Sưng mặt, teo tay chân vì dùng thuốc đông y không rõ thành phần

Ngày 7/6, đại diện Khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Nhân dân 115, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết đang điều trị cho một bệnh nhân mắc hội chứng cushing khiến mặt sưng, teo tay chân do lạm dụng corticoid có trong thuốc đông y.

Bệnh nhân bị sưng mặt và teo cơ chân vì sử dụng thuốc nam điều trị bệnh khớp. Ảnh: Bệnh viện Nhân dân 115

Trước đó, anh H.T.H (44 tuổi, ngụ tỉnh Tây Ninh) bị sưng đau các khớp bàn tay và cổ tay từ 3 năm nay. Thay vì đến bệnh viện, bệnh nhân tự điều trị bằng thuốc đông y không rõ thành phần tại địa phương.

Theo lời kể của bệnh nhân, lúc đầu uống thuốc đông y, anh thấy bệnh thuyên giảm. Tuy nhiên, 1 tháng sau, mặt bệnh nhân bắt đầu sưng to, tròn ra, tăng cân dần, trong khi tay chân bị teo lại. Vì thế, bệnh nhân ngưng uống thuốc. Sau khi ngưng thuốc, các khớp ngón tay sưng đau trở lại nên bệnh nhân tiếp tục dùng thuốc. Hai tháng nay, anh H.T.H xuất hiện các triệu chứng như: Bị rút các ngón tay, trên da có nhiều vết bầm, sưng đau ngày càng tăng nên quyết định đến Bệnh viện Nhân dân 115 để điều trị.

Tại Khoa Cơ xương khớp, Bệnh viện Nhân dân 115, bác sỹ ghi nhận bệnh nhân có tình trạng: Mặt tròn đỏ, béo thân, teo cơ gốc chi, da mỏng, bầm máu rải rác, biến dạng các khớp bàn tay. Đây là dấu hiệu điển hình của hội chứng cushing - một bệnh lý nội tiết do rối loạn chức năng vỏ tuyến thượng thận, gây tăng mạn tính hormon glucocorticoid không kìm hãm được. Nguyên nhân được xác định là do lạm dụng corticoid trong thuốc đông y không rõ nguồn gốc kéo dài và không có kiểm soát.

Bệnh nhân được chẩn đoán mắc các bệnh lý: Viêm khớp dạng thấp, đau rễ thần kinh, loãng xương xẹp đốt sống, cushing do thuốc. Sau khi được điều trị nội khoa tích cực tại bệnh viện, tình trạng bệnh nhân đã cải thiện nhiều, giảm đau các khớp và cột sống.

Các bác sỹ khuyến cáo, thuốc đông y không rõ thành phần có thể chứa corticoid gây tác dụng phụ như hội chứng cushing, loãng xương, teo cơ, rối loạn đường huyết… nếu lạm dụng thuốc trong thời gian dài. Do đó, người dân cần thận trọng trước những loại thuốc giảm đau không rõ nguồn gốc và đến cơ sở y tế để được điều trị, tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc an toàn.

Đinh Hằng (TTXVN)
 Cứu sống bệnh nhân bị vỡ động mạch chủ do tai nạn giao thông
Cứu sống bệnh nhân bị vỡ động mạch chủ do tai nạn giao thông

Trên đường đi làm bằng xe máy, anh T.T.M. (31 tuổi, Cà Mau) bị tai nạn giao thông nghiêm trọng và được chuyển tới bệnh viện trong tình trạng nguy kịch. Hầu hết các trường hợp rơi vào tình trạng như của anh M. đều tử vong ngay tại hiện trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN