Cấp cứu kịp thời các bệnh nhân bị sốc nhiệt do nắng nóng

Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam, trong một tuần nắng nóng, đã có 4.400 lượt bệnh nhân đến khám, tăng gần 40% so với tuần trước khi xảy ra nắng nóng gay gắt.
Cấp cứu kịp thời các bệnh nhân bị sốc nhiệt do nắng nóng ảnh 1Bệnh nhân sốc nhiệt thở máy tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam. (Ảnh: Nguyễn Chinh/TTXVN)

Những ngày này, cùng với các tỉnh phía Bắc, Hà Nam đang trải qua đợt nắng nóng gay gắt kéo dài với nền nhiệt 38-39 độ C, nhiệt độ ngoài trời có lúc lên tới hơn 40 độ C khiến lượng bệnh nhân trên địa bàn tỉnh gia tăng.

Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam, trong một tuần nắng nóng (từ ngày 30/6-6/7), đã có 4.400 lượt bệnh nhân đến khám, tăng gần 40% so với tuần trước khi xảy ra nắng nóng gay gắt.

Hiện nay, có gần 360 bệnh nhân nằm điều trị tại bệnh viện (tăng hơn 100 bệnh nhân so với tuần trước), trong đó có khoảng 20% trường hợp mắc các bệnh liên quan đến nắng nóng như: tăng huyết áp, tim mạch, đường hô hấp, rối loạn tiêu hóa... 

Đáng chú ý, trong ba ngày gần đây, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam đã tiếp nhận tám bệnh nhân bị sốc nhiệt do nắng nóng; trong đó, một bệnh nhân trẻ tuổi (sinh năm 1977) còn lại hầu hết là trên 70 tuổi. Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng rối loạn ý thức, hôn mê sâu, sốt cao (nhiệt độ ngoại vi từ 40-43 độ C, nhiệt độ trung tâm từ 42-44 độ C), có dấu hiệu trụy mạch và huyết áp không đo được. Sau quá trình cấp cứu tích cực, do không có dấu hiệu hồi phục, sáu bệnh nhân đã được gia đình đưa về nhà; hai bệnh nhân còn lại cũng đang trong tình trạng nguy kịch, tiên lượng xấu.

[Thời tiết nắng nóng cần chú ý đảm bảo sức khỏe người già và trẻ em]

Theo ông Đỗ Trung Đông, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam, để ứng phó với thời tiết nắng nóng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam đã tăng cường ghế ngồi, quạt mát, nước uống; đồng thời, tổ chức đón tiếp bệnh nhân sớm hơn và thực hiện các thủ tục hành chính nhanh chóng, đặc biệt là không để bệnh nhân phải nằm ghép giường.

Cũng theo ông Đỗ Trung Đông, sốc nhiệt chủ yếu xảy ra với người cao tuổi, người có các bệnh mãn tính như tiểu đường, tim mạch, tai biến.

Để phòng tránh hiện tượng sốc nhiệt, người dân nên hạn chế làm việc, đi lại quá lâu dưới trời nắng nóng. Đối với những người có các dấu hiệu lâm sàng mệt mỏi, đau đầu, khó thở, nhiệt độ cơ thể tăng cao... người nhà cần thực hiện việc làm mát cơ thể bệnh nhân, đưa bệnh nhân ra khỏi môi trường nóng và chuyển tới cơ sở y tế càng sớm càng tốt để hạn chế đến mức thấp nhất các tổn thương, di chứng do sốc nhiệt gây ra.

Tại Bệnh viện Sản-Nhi Hà Nam, một tuần trở lại đây trung bình mỗi ngày có 70-80 lượt trẻ đến khám. Phần lớn được tư vấn, kê đơn thuốc điều trị ngoại trú.

Hiện nay, hơn 50 trường hợp nặng đang phải nằm điều trị với các bệnh chủ yếu liên quan đến nắng nóng như sốt cao, viêm đường hô hấp, rối loạn tiêu hóa... 

Theo bác sỹ Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Sản-Nhi Hà Nam, các bậc phụ huynh nên phòng chống nắng nóng mùa hè cho các cháu, đặc biệt là tăng nguồn nước điện giải để bù nước, tăng cường dinh dưỡng hợp lý, cân đối để đảm bảo sức khoẻ cho các cháu; thường xuyên vệ sinh mũi, họng bằng nước muối. Khi thấy trẻ có dấu hiệu sốt, rối loạn tiêu hóa, nôn... cần đưa đến các cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục