Quản lý truyền thông trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0

Công tác quản lý truyền thông đang phải đối mặt với các vấn đề quản lý thông tin trên một không gian “mở” nhưng “ảo," những vấn đề về an ninh truyền thông, tin tặc, các loại tội phạm thông tin...
Quản lý truyền thông trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Vietnam+)

Sáng 19/6, tại Hà Nội, Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) phối hợp Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Quản lý truyền thông trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4-Thực trạng và những vấn đề đặt ra."

Hội thảo nhằm làm rõ thực trạng và những vấn đề đang đặt ra trong công tác quản lý truyền thông, trên cơ sở đó đề xuất phương hướng, giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý truyền thông ở Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, phó giáo sư, tiến sỹ Trương Ngọc Nam, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 gây ra ảnh hưởng mạnh mẽ đến tất cả các yếu tố của chu trình truyền thông, bao gồm chủ thể truyền thông, nội dung thông điệp, kênh truyền thông và đối tượng tiếp nhận, đến toàn bộ quá trình quản lý truyền thông.

Xu hướng hội tụ truyền thông buộc các cấp lãnh đạo phải thay đổi cách thức quản lý, vận hành và tổ chức quy trình làm báo tại tòa soạn, cơ quan báo chí hay tổ chức truyền thông theo hướng đồng bộ, tinh gọn và hiệu quả.

Những người làm truyền thông cũng cần nắm bắt các xu hướng mới trong quá trình tác nghiệp. Các công nghệ được sử dụng trong truyền thông không ngừng biến đổi dẫn đến sự thay đổi trong hành vi tiếp nhận các sản phẩm truyền thông của công chúng.

Công chúng không chỉ chủ động lựa chọn thông tin, quyết định thông tin mình muốn tiếp cận mà còn chủ động tham gia vào quá trình truyền thông và góp phần tạo nên thông điệp cho quá trình truyền thông đó.

Cùng với sự phát triển của các nền tảng truyền thông, công tác chỉ đạo, quản lý truyền thông đang gặp không ít khó khăn. Sự bùng nổ của mạng xã hội như Facebook, Youtube... khiến các cơ quan chức năng khó kiểm soát thông tin. Do vậy, việc đưa ra các biện pháp hợp lý để hạn chế ảnh hưởng xấu của các thông tin sai lệch trên mạng đối với dư luận xã hội là điều vô cùng cấp thiết.

Công tác quản lý truyền thông phải đối mặt với các vấn đề quản lý thông tin trên một không gian “mở” nhưng “ảo," những vấn đề về an ninh truyền thông, tin tặc, các loại tội phạm thông tin đặc biệt nguy hiểm.

Để có thể nâng cao hiệu quả công tác quản lý truyền thông trong giai đoạn mới, rất cần những cuộc trao đổi, tọa đàm để các cơ quan quản lý truyền thông, người làm truyền thông và công chúng hiểu sâu hơn về những tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, từ đó có những bước đi phù hợp với xu thế chung của thế giới.

[Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chúc mừng đội ngũ người làm báo cả nước]

Tham luận tại hội thảo, ông Lê Quang Tự Do, Phó Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đánh giá sự phát triển của Internet nói chung và mạng xã hội nói riêng ở Việt Nam đã góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Tuy nhiên, bên cạnh những tiện ích đó là những mặt trái không hề nhỏ. Công tác quản lý thông tin trên mạng xã hội, định hướng dư luận ở Việt Nam hiện nay đang đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức do sự tác động của quá trình toàn cầu hóa thông tin, sự “bùng nổ” các phương tiện truyền thông trên Internet.

Ông Lê Quang Tự Do đề xuất, đối với công tác quản lý thông tin trên mạng xã hội, cần có sự coi trọng, đầu tư thích đáng cho công tác này; xây dựng mô hình quản lý riêng đối với lĩnh vực thông tin trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, ngành chức năng cần thực hiện đồng bộ các giải pháp “xây” và “chống,” trong đó đặc biệt quan tâm, đầu tư xây dựng hệ sinh thái nội dung số trong nước đủ mạnh để người dân trong nước có thêm nhiều sự lựa chọn sử dụng dịch vụ...

Đặc biệt, công tác quản lý thông tin trên mạng xã hội rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ và có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các bộ, ngành liên quan.

Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được hơn 60 bài tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý-truyền thông. Tham luận của các đại biểu tập trung phân tích, làm rõ những nội dung quan trọng như: Cơ sở lý luận về truyền thông và quản lý truyền thông; tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đến báo chí-truyền thông; những biến đổi của truyền thông trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4; thực trạng hoạt động truyền thông và quản lý truyền thông 4.0; cơ hội, thách thức và những vấn đề đặt ra đối với công tác quản lý truyền thông ở Việt Nam hiện nay; công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho việc quản lý, tác nghiệp trong lĩnh vực báo chí, truyền thông trong bối cảnh của Cách mạng công nghiệp lần thứ 4...

Trên cơ sở chia sẻ kinh nghiệm và trao đổi kết quả nghiên cứu, các nhà khoa học đã đề xuất phương hướng, giải pháp và kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý truyền thông ở Việt Nam trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục