Việt Nam tham dự các Diễn đàn Kinh tế quốc tế quan trọng

Ngày 24/5, tại TP Saint Petersburg, Diễn đàn Kinh tế quốc tế Saint Petersburg (SPIEF-2018) lần thứ 22 đã khai mạc dưới sự bảo trợ và tham dự của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Cùng này, diễn đàn Hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng lần thứ 10 cũng được tổ chức tại TP Nam Ninh, Tây Nam Trung Quốc.

120 nước tham dự SPIEF-2018

Theo phóng viên TTXVN tại LB Nga, hơn 10.000 đại biểu đại diện cho hơn 120 nước tham dự Diễn đàn Kinh tế quốc tế Saint Petersburg tại Trung tâm triển lãm “Expoforum”, TP Saint Petersburg. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Văn Bình dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam. Phó Tổng giám đốc TTXVN Lê Quốc Minh tham dự nhiều hoạt động của diễn đàn ngay trong ngày đầu tiên.

Các đại biểu tại diễn đàn đại diện cho các công ty lớn nhất của Nga và nước ngoài, lãnh đạo nhà nước và các chính trị gia, người đứng đầu chính phủ, phó thủ tướng, bộ trưởng các bộ và thống đốc các tỉnh. Do đó, SPIEF được coi là sân chơi đối thoại cho đại diện chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng chuyên gia và thu hút được sự quan tâm rất lớn từ quốc tế. 3.800 đại diện cơ quan báo chí đã đăng ký đưa tin về diễn đàn.

Các hoạt động của SPIEF-2018 tập trung vào 4 chủ đề chính gồm: “Nền kinh tế toàn cầu trong kỷ nguyên biến đổi”, “Nước Nga: Sử dụng tiềm năng tăng trưởng”, “Vốn con người trong nền kinh tế số” và “Công nghệ cho vai trò thủ lĩnh”. Theo phương châm chính của diễn đàn “Tạo nên nền kinh tế tin cậy”, các đại biểu thảo luận ảnh hưởng của công nghệ số đến mọi lĩnh vực của đời sống, trong đó có những vấn đề nóng hổi như trí tuệ nhân tạo, liệu pháp gen, công nghệ vượt trội trong y học... Hãng thông tấn TASS - đối tác thông tin của TTXVN, là đối tác thông tin chính và nhà cung cấp ảnh của diễn đàn. TASS cũng là nhà điều phối của Hội đồng Tư vấn về đầu tư nước ngoài tại LB Nga tại diễn đàn.

Ngày làm việc đầu tiên chủ yếu bao gồm các cuộc họp bàn tròn về vấn đề đầu tư, quan hệ giữa Nga và Trung Quốc, quan hệ Nga và các nước châu Âu. Sự kiện bên lề được chờ đợi nhất trong ngày khai mạc là cuộc gặp giữa Tổng thống nước chủ nhà Putin với ủy viên Hội đồng Chuyên gia quốc tế của Quỹ Đầu tư trực tiếp Nga và đại diện của cộng đồng đầu tư quốc tế. Dự kiến, 40 lãnh đạo các quỹ đầu tư lớn nhất trên thế giới của 20 nước sẽ tham dự cuộc gặp này.

Năm 2017, SPIEF đã tập hợp được 14.000 đại biểu đại diện cho 143 nước trên thế giới. Trong khuôn khổ diễn đàn năm ngoái, 400 thỏa thuận đầu tư trị giá gần 2.000 tỷ ruble (32,5 tỷ USD) đã được ký kết.

500 đại biểu tham dự Diễn đàn Hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ

Các đại biểu tham dự Diễn đàn. Ảnh: Lương Anh Tuấn/PV TTXVN tại Bắc Kinh

Cùng ngày,  Diễn đàn Hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng lần thứ 10 đã được tổ chức tại thành phố Nam Ninh (Namning) thuộc Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Guangxi), Tây Nam Trung Quốc. Tham dự diễn đàn có hơn 500 đại biểu là đại diện các bộ, ngành, viện nghiên cứu, doanh nghiệp của các nước Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Trung Quốc. Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Việt Nam Nguyễn Văn Công dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự và có bài phát biểu tại phiên đối thoại cấp bộ trưởng.

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Quốc, diễn đàn năm nay đã tập trung trao đổi, đánh giá về những thành quả sau hơn 10 năm triển khai hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng; thảo luận về xây dựng tuyến đường tiếp vận đa phương thức ASEAN – Trung Quốc thông qua kết nối giao thông, kết nối hạ tầng và tăng cường hợp tác cảng biển trong khu vực Vịnh Bắc Bộ, qua đó thúc đẩy giao lưu, hợp tác thương mại, đầu tư và giao lưu nhân dân giữa các nước ASEAN và Trung Quốc.

Phát biểu tại phiên đối thoại cấp Bộ trưởng, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Công cho biết Việt Nam đánh giá cao việc xây dựng tuyến vận chuyển đa phương thức kết nối khu vực Tây Nam của Trung Quốc với các địa phương của Việt Nam cũng như các nước trong khu vực, và ngược lại thông qua tuyến đường này có thể tiết kiệm thời gian, chi phí khi vận chuyển hàng hóa từ ASEAN tới các nước Trung Á và châu Âu. Việt Nam sẽ nghiên cứu và lựa chọn những hạng mục phù hợp với chính sách phát triển của Việt Nam; đề nghị các nước tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong các lĩnh vực ưu tiên như cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường, nông nghiệp, giao lưu nhân dân…, đặc biệt là huy động vốn và nguồn tài trợ cho các dự án trọng điểm trong khuôn khổ hợp tác.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã tham dự Diễn đàn Phát triển hành lang kinh tế Trung Quốc - Bán đảo Đông Dương lần thứ 2, các phiên đối thoại giữa lãnh đạo các tỉnh, thành phố ASEAN – Trung Quốc; đối thoại kết nối thông tin, liên lạc và kết nối vận chuyển đa phương thức.

Được khởi xướng vào năm 2006, Diễn đàn Hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng đã trở thành một hệ thống cộng tác tiểu khu vực trong khuôn khổ ASEAN-Trung Quốc. Khu vực hợp tác kinh tế Vịnh Bắc Bộ mở rộng bao gồm 3 tỉnh của Trung Quốc (Quảng Tây, Quảng Đông, Hải Nam) và các nước thành viên ASEAN như Việt Nam, Malaysia, Singapore, Philippines, Indonesia, Brunei và Thái Lan. Tham dự diễn đàn có lãnh đạo và đại diện các bộ, ngành, địa phương của Trung Quốc, đại diện các nước ASEAN, Ban Thư ký ASEAN, các tổ chức tài trợ như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cùng giới học giả quốc tế.

TTXVN/Báo Tin tức
Diễn đàn ASEAN - Australia thảo luận nhiều vấn đề khu vực và quốc tế
Diễn đàn ASEAN - Australia thảo luận nhiều vấn đề khu vực và quốc tế

Trong các ngày 22 - 23/5, tại thủ đô Canberra của Australia đã diễn ra Diễn đàn Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - Australia lần thứ 30 do Thư ký thường trực, Trưởng đoàn quan chức cao cấp (SOM) ASEAN Myanmar Myint Thu và Thứ trưởng Ngoại giao Australia Richard Maude đồng chủ trì.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN