua, kinh tế Thủ đô phát triển ổn định và đạt mức tăng trưởng khá, không gian kinh tế được mở rộng, phát triển. Quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 10 năm (2008-2018) tăng gần 2 lần (năm 2017 đạt 519.568 tỷ đồng); thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt 86 triệu đồng (3.910 USD/người), gấp 2,3 lần so với năm 2008 (1.697 USD). 

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Lĩnh vực công nghiệp phát triển với tốc độ tăng trưởng khá, bình quân tăng 8,61%/năm; doanh thu năm 2017 đạt 6,5 tỷ USD, tăng 2,5 lần so với năm 2008. Ngành xây dựng phục hồi, giá trị tăng thêm đạt trung bình 7,18%/năm. Giá trị sản xuất trên 1ha đất nông nghiệp năm 2017 đạt 239 triệu đồng, gầp gần 2 lần năm 2008. 

Một số ngành dịch vụ có giá trị gia tăng lớn, trình độ cao, chất lượng cao tiếp tục phát triển như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, thông tin và truyền thông, du lịch - dịch vụ... Lĩnh vực thương mại tiếp tục được chú trọng phát triển, năm 2017, kim ngạnh xuất khẩu đạt 11,78 tỷ USD, gấp 1,7 lần năm 2008. Ngành du lịch phát triển nhanh, khách quốc tế tăng từ 1,3 triệu lượt năm 2008 tăng lên 4,95 triệu lượt năm 2017 (tăng 3,8 lần). Hà Nội nằm trong top 10 thành phố có tốc độ tăng trưởng du lịch nhaanh nhất thế giới. 

Bên cạnh đó, thu, chi ngân sách luôn bảo đảm theo dự toán trung ương và HĐND thành phố giao; môi trường đầu tư, kinh doanh từng bước được cải thiện, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng liên tục 5 năm liền kể từ năm 2012 (năm 2017 xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố và cao nhất từ trước tới nay). Hà Nội nằm trong tốp 10 thành phố năng động nhất thế giới. 

- Công tác quy hoạch, quản lý đô thị được quan tâm đầu tư 

Công tác quy hoạch, phát triển không gian, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật được đặc biệt chú trọng. Nhiều khu đô thị mới khang trang đã và đang hình thành; nhiều tuyến đường vành đai, trục hướng tâm, cầu được đầu tư. 

Quản lý đô thị, bảo vệ môi trường được tăng cường với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả như: trồng 1 triệu cây xanh, cấp nước sạch nông thôn, cải tạo sông hồ… 

Nhờ đó, quy mô và diện mạo đô thị của thành phố đã được mở rộng, thay đổi nhanh chóng theo hướng hiện đại, văn minh. 

- Đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới 

Hà Nội là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Đến hết năm 2017, đã có 4 huyện (Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức) được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới; toàn thành phố có 294/386 xã (chiếm 76,2%) đạt chuẩn nông thôn mới. Bộ mặt nông thôn được đổi mới, khởi sắc rõ rệt.Hệ thống chính trị ở nông thôn được củng cố, diện mạo nông thôn đổi mới. Đời sống vật chất và tinh thần của nông dân được cải thiện đáng kể, thu nhập bình quân năm 2017 đạt 38 triệu đồng/người (gấp 3 lần so với năm 2008). 

- Văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế đạt được nhiều kết quả quan trọng 

Theo đó, lĩnh vực văn hóa tiếp tục phát triển. Giá trị văn hóa truyền thống và những phong tục tập quán tốt đẹp ngày càng được duy trì và phát huy; Giáo dục và đào tạo được đổi mới, giữ vững lá cờ đầu của cả nước. Tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia đạt trên 60%; Khoa học-công nghệ tiếp tục được chú trọng; Công tác y tế và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân có nhiều tiến bộ. Nhiều kỹ thuật chuyên sâu trong chẩn đoán, điều trị được đưa vào sử dụng. 

Các vấn đề về an sinh xã hội được tập trung giải quyết hiệu quả; Tỷ lệ hộ nghèo còn 1,69% theo chuẩn mới. Công tác phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm. Năm 2017 trên địa bàn thành phố không còn thôn, xã đặc biệt khó khăn. 

- An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo 

Công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được tập trung chỉ đạo ngay từ những ngày đầu hợp nhất; bảo vệ an toàn các sự kiện chính trị diễn ra trên địa bàn; giải quyết kịp thời các tình huống phức tạp; đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm... 

Chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu của lực lượng vũ trang Thủ đô không ngừng được nâng lên. Năm 2011, lượng vũ trang Thủ đô đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng. 

Công tác đối ngoại, hợp tác phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế được mở rộng, ngày càng nâng cao được vị thế, vai trò của Thủ đô trong nước, khu vực và quốc tế. 

- Hệ thống chính trị ngày càng được củng cố 

Sau 10 năm hợp nhất, hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở được củng cố, kiện toàn, hoạt động có nhiều chuyển biến tích cực. Hà Nội đi đầu, gương mẫu, thực hiện nghiêm, có nhiều đổi mới, sáng tạo các chỉ thị, nghị quyết của trung ương. 

Năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp được tăng cường. Công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý của UBND các cấp có nhiều đổi mới theo hướng “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ hiệu quả", cải cách hành chính được coi là khâu đột phá để cải thiện môi trường đầu tư. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm được tập trung chỉ đạo... 

* Tiếp tục tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội 

Thảo luận tại Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVI về những thành tựu của Thủ đô trong 10 năm qua, các đại biểu đều thống nhất cho rằng, sự phát triển vượt bậc của Thủ đô trong 10 năm qua đã khẳng định tính đúng đắn, tầm nhìn chiến lược, ý nghĩa lịch sử, thực tiễn lâu dài của chủ trương mở rộng địa giới hành chính đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô. 

Tuy nhiên, bên cạnh ghi nhận những kết quả tích cực, các đại biểu cũng nhìn nhận những hạn chế còn tồn tại. Cụ thể, quy mô và tốc độ phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, vị thế của Thủ đô, nhất là tiềm năng, thế mạnh về không gian phát triển và nguồn lực đất đai; chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh còn thấp. Bên cạnh đó, công nghệ và trình độ quản lý sản xuất chậm đổi mới; chất lượng công tác quy hoạch còn hạn chế; xây dựng, quản lý phát triển đô thị chưa đáp ứng được yêu cầu; khoa học và công nghệ chưa phát huy được vai trò là động lực phát triển. Ngoài ra, công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành của bộ máy hành chính có nơi, lĩnh vực chưa thực sự quyết liệt, hiệu lực, hiệu quả chưa cao; tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội còn diễn biến phức tạp… 

Để phát huy những thành tựu, khắc phục các hạn chế, các đại biểu kiến nghị, thời gian tới, thành phố cần có cơ chế, chính sách đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, cần có giải pháp và chỉ đạo tập trung hơn về các đô thị vệ tinh; đầu tư nguồn lực để giải quyết các vấn đề môi trường (rác thải, nước sạch…); quan tâm đầu tư xây dựng các công trình văn hóa, trường học…; đầu tư nguồn lực để phát triển nông thôn mới…/. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục