Giúp đồng bào làm du lịch cộng đồng

Xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu là một điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tìm hiểu cuộc sống, sinh hoạt của đồng bào vùng Tây Bắc. Nhờ có du lịch mà nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở đây có đời sống kinh tế khá giả hơn.

Bản Hon là xã miền núi, chủ yếu là đồng bào dân tộc Lự và Mông cùng sinh sống. Cuối năm 2013, Lai Châu chính thức công nhận xã là điểm du lịch văn hóa cộng đồng của tỉnh; với hai bản phát triển du lịch là bản Hon 1 và bản Hon 2. Tại đây, những ngôi nhà sàn truyền thống, những nét văn hóa dân tộc đậm bản sắc, cùng với tấm lòng mến khách của đồng bào dân tộc Lự, là những ấn tượng khó quên khi đến thăm bản.

Vải dệt tấm là sản phẩm độc đáo của dân tộc Lự (Lai Châu).


Từ nhiều năm nay, gia đình chị Tao Thị Phúm, dân tộc Lự ở bản Hon 2, đã tự đầu tư mua sắm các vật dụng thiết yếu để phục vụ du khách. Có kinh nghiệm tiếp đón rất nhiều đoàn, chị Phúm không ngại ngần khi tiếp xúc, trò chuyện với khách lạ. Chị Phúm cho biết, mỗi năm gia đình chị đón vài trăm lượt khách đến tham quan và nghỉ lại, đông nhất là vào những dịp nghỉ hè, dịp lễ, Tết. Các đoàn khách đặt cơm với gia đình chị, sẽ được thưởng thức các món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc ở địa phương...

Không chỉ phục vụ cơm nước, đảm bảo chỗ nghỉ cho du khách theo yêu cầu, chị Phúm còn tự tay thêu, đan những món quà lưu niệm như mũ, ví, thắt lưng, túi xách, thậm chí cả những bộ quần áo cầu kỳ với hoa văn truyền thống. “Nhiều địa phương mua sẵn những quà lưu niệm công nghiệp để bán cho khách tham quan. Với tôi, phải tự làm những sản phẩm cho du khách thì du khách mới trân trọng và nhớ đến đồng bào dân tộc địa phương", chị Phúm chia sẻ.

Từ khi được công nhận là điểm du lịch văn hóa cộng đồng, trung bình mỗi tuần, xã Bản Hon đón từ 1 - 2 đoàn khách (khoảng 3 - 30 khách/đoàn) đến tham quan. Đến Bản Hon, du khách được trải nghiệm nhiều điều thú vị như được thưởng thức các đặc sản ẩm thực của đồng bào dân tộc Lự, tham gia các trò chơi dân gian, tìm hiểu cuộc sống sinh hoạt của người dân bản địa. Để phục vụ du khách, xã đã thành lập đội văn nghệ. Sau những ngày làm việc vất vả, tối đến các thành viên đội văn nghệ lại say sưa luyện tập, truyền dạy cho các thế hệ trẻ những điệu múa xòe, thổi sáo giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc.

Ông Vàng Văn Chom, Bí thư Chi bộ bản Hon 1, xã Bản Hon, huyện Tam Đường cho biết: Từ khi có du lịch, đời sống của người dân trong bản, trong xã đã dần khá lên. Phát triển du lịch cộng đồng đã góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Lự ở xã nói riêng. Sự đầu tư, lồng ghép các nguồn vốn của Đảng và Nhà nước để xây dựng những đường bê tông quanh bản, liên bản đã góp phần thúc đẩy phát triển du lịch ở địa phương. Còn ông Lò Văn Lả, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Hon, khẳng định: Để khai thác hiệu quả hơn tiềm năng du lịch cộng đồng tại Bản Hon, các cấp, các ngành trong tỉnh mở rộng liên kết với các doanh nghiệp lữ hành; đồng thời cần quan tâm đầu tư xây dựng, hỗ trợ người dân để họ nâng cấp thêm cơ sở hạ tầng, tạo các sản phẩm lưu niệm du lịch phục vụ nhu cầu của du khách; mở những lớp tập huấn kỹ năng phát triển du lịch, đặc biệt là những hộ tham gia bảo tồn văn hóa. Chính quyền địa phương cũng tích cực tuyên truyền cho người dân để họ tích cực gìn giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống lâu đời và đặc sắc.

Nguyễn Duy
Cần tạo đà cho du lịch cộng đồng ở Hà Nội phát triển
Cần tạo đà cho du lịch cộng đồng ở Hà Nội phát triển

Dù ngành du lịch Thủ đô đã dành sự quan tâm tới du lịch cộng đồng, nhưng để phát triển loại hình du lịch này, cần một chiến lược dài hơi và hướng vào bài bản, chuyên nghiệp hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN