Du lịch homestay: Những "trái ngọt" ở huyện miền núi Bá Thước-Thanh Hóa

07:30' - 08/07/2018
BNEWS Bá Thước là một trong những huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa đã và đang tập trung xây dựng các điểm đến hấp dẫn thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Bản Đôn (xã Thành Lâm, huyện Bá Thước) cuốn hút du khách ngay từ những khung cảnh thiên nhiên đầu tiên với những thửa ruộng bậc thang ngút tầm mắt, những nếp nhà sàn nằm ven chân đồi giữa những tán rừng xanh mát. Ảnh Hoa Mai - TTXVN

Phát triển du lịch cộng đồng theo hình thức homestay đang mở ra cơ hội cho người dân nhiều huyện miền núi ở xứ Thanh cải thiện thu nhập, xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế. Bá Thước là một trong những huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa đã và đang tập trung xây dựng các điểm đến hấp dẫn thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Nằm tại khu vực bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, mô hình phát triển du lịch cộng đồng ở bản Đôn, xã Thành Lâm được huyện UBND huyện Bá Thước chỉ đạo xây dựng điểm, từ đó nhân rộng ra các thôn, bản khác.

Bản Đôn cuốn hút du khách ngay từ những khung cảnh thiên nhiên đầu tiên trên đường tới các thôn với những thửa ruộng bậc thang ngút tầm mắt, những nếp nhà sàn nằm ven chân đồi giữa những tán rừng xanh mát.

Du khách sẽ lưu trú tại nhà dân, cùng lao động, nấu nướng, sinh hoạt để tự khám phá những nét văn hóa độc đáo trong đời sống sinh hoạt của người bản địa, hòa mình cùng phong cảnh nên thơ của những thửa ruộng bậc thang, tận hưởng khí hậu mát mẻ, hệ động thực vật phong phú của hàng nghìn ha rừng nguyên sinh trong dãy Pù Luông...
Ông Ngân Trung Sơn, Trưởng bản Đôn, xã Thành Lâm, huyện Bá Thước cho biết, Bản Đôn có 24/76 hộ làm du lịch cộng đồng theo loại hình homestay; trong đó 7 hộ đã đón khách thường xuyên và cho thu nhập ổn định, có thời điểm đạt 200 triệu đồng/năm. Năm 2017, bản Đôn đón được 19.000 lượt khách. Riêng 5 tháng đầu năm 2018, lượng khách đến bản Đôn đã xấp xỉ 10.000 lượt khách và chủ yếu là khách nước ngoài.
Để người dân tiếp cận với cách làm du lịch mới, các cấp, ngành, địa phương đã quan tâm xây dựng mô hình, mở nhiều lớp tập huấn về giữ gìn bản sắc các điệu khặp Thái, khèn bè, múa xòe, múa sạp, khôi phục và dạy dệt thổ cẩm cho người dân.

Bản Đôn đang phấn đấu trở thành bản nông thôn mới và là bản du lịch của huyện trong năm 2018. Tại bản Đôn đã có gần 30 hộ làm hàng rào cây xanh và có đủ 3 công trình: nước sinh hoạt, nhà vệ sinh và khu vực chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh.

 Bản Đôn vốn là một bản nghèo của huyện Bá Thước đã thay da đổi thịt nhờ phát triển du lịch cộng đồng. Ảnh Hoa Mai - TTXVN

Cách đây 9-10 năm, bản Đôn vẫn là một bản nghèo của huyện Bá Thước, nhờ phát triển du lịch cộng đồng, đến nay nhiều gia đình tại bản Đôn đã có của ăn của để, nhiều hộ mạnh dạn đầu tư vay vốn để phát triển du lịch cộng đồng.

Đơn cử như hộ gia đình anh Hà Văn Thược ở bản Đôn, xã Thành Lâm đã liên kết với Công ty Du lịch Amica Travel (Hà Nội), đầu tư hơn 2 tỷ đồng để dựng mới và sửa sang lại 5 căn nhà sàn, với 12 phòng nghỉ riêng dạng bungalow và khu nghỉ tập trung để đón tiếp khách du lịch.

Dù mới bắt đầu đón khách từ cuối năm 2017 đến nay, nhưng hộ gia đình anh Thược đã đón gần 500 lượt khách, chủ yếu là khách nước ngoài.
Anh Hà Văn Sỹ ở bản Hiêu, xã Cổ Lũng, huyện Bá Thước một trong những hộ gia đình có kinh nghiệm làm du lịch cộng đồng lâu năm cho biết, trước kia nguồn thu nhập chính của gia đình chỉ từ vài sào lúa, con lợn, con gà nên cuộc sống vô cùng vất vả, con cái không được học hành đến nơi đến chốn.

Mấy năm gần đây, được sự giúp đỡ của Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, của huyện, gia đình anh Sỹ bắt đầu làm du lịch cộng đồng. Khi mới tiếp cận mô hình gặp không ít khó khăn, nhưng vừa làm vừa học, đến nay kinh tế nhà anh Sỹ đã khấm khá hơn, có thêm tiền đầu tư mở rộng cơ sở lưu trú phục vụ du khách.
Theo ông Lò Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Bá Thước, huyện xác định phát triển du lịch cộng đồng là đòn bẩy không chỉ giúp người dân từng bước xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển; phấn đấu đưa huyện thoát nghèo vào năm 2020.
Để đạt mục tiêu trên, huyện đã xây dựng “Chương trình hành động phát triển du lịch đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” và Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng huyện Bá Thước đến năm 2025, tầm nhìn 2030”, trong đó giai đoạn 2018-2020, huyện phấn đấu phục vụ 40.000 lượt khách (lượt khách quốc tế chiếm tới 60%), doanh thu đạt 40 tỷ đồng.

Những năm gần đây huyện đã và đang tập trung đầu tư và nâng cấp cơ sở hạ tầng các điểm du lịch hiện có trên địa bàn, hệ thống đường giao thông tới các điểm du lịch.

 Du khách sẽ lưu trú tại nhà dân, cùng lao động, nấu nướng, ăn uống, sinh hoạt để tự khám phá những nét văn hóa độc đáo trong đời sống sinh hoạt của người bản địa. Ảnh Hoa Mai - TTXVN

Cùng với đầu tư phát triển hạ tầng, huyện đã tạo điều kiện thuận lợi thu hút các nhà đầu tư vào kinh doanh du lịch như xây dựng khu nghỉ dưỡng Pu Luong Retreat tiêu chuẩn 2 sao tại bản Đôn, xã Thành Lâm. Địa phương đã kêu gọi một số công ty đầu tư vào các loại hình dịch vụ du lịch tại bản Hiêu, bản Đôn, bản Kho Mường...

Bên cạnh đó, huyện đã tập trung tăng cường công tác quảng bá du lịch cộng đồng, khôi phục các loại hình văn hóa truyền thống, các sản phẩm đặc trưng, quản lý, bảo tồn các giá trị văn hóa phi vật thể, các di tích đã được xếp hạng, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng điểm thu gom và xử lý rác thải, nước thải tại các điểm du lịch cộng đồng.
Nhờ những động thái tích cực từ chính quyền và người dân địa phương, hiện Bá Thước đã có 58 cơ sở lưu trú cộng đồng theo hình thức homestay; ngoài ra, còn có hơn 100 hộ được hưởng lợi gián tiếp từ việc tham gia chăn nuôi, trồng rau sạch, dệt thổ cẩm và các dịch vụ khác... cung cấp cho các nhà nghỉ, nhà hàng, phục vụ khách du lịch.
Các hộ gia đình kinh doanh loại hình du lịch homestay tại một số bản làm du lịch cộng đồng được trang bị các kiến thức cơ bản, như cung cấp thông tin tổng quan về du lịch cộng đồng; tập huấn kiến thức chuyên môn và các kỹ năng cơ bản về tiếp đón, phục vụ khách du lịch, văn hóa giao tiếp ứng xử; việc quản lý tài chính và tối đa hóa doanh thu; cách xử lý tình huống trong quá trình hoạt động; phát triển du lịch cộng đồng bền vững, có trách nhiệm với môi trường tự nhiên…
Hiện Bá Thước đang hoàn tất các thủ tục cần thiết để công bố và đưa vào khai thác tour du lịch cộng đồng là bản Kho Mường (xã Thành Sơn)-bản Đôn (xã Thành Lâm) -bản Hiêu (xã Cổ Lũng) vào tháng 10/2018.

Với tour du lịch này, du khách sẽ được chiêm ngưỡng cảnh quan ruộng bậc thang, tìm hiểu cuộc sống của đồng bào các dân tộc Thái, Mường và trải nghiệm nhiều hoạt động thú vị như trekking (đi bộ xuyên rừng), nghỉ dưỡng, thăm bản làng, thưởng thức ẩm thực địa phương...

 Du khách nước ngoài bị cuốn hút bởi những cảnh đẹp ở bản Đôn. Ảnh Hoa Mai - TTXVN

Để loại hình du lịch cộng đồng phát triển bền vững, phát huy được thế mạnh về tài nguyên du lịch, văn hóa bản địa của các dân tộc, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống của đồng bào các dân tộc miền núi, tỉnh Thanh Hóa cần tiếp tục đẩy mạnh việc tuyên truyền, quảng bá rộng rãi trong cộng đồng địa phương góp phần làm phong phú thêm sản phẩm du lịch; thường xuyên mở các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng giao tiếp, phục vụ, giữ gìn vệ sinh môi trường.

Đồng thời, trang bị kiến thức cho các hộ gia đình kinh doanh loại hình du lịch homestay tại một số bản làm du lịch cộng đồng... nhằm tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên, thu hút đầu tư, thu hút khách du lịch tại địa phương.
Những "trái ngọt" huyện miền núi Bá Thước thu hoạch là những minh chứng thuyết phục giúp các huyện miền núi, vùng cao khác ở xứ Thanh như Quan Hóa, Cẩm Thủy, Lang Chánh… phát huy những tiềm năng và có thêm niềm tin để đưa loại hình du lịch cộng đồng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, mang lại thu nhập ổn định và giảm nghèo bền vững cho người dân trong những năm tới./.

>>> Bạn đã check-in được 1 trong 3 homestay siêu xinh ở Huế chưa?

>>> Khám phá những homestay cực chất ở Nha Trang

>>> Đi chơi Hạ Long, bạn hãy thử check - in 1 trong 6 homestay xinh xắn

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục